Vì sao bà Hillary ‘vấp ngã’ trước ngưỡng cửa Nhà Trắng?

13/09/2016 10:26 AM | Xã hội

Từ vị thế là ứng cử viên số một trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, ứng cử viên của đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã liên tục mất điểm trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang vào giai đoạn nước rút.

Hủy chiến dịch vận động tranh cử

Người phát ngôn Nick Merrill của đảng Cộng hòa ngày 12/9 xác nhận, bà Hillary Clinton đã phải hủy chiến dịch vận động ở bang California sau khi cho thấy dấu hiệu sức khỏe kém tại sự kiện kỷ niệm vụ khủng bố 11/9 tại New York.

Bác sỹ Lisa Bardack, người theo dõi sức khỏe của bà Hillary, cho biết cựu Ngoại trưởng Mỹ đã bị mất nước tại sự kiện ở New York. Cũng theo bác sỹ Bardack, bà Hillary bị chẩn đoán bị viêm phổi từ hôm 9/9 song đang "hồi phục tốt" sau khi được cho dùng thuốc kháng sinh.

Ba cuộc tranh luận giữa bà Clinton và ông Trump - phần đặc sắc nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào các ngày 26/9 – tại ĐH Hofstra (Hempstead, New York), 9/10 – tại ĐH Washington (St.Louis, Missouri) và 19/10 – tại ĐH Nevada (Las Vegas, Nevada).

Sau khi hủy bỏ cuộc vận động ở California (ngày 13/9), hiện vẫn chưa rõ bà HillaryHillary có tiếp tục các kế hoạch ở Las Vegas ngày 14/9 tới hay không.

Đáng chú ý, trước khi tình hình sức khỏe của bà Hillary được công bố, đối thủ của bà Hillary trong chạy đua vào Nhà Trắng, ứng cử viên đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump từng nhiều lần công khai cáo buộc, cựu Ngoại trưởng Mỹ không đủ khỏe để đảm đương nhiệm vụ của Tổng thống. Đáp lại, trợ lý của bà Hillary cáo buộc ông Trump cố tình kích động thuyết âm mưu về sức khỏe của bà.

Tuy nhiên, khoảnh khắc ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ nghiêng ngả và suýt ngã khi bước lên ô tô cùng đoàn hộ tống sau lễ tưởng niệm 15 năm sự kiện ngày 11/9 vừa qua, đã chứng minh, những tuyên bố của ông Trump là có cơ sở.

Bất chấp những lý giải của các bác sĩ, rằng bà Hillary bị viêm phổi, và hoàn toàn có khả năng điều hành đất nước một khi trở thành Tổng thống. Nhưng thông tin ngay sau đó từ giới truyền thông cho thấy, nội bộ đảng Dân chủ dường như "đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc họp khẩn nhằm tìm kiếm giải pháp thay thế bà Clinton trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng", như chia sẻ trên Twitter cá nhân hôm 12/9 của David Shuster, phóng viên nổi tiếng của kênh truyền hình MSNBC.

Liên tục mất điểm

Đã có những thời điểm, bà Hillary dẫn trước tỷ phú Trump hai con số trong các cuộc thăm dò cử tri đăng ký tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào ngày 3/11 tới.

Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát của Reuters và hãng thăm dò Ipsos kết hợp thực hiện, và được công bố hôm 10/9 cho thấy, ứng viên của đảng Cộng hòa đã rút ngắn khoảng cách đáng kể đối với ứng viên đảng Dân chủ tại một số bang chủ chốt.

Theo kết quả hiện tại, bà Hillary có 83% cơ hội giành chiến thắng, với 47 phiếu bầu từ đại cử tri đoàn. Tuy nhiên, vào cuối tháng 8, các con số này của bà Clinton lần lượt là 95% và 108.

Cũng trong ngày 10/9, một khảo sát khác do Washington Post ABC News công bố đưa ra kết quả bất ngờ: tỷ phú Trump đang thu hẹp cách biệt so với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary với tỷ lệ là 41% so với 46%.

Cả hai ứng viên đều đã công bố kết quả kiểm tra y tế từ năm 2015 nhưng đến nay chưa cập nhập thêm lần nào. Do yếu tố tuổi tác nên thông tin sức khỏe của cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton đều trở nên bí ẩn và công bố có chọn lọc hơn những ứng viên trước đây.

Đáng chú ý, kết quả thăm dò trên được công bố ít giờ trước "tuyên bố gây sốc" của bà Hillary về những người ủng hộ đối thủ của bà là tỷ phú Trump.

Theo đó, tại một hoạt động vận động tranh cử hôm 10/9, bà Clinton nói rằng, một nửa số người ủng hộ ông Trump là "(những kẻ) đáng thương với động cơ phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, đồng tính, bài ngoại và bài Hồi giáo".

Tuyên bố làm dấy lên sự phẫn nộ từ phía đối thủ của bà, người trong các cuộc bầu cử sơ bộ đã được gần 14 triệu cử tri Mỹ lựa chọn - con số kỷ lục mà chưa một ứng viên nào của đảng Cộng hòa thu được trong lịch sử bầu cử sơ bộ.

Tuy sau đó, bà Clinton đã "lấy làm tiếc" về phát biểu trên, nhưng giới chính trị Mỹ nhận định, phát biểu của bà Hillary đã khiến ứng viên đảng Dân chủ tiếp tục đánh mất lợi thế nhỏ nhoi vốn có trước ứng viên đảng Cộng hòa, tỷ phú Trump.

Đáng chú ý, trong thời điểm dấy lên những đồn đoán xung quanh tình hình sức khỏe của ứng viên đảng Dân chủ, thì tỷ phú Trump bất ngờ chỉ thị cho các trợ lý không được đưa ra tuyên bố nào về bệnh tình của bà Hillary cũng như cấm đăng tải ý kiến về việc này trên các mạng xã hội.

Thậm chí, ông Trump công khai "chúc bà Clinton mau chóng bình phục" và "bày tỏ sự tôn trọng" với vụ việc vừa xảy ra, đồng thời cảnh báo những ai vi phạm chỉ thị nói trên có nguy cơ "phải chịu hậu quả đến mức sa thải".

Chưa biết dụng ý của ông Trump là thế nào, nhưng "hành động lạ" trên của ứng viên đảng Cộng hòa ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm lý của hàng triệu cử tri Mỹ, những người hiện vẫn đang phân vân chọn bà Hillary, hay tỷ phú Trump vào cuộc bầu cử diễn ra đầu tháng 11 tới.

Ngoài những nghi vấn về sức khỏe, bà Clinton còn bị mất điểm với cử tri vì bê bối thư điện tử, quỹ từ thiện và những quan điểm đối ngoại cứng rắn với Nga và Trung Quốc.

Ai có thể thay thế bà Hillary?

Việc một ứng viên tổng thống của một đảng lớn rút lui trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng là chưa từng có trong lịch sử bầu cử nước Mỹ.

Ủy ban Dân chủ quốc gia cũng chưa đưa ra bình luận chính thức nào về những thông tin trên, tuy nhiên, đối diện với vấn đề sức khỏe của bà Clinton, việc đảng Dân chủ triển khai một kế hoạch dự trù là hoàn toàn có thể.

Theo các chuyên gia, bệnh phổi có thể trở nên nghiêm trọng hơn đối với những người cao tuổi, 90% các ca tử vong rơi vào những người từ 65 tuổi trở lên và vào tháng 11 này bà Clinton sẽ bước sang tuổi 69.

Vậy ai xứng đáng trở thành đại diện đảng Dân chủ, nếu trong trường hợp bất khả kháng, bà Hillary không thể tiếp tục cuộc chạy đua vào Nhà Trắng? Tờ Heavy ngày 12/9 đã đưa ra nhận định về các ứng viên tiềm năng.

"Phó tướng" Tim Kaine

Ông Tim Kaine được bà Hillary chọn làm "phó tướng" cho chiến dịch tranh cử, và nhiều người nghĩ rằng, ông sẽ được đặc quyền thay thế trong trường hợp cựu Ngoại trưởng Mỹ rút lui.

Tuy nhiên, theo luật bầu cử của đảng Dân chủ Mỹ, nếu ứng viên tổng thống của đảng không thể tiếp tục tranh cử, Chủ tịch đảng sẽ triệu tập các cử tri và chọn ra một người có khả năng thay thế.

Nói như thế có nghĩa, ông Tim Kaine không phải là ứng cử viên đương nhiên, nhưng vẫn sẽ là một nhân vật được đảng Dân chủ ưu ái.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders

Thượng nghị sĩ Sanders về sau bà Hillary trong cuộc chạy đua để đại diện đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Là thành viên đảng Dân chủ năm 2015, là chính trị gia độc lập phục vụ lâu nhất ở Mỹ trong lịch sử của Quốc hội, do vậy ông Sanders có những lợi thế nhất định nếu bà Hillary không thể tiếp tục chặng đua nước rút cùng ông Trump.

Phó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden

Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden cũng là một trong những người được mong đợi sẽ đứng vào vị trí của bà Clinton nếu bà xin rút lui.

Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden. Ảnh: Reuters
Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden. Ảnh: Reuters

Ông Joe Biden được coi là người có thể đánh bại tỷ phú Trump nhờ kinh nghiệm chính trường lâu năm. Ông đã từng hai lần tranh cử giành vị trí ứng viên tổng thống trong đảng Dân chủ vào năm 1998 và 2008, tuy nhiên đều thất bại.

Trong nhiệm kỳ Thượng nghị sĩ thứ 6 liên tiếp của mình, ông Biden là người có thâm niên lâu thứ 6 so với tất cả Thượng nghị sĩ hiện tại.

Theo điều lệ, ứng viên mới cần được đa số phiếu bầu chọn trong cuộc họp đặc biệt của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ.

Báo Express của Anh hồi cuối tuần trước dẫn một tuyên bố gây tranh cãi của một giáo sư giấu tên tại một trường y của Mỹ nói rằng, bà Clinton bị chứng mất trí nhớ nghiêm trọng và có thể chỉ còn sống được hơn 1 năm nữa.

Nguyên nhân khiến bà Hillary mất trí nhớ được nói là do lần bị ngã gây chấn thương ở đầu vào năm 2012, sau đó bị nghẽn mạch máu ngay trước thềm năm mới 2013. Tuy nhiên, bà Clinton đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ những thông tin kiểu này.

Theo Tùng Dương

Cùng chuyên mục
XEM