Ứng phó với các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông: Khi ta tự hại ta!

17/03/2016 12:22 PM | Kinh tế vĩ mô

Trước những mối đe dọa khốc liệt đến từ các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông, vừa qua phía Việt Nam thuê 2 Cty tư vấn là DHI của Đan Mạch và HRD của Mỹ thực hiện “Báo cáo tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông dưới sự quản lý của Bộ TNMT” (báo cáo MDS).

Tuy nhiên, báo cáo này mang đến sự thất vọng cho giới nghiên cứu vì dưới chuẩn khoa học rất xa, có chiều hướng đơn giản hóa, đánh giá thấp tác động của các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông đến vùng ĐBSCL . PV xin lược ghi ý kiến của các chuyên gia xoay quanh vấn đề này…

PGS - TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu , Đại học Cần Thơ:

- Chúng tôi đọc kỹ báo cáo MDS, thấy có nhiều điểm thiếu thuyết phục, ngay từ khung nghiên cứu và phương pháp tiếp cận vấn đề của MDS đã thấy các bất ổn: Chỉ phiến diện, theo một chiều từ các đập nước xuống những vấn đề tác động mà bỏ qua các yếu tố như các đập thủy điện ở Trung Quốc, biến đổi khí hậu (BĐKH)...

Việc thiếu và chưa chuẩn xác ở số liệu thủy văn đầu vào, số liệu phù sa, chế độ vận hành của chuỗi đập thủy điện trên dòng chính… khiến kết quả kém tin cậy, từ đó việc suy luận đến phù sa, năng suất canh tác, KTXH không phản ánh được thực tế.

Vì vậy con số tính toán 500.000 tấn lúa/năm giảm ở ĐBSCL khi có 11 đập thủy điện vận hành thì khó mà chấp nhận được.

Lượng hao hụt này quá nhỏ, chỉ riêng năm khô hạn 2015-2016 (chưa có 11 đập thủy điện ở dòng chính) đã làm mất hoàn toàn sản lượng của xấp xỉ 200.000ha đất nông nghiệp, số thiệt hại sản lượng nông nghiệp chắc chắn đã lớn hơn 500.000 tấn lúa.

Sự mất mát lương thực do tác động của chuỗi các đập thủy điện sẽ rất cao và tăng dần theo thời gian. Khả năng “tan rã” quá trình kiến tạo đồng bằng khiến vùng châu thổ có thể không còn là vựa lúa của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực quốc gia.

Đây là một nghiên cứu cấp quốc gia và có ý nghĩa rất lớn để Chính phủ dùng làm cơ sở đàm phán và chia sẻ rủi ro với các quốc gia liên quan. Kết quả thiếu tin cậy sẽ dẫn đến những quyết sách sai lầm và hệ lụy tiêu cực khó lường.

Tôi đề xuất cơ quan chịu trách nhiệm phải công khai và minh bạch phiên bản MDS mới nhất và các tài liệu liên quan. Trước mắt, Chính phủ Việt Nam chưa nên phê duyệt chính thức báo cáo MDS này cho đến khi có một báo cáo đánh giá độc lập và thuyết phục chất lượng của phiên bản MDS này.

Chuyên gia nghiên cứu độc lập Nguyễn Hữu Thiện:

- Báo cáo MDS có rất nhiều vấn đề, không thể liệt kê hết. Đơn cử, vùng ĐBSCL do phù sa sông Mê Kông bồi đắp, tạo nên.

Khi các đập thủy điện lấy mất phù sa, quá trình “kiến tạo đồng bằng” của dòng sông sẽ bị cắt đứt và quá trình “tan rã” sẽ diễn ra, đe dọa sự tồn tại của vùng. Thế nhưng MDS không xem vấn đề sạt lở về lâu dài là mảng tác động chính trong nghiên cứu.

Với rủi ro vỡ đập, MDS chỉ tính toán vỡ đập đối với đập Sambor là đập cuối cùng bên dưới ở Campuchia và cho rằng khi đập Sambor vỡ thì mức nước ĐBSCL chỉ tăng 0,4 mét.

Mức tăng ngập này chỉ tương đương độ ngập gây ra cho TP. Cần Thơ bởi một trận mưa 100mm, không nguy hiểm. MDS không tính đến vỡ đập dây chuyền ví dụ khi một đập phía trên vỡ do động đất, gây vỡ chuỗi đập bên dưới.

Nhìn chung, chúng tôi cho rằng chất lượng của MDS cả về khung nghiên cứu, phương pháp luận, số liệu đều chưa đạt chuẩn khoa học.

Chúng tôi cho rằng nhóm chuyên gia quốc tế tham gia trong MDS không hiểu biết thực tế về ĐBSCL, chủ yếu ngồi ở Hà Nội, dựa vào mô hình máy tính, bản đồ và số liệu và một số khảo sát của các nhóm thực địa làm trong thời gian ngắn mang về để tính toán một cách qua loa.

Kịch bản vận hành đập mà MDS dùng để tính toán tác động là phi thực tế. MDS giả định rằng tất cả 11 đập sẽ vận hành theo chế độ 16 giờ đóng đập tích nước và 8 giờ xả nước phát điện đều đặn mỗi ngày trong suốt năm.

Điều này không thể có và hơn nữa, 11 đập này do 11 nhà đầu tư vận hành khác nhau vì lợi ích tối đa hóa lợi nhuận từ vốn đầu tư . Chỉ riêng giả định đầu vào này đã làm cho kết quả mô hình của MDS không còn giá trị.

Đặc biệt, MDS bỏ qua hoàn toàn biến đổi khí hậu trong bức tranh chung trong khi biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng lượng mưa, gây ảnh hưởng đến chế độ vận hành đập, chế độ khô hạn, ngập lũ, xâm nhập mặn , vì vậy ảnh hưởng đến bức tranh chung.

Với mảng kinh tế, MDS dùng năm 2011/2012 làm năm nền để tính toán, nhưng các mảng khác như nông nghiệp, thủy sản lại dùng năm 2007 để làm nền.

Một nghiên cứu với chất lượng thấp như thế nhưng lại mang danh nghĩa chính thức của Chính phủ Việt Nam sẽ tạo ra rất nhiều điều không hay. Chúng tôi cho rằng báo cáo này chưa thể sử dụng được, cần phải được mổ xẻ, tranh luận công khai sau đó cải thiện về chất lượng thì mới nên được công nhận chính thức.

Theo Trần Lưu

Cùng chuyên mục
XEM