Quy định khó hiểu này góp phần khiến học sinh VN mang ngoại tệ ra nước ngoài du học ngày càng đông?

10/03/2016 16:38 PM | Kinh tế vĩ mô

Con số 3 tỷ USD dành cho việc hưởng thụ nền giáo dục quốc tế không phải là con số quá lớn nhưng sẽ tốt hơn nếu có phương án biến chi phí này trở thành nguồn thu cho các cơ sở giáo dục trong nước/quốc tế đặt tại Việt Nam.

Thụ hưởng nền giáo dục chuẩn quốc tế vẫn là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh Việt dành cho con em mình. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để "viện trợ" mức học phí lên đến 30-40 ngàn USD mỗi năm cho các mầm non tương lai, chưa tính đến chi phí ăn ở sinh hoạt khó có thể thấp hơn mức chi tiêu trong nước.

Theo một thống kê mới công bố gần đây của Nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo, người Việt Nam mỗi năm đang chi khoảng gần 3 tỉ đô la Mỹ để có được nền giáo dục quốc tế. Hiện tại, có hơn 110.000 học sinh Việt Nam du học ở 47 quốc gia.

Vậy còn cách nào để vẫn được học tập trong môi trường giáo dục tiêu chuẩn quốc tế, nhưng không cần xách vali sang xứ người du học? Câu trả lời có vẻ rất đơn giản, đó là chọn lấy một trường chuẩn quốc tế ở Việt Nam để theo là xong!

Vấn đề tưởng dễ giải quyết vậy, mà không phải vậy!

Theo Nghị định 73 cho giáo dục quy định, các trường quốc tế chỉ được tiếp nhận tối đa 20% học sinh Việt Nam, cụ thể trường trung học phổ thông không quá 20%, trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10%. Riêng cơ sở giáo dục mầm non quốc tế (trường mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ) chỉ dành cho riêng học sinh người nước ngoài, dù đặt tại Việt Nam.

Cũng theo quy định này, các trường quốc tế sẽ được phép "thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho học sinh là người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu".

Có lẽ chính quy định hạn chế mức tối đa 20% học sinh Việt Nam đã gián tiếp đẩy "bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu" lựa chọn phương án mang ngoại tệ ra nước ngoài để du học. 3 tỷ USD mang ra nước ngoài chỉ là số liệu tính toán dựa trên mức học phí, chưa tính đến sinh hoạt phí và các chi phí đi kèm khác.

Chưa kể các trường quốc tế lớn sẽ "ngại" vào Việt Nam vì quy định phi thực tế này.

Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng đã phải than thở tại buổi họp của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp ngày 8/3/2016: “Quy định như vậy thì không có Harvard nào vào Việt Nam cả; các trường lớn không bao giờ vào vì những thủ tục này”. Ông Hoàng cho rằng những thủ tục của Nghị định 73 đang gây cản trở các dự án đầu tư nước ngoài về giáo dục và đào tạo vào Việt Nam. (Theo TBKTSG)

Con số 3 tỷ USD dành cho việc hưởng thụ nền giáo dục quốc tế không phải là con số quá lớn nếu so sánh với số tiền người Việt chi trả cho bia, mua xổ số, sắm điện thoại di động (đều khoảng 3 tỷ USD) hay cho chữa bệnh (2 tỷ USD), du lịch nước ngoài (6 tỷ USD). Nhưng Việt Nam sẽ lợi đủ đường nếu có phương án biến chi phí này trở thành nguồn thu cho các cơ sở giáo dục trong nước/quốc tế đặt tại Việt Nam. Làm được điều đó sẽ không chỉ thu hút học sinh Việt Nam mà còn hấp dẫn các du học sinh quốc tế đến Việt Nam học tập và nghiên cứu.

Theo Báo cáo Open Doors được công bố thường niên bởi Viện Giáo dục quốc tế (IIE), tại Mỹ, Việt Nam hiện đứng thứ 9 về số lượng du học sinh ở quốc gia này. Năm học 2014-2015, có 18.722 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ - tăng 12,9% so với năm ngoái. Đây cũng là năm thứ 14 liên tiếp tỷ lệ du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng trưởng. Năm 2014, sinh viên Việt Nam ở Mỹ đã đóng góp 596 triệu USD cho nền kinh tế nước này.

Kiến Anh

Cùng chuyên mục
XEM