Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Công nghệ tự nó không phát triển tốt nếu không có môi trường pháp lý tốt

14/03/2016 15:17 PM | Kinh tế vĩ mô

Rào cản lớn nhất đối với công nghệ số không phải là công nghệ. Môi trường kinh doanh tại một nước sẽ định hình cách thức các doanh nghiệp tiếp nhận và áp dụng công nghệ ở nước đó.

“Nhà nước phải đưa ra một môi trường pháp lý bởi công nghệ tự nó không phát triển tốt nếu không có môi trường tốt”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại hội thảo "Công bố báo cáo phát triển thế giới 2016: Lợi ích số" chiều 14/3.

Phó Thủ tướng Đam là 1 trong 3 người hiếm hoi được sở hữu máy tính cá nhân đầu tiên tại Việt Nam. Ông cũng chứng kiến những bước đầu tiên đưa Internet vào Việt Nam, chứng kiến cuộc tranh cãi nóng bỏng giữa việc chỉ cho phép Internet vào Việt Nam khi kiểm soát được nó, hay để Internet phát triển và chúng ta phải nâng cao khả năng quản lý để ngăn chặn tác hại của nó.

“Các bạn không thể tưởng tượng được ở thời điểm đó, cuộc đấu tranh về quan điểm, cách tiếp cận có sử dụng kỹ thuật số, hay cho mở Internet đi trước năng lực quản lý hay không, không chỉ gay gắt vì nghèo khó hay Việt Nam lúc đó còn bị bao vây về cấm vận, mà còn bởi tư duy, quan điểm”, ông Đam kể lại.

Nhờ quan điểm rất mạnh dạn đi thẳng vào kỹ thuật số và tận dụng các thế mạnh, cơ hội mà nó mang lại, công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam mới được như ngày hôm nay.

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ rõ những lợi ích của công nghệ số như: Góp phần nâng cao năng suất lao động hay hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sử dụng sức người hay tăng cường chất lượng quản lý sản xuất, dịch vụ…, đặc biệt tác dụng giúp từng nhóm người, từng dân tộc, nhất là nhóm người được chia sẻ, thụ hưởng và thậm chí đóng góp vào thành tựu chung của nhân loại.

Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại về mặt trái của công nghệ này, như máy móc sẽ làm giảm công ăn việc làm của người lao động, đặc biệt là vấn đề an toàn thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của mọi người.

“Tôi chỉ muốn nói rằng, giờ không phải lúc bàn lợi ích của công nghệ số là thế nào mà phải khẳng định: Bản thân công nghệ số có những mặt trái, nhưng không phải do công nghệ mà do người sử dụng công nghệ. Vì thế, không có lý gì vì tác động mặt trái của nó mà kìm hãm nó, mà phải tìm mọi cách để nó phát triển”, Phó Thủ tướng nhận định.

“Không có cái gì tự nhiên đến. Theo chúng tôi hiểu, tất cả đều phải nỗ lực. Việc này không phải của riêng ai, mà trước hết là Chính phủ. Nhà nước phải đưa ra một môi trường pháp lý bởi công nghệ tự nó không phát triển tốt nếu không có môi trường tốt”.

Rào cản lớn nhất đối với công nghệ số không phải là công nghệ!

"Báo cáo phát triển thế giới 2016: Lợi ích số" do Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố cho thấy: Rào cản lớn nhất đối với công nghệ số không phải là công nghệ. Môi trường kinh doanh tại một nước sẽ định hình cách thức các doanh nghiệp tiếp nhận và áp dụng công nghệ ở nước đó.

Trong các ngành khác với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), môi trường kinh doanh kém và các nhóm lợi ích là những yếu tố kìm hãm tiếp nhận công nghệ.

Trong ngành kinh doanh trực tuyến, bản chất kinh tế của Internet có xu hướng dẫn tới độc quyền tự nhiên để khai thác vị thế chi phối.

“Như vậy, sẽ gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà cung cấp. Và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trực tuyến và ngoại tuyến làm cho cơ quan quản lý lúng túng tìm cách bảo vệ người tiêu dùng và người lao động trong một thế giới mà hãng taxi lớn nhất không có xe taxi nào và hãng kinh doanh khách sạn lớn nhất không có khách sạn nào”, báo cáo nhận định.

Mối quan hệ tác động qua lại giữa công nghệ và quản lý này cho thấy chính phủ phải tìm ra phương cách đảm bảo môi trường kinh doanh để mọi doanh nghiệp có thể kết nối và cạnh tranh.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM