Mỗi tháng, người dân Việt Nam móc túi hàng trăm tỷ đồng "làm giàu" cho Petrolimex

14/03/2016 11:30 AM | Kinh tế vĩ mô

Cách tính thuế nhập khẩu thiếu đồng nhất của Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã khiến người dân mỗi tháng phải mất oan hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, hiện tại, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được Liên Bộ Tài Chính – Công Thương áp dụng Biểu thuế nhập khẩu như sau: Thuế với xăng là 20%, dầu diesel và ma dút là 10%, dầu hỏa là 13%.

Tất cả các khoản thuế trên sẽ được tính vào giá bán cuối cùng đến người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam phải từng bước mở cửa thị trường, đồng nghĩa với thuế quan nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu sẽ giảm dần.

Từ tháng 5/2015, thuế nhập khẩu dầu đã giảm từ 10% xuống còn 5%. Đến ngày 1/1/2016, thuế xăng, dầu nhập khẩu tiếp tục được điều chỉnh như sau: Xăng nhập vẫn 20% nhưng các loại dầu lại giảm về 0%.

Bên cạnh đó, từ đầu năm nay, thuế nhập dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10% (thấp hơn thị trường khác 10%).

Như vậy, phần lớn xăng được nhập về chỉ nộp thuế nhập khẩu 5-10%, còn dầu chỉ 0-5% nhưng mức thuế để tính giá bán đến người tiêu dùng hai mặt hàng này vẫn giữ nguyên 10 và 20%.

Mức chênh lệch 5-10% chính là khoản tiền mà các nhà buôn xăng dầu được hưởng suốt từ tháng 5/2015 đến nay.

Vậy DN dầu được lợi bao nhiêu từ "lỗ hổng" này?

Theo số liệu của cơ quan quản lý, trong hai tháng đầu năm 2016, mỗi tháng Việt Nam tiêu thụ bình quân hơn 400 triệu lít diesel từ ASEAN.

Nếu tính theo bảng giá cơ sở hàng ngày của Hiệp hội Xăng dầu công bố, với giá CIF (giá nhập khẩu khi về tới cảng) vào ngày 18/2 của diesel 0,05 là 42,82 USD/thùng, tương đương khoảng 5.958 đồng/lít.

Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xăng dầu chi khoảng 2.383 tỷ đồng cho việc mua diesel 0,05S, thuế nhập khẩu là 10%, tương đương với 283 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế khoản thuế 10% này, tức 283 tỷ đồng, doanh nghiệp không phải nộp cho nhà nước mà hoàn toàn được "đút túi". Số tiền này là của người dân bỏ ra khi mua xăng dầu.

Ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết mức chênh lệch thuế trên đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đổ xô nhập khẩu từ Hàn Quốc để hưởng lợi.

Với mức giá CIF xăng RON 92 khoảng 43 USD, tương ứng giá mỗi lít xăng từ Hàn Quốc chỉ 6.100 đồng, thuế nhập khẩu 10% tức 610 đồng, nhưng Liên Bộ vẫn tính thuế 1.220 đồng.

Giá bán lẻ xăng RON 92 đến tay người dân ngày 4/3 là 13.752 đồng, như vậy người dân phải “cõng” thêm khoảng 610 đồng tiền thuế mỗi lít xăng và khoản lợi nhuận này cũng chuyển vào túi các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, nhờ khoản chênh lệch này, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã thoát lỗ, thậm chí đạt lợi nhuận khá lớn trong năm qua.

Chẳng hạn Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã gây bất ngờ công bố con số lãi kỷ lục nhất từ trước tới nay.

Năm 2015, lãi trước thuế của Tập đoàn này là lên tới 3.766 tỷ đồng, trong đó, riêng lĩnh vực chính kinh doanh xăng dầu đã gặt hái 1.989 tỷ đồng, tương đương 52,8% tổng lợi nhuận hợp nhất.

Trong khi đó, 5 năm qua, lợi nhuận của Petrolimex luôn trồi sụt thất thường với các năm 2011, 2012, 2014 đều lỗ mảng xăng dầu và năm 2013 lãi trội nhất cũng chỉ hơn 1.500 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng Liên Bộ Tài chính - Công Thương cần nhanh chóng vào cuộc, công khai minh bạch khoản lợi nhuận đó để người dân được biết.

"Nếu thật sự doanh nghiệp được hưởng lợi, người tiêu dùng bị móc túi thì cần phải thay đổi cách tính giá xăng dầu ngay. Đừng để người dân phải dùng giá xăng đắt để doanh nghiệp thu lợi hàng trăm tỷ mỗi tháng", ông Doanh nói.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM