Lo bị EVN loạn giá, FPT Telecom kiến nghị áp một mức giá thuê cột điện cho viễn thông

19/03/2016 14:15 PM | Kinh tế vĩ mô

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom mới đưa ra kiến nghị nhà nước cần xem xét để có chung một mức giá thuê cột điện treo cáp cho các doanh nghiệp viễn thông, tránh việc EVN áp dụng mỗi doanh nghiệp một mức giá khác nhau như hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực thi Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện vào ngày 18/3/2016, ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom đã kiến nghị nhà nước cần xem xét để có một mức giá thuê cột điện chung cho các doanh nghiệp.

Ông Hoàng Trung Kiên cho hay, nguồn lực hạ tầng hỗ trợ phát triển thị trường băng rộng hiện nay bao gồm có hai phần chính là hạ tầng treo nổi và hạ tầng ngầm.

Đối với hạ tầng treo nổi hiện đang có một mức giá thuê cột điện của EVN rất khác nhau giữa các doanh nghiệp cùng cung cấp viễn thông cố định. Ví dụ, các doanh nghiệp truyền hình cũng có cung cấp dịch vụ Internet thì được EVN chấp thuận cho mức giá thuê giảm 50%, Viettel được miễn tiền thuê cột điện trong vòng 30 năm. Trong khi các doanh nghiệp viễn thông khác vẫn phải trả đủ chi phí thuê cột điện treo cáp 100%.

Như vậy tạo ra một sự khập khiễng trong chi phí đầu vào của các doanh nghiệp viễn thông, nhà nước cần xem xét áp dụng một mức giá thuê cột điện chung cho các doanh nghiệp”, ông Kiên phát biểu.


Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom.

Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc FPT Telecom.

Đối với hạ tầng ngầm hóa, có rất nhiều địa phương chủ động thiết kế, xây dựng rồi cho doanh nghiệp thuê lại như Hà Nội và TP.HCM rất thuận tiện cho doanh nghiệp. Theo kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội nghị, Hà Nội nhà nước đã đầu tư thiết kế ngầm hóa xây dựng rồi cho doanh nghiệp thuê lại. Tại TP.HCM nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp đầu tư rồi cho thuê lại, rất tiện lợi và tiết kiệm được chi phí đầu tư cho doanh nghiệp.

Theo ông Kiên, các doanh nghiệp viễn thông phần lớn là doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước có cổ phần chi phối, nên thực chất tiền doanh nghiệp đầu tư cũng là tiền nhà nước bỏ ra. Thế nhưng tại nhiều địa phương khi lại làm đường không tính đến việc đầu tư hạ tầng ngầm và yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải tự làm hệ thống ngầm hóa riêng của riêng mình. Cứ giả sử các doanh nghiệp đủ tiền để đầu tư xây hệ thống ngầm hóa sẽ dẫn đến việc trên cùng một vỉa hè sẽ có 3 nắp bể của 3 doanh nghiệp viễn thông là Viettel, VNPT và FPT. Như vậy sẽ rất mất thẩm mỹ và lãng phí không cần thiết.

“Tại một số địa phương đã có hiện tượng cả 3 doanh nghiệp viễn thông đều tự trồng cột, nếu không rút kinh nghiệm từ bài toán trồng cột sẽ có nhiều doanh nghiệp cùng làm hệ thống ngầm trên một vỉa hè. Do đó, rất cần có sự phối hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ thống ngầm hóa ở địa phương”, ông Kiên phát biểu.

Đối với chi phí thuê cột điện treo cáp, hồi năm 2008, EVN đã có văn bản số 4313/EVN-VT&CNTT-TCKT ngày 9/9/2008 về việc treo cáp thông tin của các nhà khai thác viễn thông trên cột điện thay thế cho văn bản số 5733 ban hành ngày 23/3/2004. So với mức giá cũ, giá thuê cột điện của EVN tăng từ 3,98 đến 8,08 lần.

Vào thời điểm đó, việc tăng giá thuê cột điện treo cáp lên mức "cắt cổ" của EVN đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của các doanh nghiệp viễn thông, nhất là VNPT. Sau hơn một năm đàm phán với EVN không có kết quả, ngày 11/12/2009, VNPT đã có Công văn số 293/VNPT-HĐQT-TTBH gửi Bộ Công thương, Bộ TT&TT yêu cầu các Bộ vào cuộc để sớm giải quyết vụ việc. Sự việc này đã làm nóng truyền thông trong suốt vài năm sau đó. Việc phải trả phí thuê cột điện với giá trên trời đã khiến các doanh nghiệp viễn thông như VNPT và Viettel tính đến phương án tự trồng cột để treo cáp thay vì phải đi thuê của "ông độc quyền" EVN.

Riêng đối với các doanh nghiệp truyền hình, năm 2014, EVN đã chấp thuận giảm giá thuê cột cho các doanh nghiệp truyền hình cáp xuống còn 50% so với đơn giá quy định. Nhưng hết thời hạn năm 2014, ngay đầu năm 2015, một số đơn vị điện lực địa phương đã yêu cầu các doanh nghiệp truyền hình cáp phải thanh toán 100% đơn giá ban hành tại văn bản 4313/EVN-VT&CNTT-TCKT ngày 9/9/2008. Sau đó, VNPayTV đã làm việc với EVN và được Tập đoàn này chấp nhận cho cho áp dụng mức đơn giá thuê cột điện bằng 50% đơn giá đã ban hành trong năm 2015.

Năm 2016, EVN cũng đã chấp thuận với đề nghị của Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam áp dụng giá thuê cột điện giảm 50% đối với các đơn vị đã thực hiện đúng các quy định về thời hạn thanh toán và một số quy định khác theo văn bản hướng dẫn của EVN.

Cùng chuyên mục
XEM