Chính phủ sẽ chỉ tập trung bảo lãnh cho các lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận

17/03/2016 12:23 PM | Kinh tế vĩ mô

Doanh nghiệp Nhà nước có thể được dùng vốn Nhà nước để làm tài sản thế chấp với những khoản tự vay tự trả khi vay vốn với các tổ chức nước ngoài

Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng sắp tới quy định mới sẽ yêu cầu DNNN phải minh bạch thông tin, quản trị hiệu quả.

Quy định mới cho phép các doanh nghiệp nhà nước tiếp cận các nguồn tự vay tự trả. Liệu Bộ Tài chính làm thế nào để quản lý DNNN và kiểm soát được các nguồn vốn vay này?

Bộ Tài chính được Chính phủ giao xây dựng quy định liên quan đến các khoản vay tự vay tự trả không có sự bảo lãnh của Chính phủ. Đây là kênh huy động mới cho DN nói chung, thực hiện theo đúng mục tiêu và quy định của Luật. Vì thế tự vay tự trả, thì cũng phải đảm bảo theo chỉ đạo của Nhà nước.

Tức là khi vay vốn thì DN sẽ lấy tài sản đảm bảo chính là vốn chủ (vốn nhà nước), và các tài sản được hình thành từ các khoản vay trong tương lai, để đảm bảo cho khoản vay tự vay tự trả này. Do đó, quyền lợi của Nhà nước, đặc biệt là những DN có 100% vốn Nhà nước, vẫn phải được đảm bảo.

Yêu cầu của Luật và Nhà nước đặt ra là phải bảo toàn vốn nhà nước đối với các khoản tự vay tự trả nên sẽ có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước mà trực tiếp là cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính.

Trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, chúng tôi đã có cơ chế giám sát, như Nghị định 87 về giám sát tài chính trong đó có giám sát với khoản vay này; hoặc Nghị định 81 về công bố thông tin DN của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành những nghị định để giám sát những khoản vốn vay, không chỉ vốn vay ODA có bảo lãnh mà còn cả khoản vốn tự vay tự trả có kiểm soát.

Bên cạnh đó, khi vận hành Nghị định 87 thì sẽ hình thành hệ thống giám sát tài chính thông qua công nghệ thông tin để kịp thời tổng hợp định kỳ và có báo cáo của DNNN. Điều này nhằm đảm bảo nguồn vốn vay, không chỉ khoản tự vay tự trả mà nguồn vốn vay khác sử dụng hiệu quả, gắn với an toàn tài chính của DN.

Thế nhưng phần vốn mà các DNNN dùng làm tài sản đảm bảo về bản chất vẫn là vốn Nhà nước, vậy có quan ngại những rủi ro làm thất thoát vốn Nhà nước không?

Tự vay tự trả là khoản vay hoàn toàn độc lập như vay ngân hàng nên vấn đề này thuộc về quản trị của DN. Việc tự vay tự trả là hoàn toàn do DN thực hiện, Nhà nước không can thiệp gì cả. Vấn đề đặt ra là DN lấy nguồn đâu để trả, vì đó là tài sản đảm bảo của doanh nghiệp?

Do đó, sẽ kiểm soát khu vực DNNN, để làm sao những khoản tự vay tự trả này cân đối với khả năng của doanh nghiệp. Nên một trong những điều kiện vay là tình hình tài chính DN phải hiệu quả, đủ năng lực, vốn đối ứng, kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả mới được đi vay.

Đây là cơ chế đổi mới, cơ chế thị trường và dần dần Chính phủ sẽ không bảo lãnh cho tất cả các DN nữa, mà chỉ bảo lãnh những lĩnh vực mà Nhà nước thấy cần quốc kế dân sinh. Đó là hướng mà DN phải triển khai, vì hoàn toàn theo thông lệ thị trường, và DN muốn vay được thì quản trị DN phải tốt, công khai và minh bạch thông tin, chịu chi phí và rủi ro khi đi vay, bị chủ nợ giám sát trong trường hợp sử dụng vốn không hiệu quả.

Theo ông thì hình thức tự vay tự trả không cần bảo lãnh này có ý nghĩa như thế nào với việc tái cấu trúc DNNN?

Nếu DN tiếp cận đước, vay được có nghĩa là quản trị DN, hay nói cách khác là tình hình tài chính DN phải lành mạnh. Muốn vậy phải cải tổ quản trị, minh bạch thông tin, DN phải chấp nhận hoạt động theo thị trường, không còn bấu víu gì nữa và phải chấp nhận rủi ro.

Chính phủ sẽ giảm bớt bảo lãnh cho DNNN và chỉ tập trung bảo lãnh cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, là lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận. Còn những DN sản xuất kinh doanh thì phải theo thị trường, tự tìm nguồn.

Cơ chế này tạo thói quen đi tìm nguồn và phải đánh giá được năng lực và tín nhiệm của DN trên thị trường. Theo đó, DN phải cơ cấu lại chiến lược kinh doanh, ngành nghề và quản trị kinh doanh. DN nào muốn mở rộng DN tốt hơn thì phải đẩy nhanh cổ phần hóa, như vậy giúp thị trường minh bạch, đổi mới thông tin và quản trị tốt hơn.

Theo An Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM