4 năm nữa, thu nhập bình quân của người Việt Nam có thể cao gấp 1,5 lần hiện tại

21/03/2016 14:10 PM | Kinh tế vĩ mô

Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD, cao gấp rưỡi mức hiện tại. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm.

Trình bày Báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 tại phiên khai mạc kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Tổng GDP theo giá thực tế 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 30.621-31.487 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD, cao gấp rưỡi mức hiện tại. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo báo cáo, cần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới đảm bảo quyền tự do kinh doanh và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh; bảo đảm tính minh bạch, tính nhất quán của pháp luật; giảm tối đa rủi ro đối với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, cơ cấu lại cả công nghiệp và nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, sao cho tỷ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ vào GDP chiếm 85%.

Một nhiệm vụ nữa được nêu trong báo cáo là phát triển các vùng và khu kinh tế. Theo đó, bên cạnh việc chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, các khu kinh tế, các khu công nghiệp, sẽ phát triển các hành lang, vành đai kinh tế, kết nối hiệu quả với các nước trong khu vực. Đồng thời, phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu, và nghiên cứu việc hình thành một số Khu kinh tế xuyên biên giới.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác đến năm 2020:

- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP, trong đó tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 2.106 nghìn tỷ đồng (gồm phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 là 200 nghìn tỷ đồng);

- Bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP (trong đó: bội chi ngân sách Trung ương khoảng 3,5% GDP, bội chi ngân sách địa phương không quá 0,5% GDP);

- Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%;

- Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm;

- Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm;

- Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38-40%.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM