Nguyên phó Thủ tướng Vũ Khoan: Số liệu của Việt Nam "cứ thế nào ấy"

23/09/2013 14:51 PM |

"Các con số của Việt Nam cứ thế nào ấy. Tôi không dám tin. Thế mà chúng ta lại đem số liệu đấy ra phân tích nữa thì chắc là càng không đúng".

Ngồi nghe những báo cáo thống kê nửa chặng đường phát triển kinh tế trong 5 năm từ 2011 - 2015 của nước, Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan cười nói: "Các con số của Việt Nam cứ thế nào ấy. Tôi không dám tin. Thế mà chúng ta lại đem số liệu đấy ra phân tích nữa thì chắc là càng không đúng".

Tất nhiên làm kinh tế thì không thể thiếu những con số. Nhưng theo Nguyên phó thủ tướng, thay vì mải chạy theo các con số, nhà hoạch định chính sách nên xem xét lại chủ trương, đường lối. 

Ông Khoan cho biết, Đại hội XI có 2 nhóm chủ trương lớn quan trọng đó là chủ trương về thể chế và chủ trương về đổi mới mô hình tăng trưởng. Điểm lại những nội dung đó, có thể xếp chúng vào bốn nhóm kết quả chính. 

Nhóm thứ nhất là một số không nhiều lắm chủ trương đã được thực hiện và đem lại thành công nhất định. Nhóm thứ hai là những nhóm nội dung chúng ta đã giải quyết được một phần nhưng chưa đánh giá được kết quả. Nhóm thứ ba là nhóm chúng ta chưa thực hiện được gì. Và nhóm cuối cùng, đặc biệt hơn, là nhóm chúng ta ... làm ngược lại so với kế hoạch đề ra. 

Chẳng hạn, trong nội dung của đại hội XI, chúng ta có chủ trương về tài chính, nêu ra yêu cầu phát triên vững chắc tài chính với cơ cấu hoàn chỉnh giám sát hiệu quả, rồi thì phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, xây dựng một số tập đoàn mạnh,... 

"Những nội dung đó giờ đọc ra quá xa vời với thực tế hoặc chúng ta toàn làm ngược lại", ông Vũ Khoan nhận định.

Nhìn lại toàn bộ bức tranh mà đại hội đề ra thì thấy đó là một bức tranh rất lổn nhổn, chưa đi vào được cuộc sống.  

Theo ông Vũ Khoan, đó là vấn đề của nhà quản lý. Tuy nhiên khi lý giải nguyên nhân tại sao nền kinh tế Việt Nam suy giảm, rất ít người đi vào phân tích những sai lầm chủ quan.

"Chúng ta thường viện vào 2 lý do là do tác động bên ngoài (kinh tế thế giới khó khăn) và những vấn đề nội tại bên trong. Tôi nghĩ đúng nhưng không phải trọng yếu. 

Một là, kinh tế thế giới khó khăn, tuy nhiên các quốc gia trong khu vực cùng chịu ảnh hưởng như chúng ta nhưng lại không bị tác động mạnh.

Về các vấn đề nội tại, nội tại khó khăn thì là chuyện của mấy chục năm nay rồi chứ có phải là vừa mới đâu. Vì vậy nếu chỉ lý giải dựa trên hai lý do này thì chưa đủ", Nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan nhận định.

Những bất ổn của chúng ta bắt đầu từ năm 2007, khi khẩu hiệu "ổn định kinh tế vĩ mô" được phát đi rộng rãi. Nguyên nhân chính dẫn tới những khó khăn chính là những sai lầm chủ quan của chúng ta đã gây ra bất ổn cho nền kinh tế vĩ mô. Chúng ta đã tư duy chủ quan duy ý chí, đi vào những cái không tưởng, đề ra những mục tiêu không phù hợp với thực tế. 

"Điều quan trọng bây giờ là phải thay đổi trong quan điểm, trong chủ trương đường lối. Chứ việc chúng ta điều chỉnh lại các chỉ tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu lạm phát thì quá dễ, làm được ngay nhưng không mang ý nghĩa gì", ông Khoan nhấn mạnh.

Hoàng Vân

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM