Kinh tế Việt Nam: Những dấu hiệu tích cực

01/09/2014 13:55 PM |

Với chỉ số xếp hạng tín nhiệm kinh tế Việt Nam đã tăng 1 bậc, thặng dư thương mại cao, giải ngân vốn đầu tư được cải thiện, chỉ số CPI tăng thấp… kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực.

Những yếu tố tạo đà tăng trưởng

Báo cáo tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 8/2014 cho thấy, tình hình kinh tế- xã hội trong 8 tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực; tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện.

Kim ngạch XK 8 tháng đầu năm ước đạt gần 97 tỷ USD, tăng 14,1%. Có được con số tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào các nhóm hàng thủy sản, cà phê, hạt tiêu... tăng 22- 41%; nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 15,1%...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,22% so với tháng 7. Theo các chuyên gia trong Tổ Điều hành thị trường trong nước, CPI 8 tháng đầu năm có mức tăng trung là 1,84%- mức tăng thấp trong nhiều năm trở lại đây. Lạm phát được kiềm chế.

Theo Tổng cục Thống kê, vốn FDI thực hiện 8 tháng năm 2014 ước đạt 7,9 tỷ USD và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn ODA, vốn ngân sách trong 2 tháng trở lại đây được cải thiện tích cực.

Theo ông Phạm Xuân Hòe - Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), việc huy động vốn hiện nay thuận lợi, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua vào rất lớn, tăng dự trữ ngoại tệ quốc gia.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 5,47 triệu lượt, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2013.

Tất cả các yếu tố đó cho thấy, kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm đã có dấu hiện phục hồi.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Từ nay đến cuối năm và năm sau, thủ tục hải quan giảm một nửa số giờ, thuế giảm xuống 200 giờ; thủ tục bảo hiểm xuống dưới 100 giờ; thủ tục đầu tư, xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận điện giảm một nửa thời gian so với hiện nay. Đây là môi trường đầu tư, là sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế

Tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2014 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, 8 tháng đầu năm, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đồng đều trên các mặt; nền tảng kinh tế vĩ mô ngày một ổn định vững chắc; tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, dự báo cả năm tăng trưởng 5,8%.

Đối với nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng thương mại và tái cơ cấu nông nghiệp. Về tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng cho biết, đã có một bước tiến dài song cần tiếp tục thúc đẩy để đầu tư công thực sự hiệu quả, khắc phục dàn trải, chống thất thoát, lãng phí. 

Trên thực tế, nếu có nguồn đầu tư công tốt thì kích cầu và lan tỏa ra các ngành kinh tế khác thì sẽ tốt cho nền kinh tế. Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, chặt chẽ. “Không chấp nhận doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ, tiêu cực”- Thủ tướng khẳng định.

Về nhóm giải pháp cải cách hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đây là một giải pháp ít tốn kém, trong tầm tay của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đồng thời tạo động lực để thúc đẩy sản xuất, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Theo Quỳnh Minh

cucpth

Cùng chuyên mục
XEM