HSBC: GDP Việt Nam quý II tăng nhờ sản xuất

27/06/2014 17:04 PM |

Theo HSBC, sản xuất sẽ là "ngôi sao sáng" của nền kinh tế, sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay nhờ vào xuất khẩu và cầu nội địa tốt hơn.

Hôm nay (27/6), Khối Nghiên cứu Kinh tế của Ngân hàng HSBC (HSBC Global Research) vừa công bố bản báo cáo nhanh (Data Reactions) về kinh tế Việt Nam  "GDP Quý 2 Tăng nhờ Sản Xuất'. 

Theo báo cáo này, sản xuất là ngôi sao sáng của nền kinh tế: trong quý 2 năm 2014 (2Q2014) sản xuất tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 6,5% của quý 1. Nhờ tăng trưởng của sản xuất cộng với sức cầu về dịch vụ mạnh đã đẩy mức tăng trưởng GDP từ mức 4,8% lên 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. 


Nhiều khả năng nền kinh tế sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2014 (2H2014) nhờ vào xuất khẩu và cầu nội địa tốt hơn. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ vẫn dưới mức xu hướng do niềm tin yếu của người tiêu dùng vốn bị ảnh hưởng bởi nợ xấu. Vì vậy, cầu nội địa vẫn là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7% trong trung hạn. Hiện tại, các hộ gia đình và doanh nghiệp chưa vội mở hầu bao chi tiêu trừ khi họ thấy được dấu hiệu cải cách rõ nét hơn. 

HSBC nhận định Việt Nam là một nền kinh tế lấy xuất khẩu làm trọng tâm, xuất khẩu đóng góp đến 77% GDP trong năm 2013 và nhiều khả năng mức đóng góp này trong năm 2014 sẽ tăng lên tới 80%. Dù lực cầu bên ngoài còn kém, xuất khẩu đã tăng ở mức 2 con số và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong 2 năm nữa.

Về cầu nội địa, nền kinh tế đã đi qua thời kỳ suy giảm của cầu nội địa khá tốt nhờ vào kết quả xuất sắc của hoạt động xuất khẩu. Trong quý 2, sản lượng sản xuất tăng từ mức 6,5% của quý 1 lên 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. 

HSBC dự đoán lĩnh vực sản xuất sẽ tiếp tục tăng nhờ vào đầu tư tăng, các hiệp ước thương mại như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu nhiều khả năng sẽ được gút lại vào cuối 2014 và lực cầu bên ngoài sẽ cải thiện tốt hơn. Sản xuất tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng. Ngành dịch vụ có giảm sút nhưng vẫn khá mạnh nhờ vào mức thu nhập đang tăng lên và yếu tố nhân khẩu học đang được cải thiện. Nếu lòng tin vào nền kinh tế được cải thiện thì ngành dịch vụ và xây dựng sẽ hồi phục, góp phần vào  tăng trưởng GDP trên mức 7%.

Tuy nhiên, sự trì trệ trong đầu tư công và cải cách ngành ngân hàng cũng như các công ty quốc doanh đã ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng. Nợ xấu chưa được giải quyết rốt ráo khiến các hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp tục thắt chặt chi tiêu. 

Tính từ đầu năm đến tháng Năm, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 1,3%. HSBC dự đoán tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn vào nửa cuối 2014, thúc đẩy cầu nội địa tăng nhẹ. Lạm phát cũng sẽ tăng vào đầu quý 3/2014 do chi phí dịch vụ cao hơn và lực cầu nội địa được cải thiện nhưng có thể chỉ ở quanh mức 5%-6% vào cuối năm. Nhờ đó mà NNNH sẽ tự tin giữ lãi suất trên thị trường mở ở mức 5% cho đến hết năm.

Tuy tăng trưởng sẽ còn chậm trong ngắn hạn, Việt Nam có thể hồi phục tốt trong trung hạn. Các kế hoạch như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Châu Á Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp loại bỏ các rào cản giao thương và đẩy mạnh tính cạnh tranh của ngành sản xuất Việt Nam trên toàn cầu. 

Chính phủ đang từ từ dỡ bỏ các rào cản thương mại nội địa với việc đầu tư cơ sở hạ tầng có định hướng hỗ trợ thương mại và dòng chảy bán lẻ nội địa. Vấn đề còn lại là khung pháp lý cho cải cách khu vực công,  doanh nghiệp nhà nước và ngành ngân hàng và việc thực thi khung pháp lý này. Hiện nay, cải cách đang được tiến hành theo kiểu 2 bước tiến và 1 bước lùi, thể hiện quyết định chưa rõ ràng của Chính phủ đối với vai trò của khối nhà nước trong một nền kinh tế toàn cầu hóa ngày càng cao.

Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM