Vén màn góc khuất đằng sau các "thương vụ bạc tỷ": Start-up "nổ to", "cá mập" chạy vội, thậm chí còn kiện cả nhà nhau

13/06/2023 16:15 PM | Kinh doanh

Chiến thắng trên Shark Tank Mỹ, chương trình nổi tiếng trong giới đầu tư được ví như 'giấc mơ thành hiện thực' vì những lợi ích khổng lồ sau khi lên sóng. Thế nhưng đằng sau máy quay, liệu giấc mơ này có đẹp như trên sóng truyền hình?

Vén màn góc khuất đằng sau các "thương vụ bạc tỷ": Start-up "nổ to", "cá mập" chạy vội, thậm chí còn kiện cả nhà nhau - Ảnh 1.

“Giấc mơ Mỹ” phiên bản truyền hình

Aaron Krause, CEO công ty bọt biển Scrub Daddy không thể quên bất cứ một giây nào trong 90 phút xuất hiện tại Shark Tank Mỹ. Năm 2012,  Krause đứng dưới ánh đèn sân khấu của chương trình truyền hình đình đám, toát mồ hôi khi chuẩn bị trình bày kế hoạch kinh doanh của mình trong hàng tháng trời liên hệ và casting.

CEO Scrub Daddy mong muốn 100.000 USD từ các “cá mập” để đổi lấy 10% cổ phần. Phần trình bày nhanh như chớp của Krause đã châm ngòi cho trận chiến giữa triệu phú Kevin O'Leary và “Nữ hoàng QVC” Lori Greiner. Cuối cùng CEO Krause đã đồng ý thỏa thuận với Greiner, bước khỏi sân khấu và nói với máy quay rằng đó là “một giấc mơ thành hiện thực”.

Vén màn góc khuất đằng sau các "thương vụ bạc tỷ": Start-up "nổ to", "cá mập" chạy vội, thậm chí còn kiện cả nhà nhau - Ảnh 2.

Aaron Krause trên sóng Shark Tank. Ảnh: CNBC

Theo CEO này, nhiều chi tiết trong thỏa thuận sau đó thay đổi và những gì chiếu trên TV không phải điều cuối cùng anh đạt được. Scrub Daddy hiện là một câu chuyện thành công điển hình của Shark Tank khi có tổng doanh thu 670 triệu USD trong 10 năm qua.

Chiến thắng trên Shark Tank Mỹ, chương trình nổi tiếng trong giới đầu tư đã đi qua 15 mùa được ví von như một giấc mơ Mỹ: bắt đầu bằng những lời chào hàng, rời đi với hàng trăm nghìn USD và có một đối tác triệu phú. Dù có thể không được các Shark “rót tiền” nhưng ảnh hưởng lan tỏa từ chương trình cũng giúp ích cho việc kinh doanh của những start-up non trẻ này.

Tỷ phú Jamie Siminoff từng bị từ chối trên sóng truyền hình nhưng 2 tháng sau khi chương trình phát sóng, nhóm của anh nhận được khoản đầu tư khổng lồ và đem lại doanh thu 3 tỷ USD chỉ sau 1 năm. 5 năm sau, Jamie Siminoff trở lại Shark Tank với vai trò “cá mập” và trở thành một nhân vật truyền cảm hứng nổi tiếng.

Vén màn góc khuất đằng sau các "thương vụ bạc tỷ": Start-up "nổ to", "cá mập" chạy vội, thậm chí còn kiện cả nhà nhau - Ảnh 3.

Jamie Siminoff (thứ 2 từ trái sang) đi từ vị trí startup đến ghế "cá mập" của Shark Tank. Ảnh: GW

“Việc xuất hiện trên chương trình giống như bệ phóng, có thể khiến bạn ‘lật thuyền’ ngay lập tức hoặc đưa bạn vươn xa không tưởng. Bạn phải tìm cách đối phó”, Krause nói.

Thành công trên sóng truyền hình không phải tất cả câu chuyện

Nhưng một số người chiến thắng trong chương trình không phải lúc nào cũng nhận được phần thưởng mà họ mong đợi. Một cuộc khảo sát của Forbes với 112 cựu thí sinh của chương trình cho thấy, một nửa số thương vụ thành công trên sóng truyền hình từ mùa 8 đến mùa 13 đều không thành sau khi ánh đèn sân khấu tắt.

Thậm chí mối quan hệ giữa start-up với các Shark có thể trở nên tồi tệ nếu cả 2 bên không có tiếng nói chung. Cá mập Daymond John từng đệ đơn kiện một cựu thí sinh cũng như cả gia đình người này sau khi nhà đầu tư này bị họ chỉ trích trên mạng xã hội.

Theo tỷ phú Mark Cuban, sau khi start-up và nhà đầu bắt tay trên sóng truyền hình, cá mập sẽ cử người nói chuyện với chủ doanh nghiệp về các tiến trình tiếp theo. Họ sẽ thực hiện một báo cáo thẩm định sau khi xem xét sổ sách của công ty để “đảm bảo rằng tất cả những gì họ nói trên TV là đúng”. Sau khi thỏa thuận cuối cùng được ký kết, các nhà đầu tư sẽ bắt đầu có các cuộc điện thoại và gặp gỡ phía doanh nghiệp, khi đó họ mới bắt đầu quan hệ đối tác.

Vén màn góc khuất đằng sau các "thương vụ bạc tỷ": Start-up "nổ to", "cá mập" chạy vội, thậm chí còn kiện cả nhà nhau - Ảnh 4.

Cá mập đình đám Mark Cuban. Ảnh: Entrepreneur

Một số thí sinh rút lui ngay trước khi thẩm định vì họ chỉ coi Shark Tank là cơ hội thương mại, quảng cáo thương hiệu. Khi đó phần trình bày của những start-up này có thể không được lên sóng truyền hình.

Đôi khi phía Shark lại là những người phá vỡ thỏa thuận vì phát hiện điều gì đó không ổn trong giai đoạn thẩm định. Mark Cuban cho biết khoảng 1/3 các công ty cố tình “nổ to” hoặc bỏ qua các thông tin quan trọng trong quá trình thể hiện trên Shark Tank Mỹ. Bản thân tỷ phú này không cố gắng thay đổi thỏa thuận ban đầu, trừ khi trong báo cáo thẩm định phát sinh thêm những chi tiết như số nợ, điều làm thay đổi giá trị và tính kinh tế của một doanh nghiệp.

Vén màn góc khuất đằng sau các "thương vụ bạc tỷ": Start-up "nổ to", "cá mập" chạy vội, thậm chí còn kiện cả nhà nhau - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

Phát ngôn viên của nhà đầu tư Daymond John, Zach Rosenfield cho biết “điều quan trọng là phải hiểu tại sao một thỏa thuận có thể thay đổi sau những gì bạn thấy trong chương trình”. Daymond John từng so sánh việc đưa ra lời đề nghị trên Shark Tank với việc mua một ngôi nhà: Bạn thấy một ngôi nhà, bạn kiểm tra và đặt cọc nó nhưng sau đó, bạn vẫn buộc phải đánh giá kỹ càng hơn trước khi thực sự “xuống tiền” toàn bộ.

Rob Merlino, chủ Blog Shark Tank từng trò chuyện với rất nhiều start-up cũng như các nhà đầu tư về thành công và thất bại của họ trước và sau khi xuất hiện trên chương trình này.

Theo Merlino, đôi khi những “cá mập” có tham vọng muốn thâu tóm start-up nhưng cũng không ít lần start-up là người thổi bay số tiền khổng lồ của các nhà đầu tư.

Theo The Washington Post

Theo Kim Linh

Cùng chuyên mục
XEM