Vào cửa hàng điện thoại để mua sữa: Vì sao Vinamilk và FPT Shop lại cho rằng đó là ý hay?

24/10/2016 15:20 PM | Kinh doanh

Với viễn cảnh “vào cửa hàng điện thoại để mua sữa”, nhiều ý kiến cho rằng đây có vẻ là sự kết hợp không đồng nhất giữa 2 thương hiệu chẳng liên quan gì đến nhau.

Tuần qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc FPT sẽ hợp tác với Vinamilk mở thử nghiệm 2 cửa hàng bán lẻ sữa đặt tại FPT Shop.

Với viễn cảnh “vào cửa hàng điện thoại để mua sữa”, nhiều ý kiến cho rằng đây có vẻ là sự kết hợp không đồng nhất giữa 2 thương hiệu chẳng liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm bán lẻ của hai doanh nghiệp quy mô lớn nhất nhì mỗi ngành (sữa & bán lẻ điện thoại), chắc chắn phải có những lí do chính đáng để cả hai ông lớn này quyết định cùng bước đến bên nhau và sóng bước.

Vinamilk – lợi thế điểm bán để gia tăng sức mạnh truyền thông

Mục đích của bất cứ sự hợp tác kinh doanh nào cũng là tối đa hóa nguồn lực của mỗi bên. Vào tháng 5/2016, khi Vietjet ký kết hợp tác cùng Cocacola, tham vọng mà 2 bên là tối ưu hóa lượng khách hàng của Vietjet để tiêu thụ những sản phẩm của hãng nước giải khát này, và tận dụng hình ảnh vui vẻ, hứng khởi có giá trị quốc tế của Coca-Cola để nâng tầm thương hiệu cho Vietjet Air.

Sự hợp tác giữa FPT & Vinamilk cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Về nguồn lực, FPT có đến 356 cửa hàng công nghệ quy mô phủ khắp cả nước, với những vị trí đắc địa, đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và được kiểm chứng bằng kết quả kinh doanh. Những vị trí này rất khó để có thể kiếm được. Vậy nên, chưa nói đến các vấn đề chuyên môn, chỉ riêng chuyện hợp tác về mặt địa điểm, đã giúp Vinamilk có được 2 lợi thế quan trọng:

Một: Phủ được lượng điểm bán mà không cần mất công

Số lượng và vị trí điểm phân phối là điều cực kì quan trọng trong bán lẻ. Đến nỗi mà Zara – thương hiệu thời trang hàng đầu, luôn cố gắng sở hữu những vị trí đẹp và đắt đỏ nhất trong các thành phố, họ đổ tiền vào đó như một cách làm truyền thông, thay vì đầu tư cho những chiến dịch quảng cáo.

Nếu thương vụ hợp tác với FPT thành công, đùng một cái, họ sẽ có thêm đến 356 địa điểm đặt các cửa hàng “Giấc mơ sữa Việt” trên khắp toàn quốc. Đó còn là các cửa hiệu do chính FPT mất công sức nhiều năm để xây dựng, vậy nên về địa thế, về dân cư…đều đã được tính toán kỹ càng và cực kỳ tiềm năng.

Những cửa hiệu này không những phục vụ tăng doanh số, mà những trải nghiệm Vinamilk có thể mang đến, các chiến dịch ưu đãi, truyền thông, cũng nhờ chúng mà gần gũi và đến được đông đảo khách hàng hơn.

Hai: Thừa hưởng tập khách hàng từ FPT

Dù là những ông lớn trong 2 ngành hàng khác nhau, nhưng có thể nhận thấy rằng những điểm tương đồng nhất định trong tập khách hàng của 2 thương hiệu trên là vẫn có. Đó là những khách hàng tuổi từ 25 – 34, mà theo thống kê của Google, luôn nằm trong top 2 độ tuổi sử dụng smartphone nhiều nhất. Đây cũng là độ tuổi có tiềm lực tài chính để tự mua các thiết bị công nghệ (cần chú ý rằng rằng độ tuổi 16 – 24 (khoảng tuổi sử dụng smartphone nhiều nhất) thường vẫn còn đang đi học và sở hữu smartphone đa số dựa vào sự cung ứng của cha mẹ).

Ở độ tuổi 25 – 34, cũng là thời điểm các khách hàng này lập gia đình và nuôi con nhỏ, hoàn toàn tương thích với các sản phẩm sữa bột của Vinamilk. Đây cũng là một khía cạnh hợp tác khá mới mẻ, đặt ra một giả thiết là, nếu như mỗi một khách hàng mua điện thoại của FPT được tặng 1 hộp sữa Vinamilk dựa theo thông tin về độ tuổi của các bé mà nhân viên bán hàng hỏi được, thì đó có phải là một chiêu tiếp thị rất hay không? (Tại sao lại không nhỉ ?!).

FPT theo đuổi xu hướng của Thế giới di động: Kinh doanh nông sản?

Vinamilk được nhiều thứ, vậy FPT được gì? Hãy nhìn ra xu hướng chung của thế giới, nhất là với các tập đoàn công nghệ: Cứ cái gì ra tiền là làm.

Chẳng thế mà cuối năm 2014, đại gia công nghệ Google bắt đầu cho triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày Google Express. Vốn bắt đầu bằng những sản phẩm khô, đến năm 2015, Google Express đã nhận giao rau tươi, thực phẩm và nhiều loại sản phẩm khác phục vụ cho thị trường Indiana, Wisconsin và Ohio. Nền tảng công nghệ của Google cũng là thứ quan trọng để hãng này dấn thân vào thị trường phân phối, khi họ kỳ vọng ở tương lại, các thiết bị bay và ô tô không người lái có thể đảm nhận vai trò giao hàng.

Không chỉ là Google, hàng loạt các gã khổng lồ của Nhật Bản như Toshiba, Fujitsu đang chuyển đổi các nhà máy đã ngừng hoạt động của họ sang trồng rau, sử dụng các công cụ công nghệ cao sẵn có để áp dụng cho sản xuất nông sản. Họ tận dụng những yếu tố đang có, để phục vụ cho một ngành kinh doanh mới tiềm năng.

Và thôi cũng chẳng cần nhìn xa, ngay như Thế giới di động còn tham vọng đi bán rau củ và thịt tươi, thì việc FPT hợp tác cung ứng sản phẩm sữa cũng không phải điều gì quá lạ lẫm, nhất là khi họ vốn nổi tiếng là công ty kinh doanh đa lĩnh vực: Công nghệ, viễn thông, giáo dục, bán lẻ và sở hữu những nhân viên bán hàng trực tiếp có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản.

Nền tảng công nghệ của FPT cũng sẽ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, tiện dụng đối với việc quảng bá Vinamilk và tiêu thụ sản phẩm online của các khách hàng. Hôm nay FPT bán sữa, ngày mai họ có thể còn bán nhiều cái khác.

Kết luận - Nói chuyện hôm nay không quên chuyện hôm qua

Hôm nay, Vinamilk muốn tận dụng những nguồn lực sẵn có của đối tác để tối đa hóa hiệu quả, nhưng hôm qua, bản thân họ đã từng thất bại trong việc tận dụng nguồn lực của chính mình.

Năm 2005, để tận dụng công nghệ tháp sấy, khai thác tối đa công suất của nhà máy chế biến sữa bột Dielac, Vinamilk đã bắt đầu bước chân vào kinh doanh café với thương hiệu Moment. Sau một số thành tựu đầu tiên, thì đến năm 2009, Vinamilk phải bán lại nhà máy cho Trung Nguyên, và thương hiệu Moment cũng đã bị khai tử.

Có nhiều đánh giá về nguyên nhân thất bại của thương vụ cà phê này, có ý kiến cho rằng do phân khúc không xác định, có ý kiến giải thích do không được hỗ trợ bởi các điểm bán lẻ. Nhưng dù sao, nói chuyện hôm nay không quên chuyện hôm qua, Vinamilk cần chuẩn bị nhiều thứ hơn để tận dụng những lợi thế họ đang có.

Cuối cùng, sự hợp tác lần này của FPT và Vinamilk là một bất ngờ lớn. Không chỉ đơn giản là cho mở cửa hàng cạnh điểm bán, sự hợp tác này còn sâu sắc đến mức FPT còn “thay mặt” cho Vinamilk đăng tin tuyển nhân viên bán hàng tại các cửa hiệu hợp tác này. Năng lực quản trị bán lẻ, bộ phận chuyển hàng, kho vận, các nhân viên bán hàng trực tiếp được đào tạo bài bản là điều chắc chắn FPT có thể làm để tăng cường sức mạnh cho các cửa hàng Vinamilk, hãy cùng chờ xem liên minh này sẽ mang đến những gì cho khách hàng trong thời gian tới.

Đức Anh

Cùng chuyên mục
XEM