Văn hoá siêu thị ở Việt Nam qua con mắt của bà mẹ Việt 2 con: "Đi siêu thị, ghét nhất là..."

08/09/2016 15:56 PM | Kinh doanh

Bài học của một bà mẹ Việt dạy con gái khi đi siêu thị sẽ khiến nhiều người chột dạ về ý thức đi siêu thị của mình.

Chị Thu Hà, tác giả của cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết!" mới đây đã có những dòng chia sẻ rất chân thành về văn hóa đi siêu thị trên trang cá nhân. Cũng như nội dung rất thật về những câu chuyện trong cuốn sách "Con nghĩ đi, mẹ không biết!" của chị, câu chuyện của bà mẹ 2 con đã đưa ra những bài học đáng quý về ý thức:

"Đi siêu thị, ghét nhất là đang xếp hàng thì có người hồn nhiên chen ngay vào giữa. Có lần tôi đã phải nhắc một ông bố đi cùng đứa con trai rằng: “Anh ơi xếp hàng đi ạ!”, kèm theo một nụ cười tươi, nhưng anh này lờ đi, như không nghe thấy, không nhìn thấy.

Ghét cái thứ 2 là nhân viên tính tiền vẫn chẳng phản đối, trong khi họ là người nắm quyền lực. Tôi đã thấy cả trăm trường hợp chen hàng, nhưng mới nhìn thấy có 1 lần nhân viên tính tiền từ chối người sai luật: “Chị xuống xếp hàng đi rồi em mới tính tiền!”. Đơn giản hiệu quả!.

Tôi cũng ghét những người chỉ mua một bó rau mà trộn tung cả quầy lên. Tay họ bới bới, cầm bó này lên nghiêng ngó, rồi quẳng xuống, rồi rút phựt một cái lấy bó ở rất sâu lên coi. Cà chua, kiwi, nho... mà cứ lựa, thảy bùm bụp, nhìn xót cả ruột. Thậm chí, họ còn làm cả quầy rau, trái cây đổ sụp.

Có người còn tháo bó, chỉ chọn lấy những cọng rau ngon. Rồi bắp cải, cải, xà lách... bí mật bứt bớt lá ngoài, cà rốt, nhãn... bí mật bẻ bớt cọng. Cho đến mở tủ lấy đồ đông lạnh ra, rồi tha đi lòng vòng mua đồ cả tiếng, rồi bất ngờ không thích nữa, và bỏ luôn gói đồ đã rã đông đó lên quầy đồ khô, đi về.

Có nhiều người còn lấy móng tay bấm vào trái ổi.

Nhìn vết móng tay cong cong, tôi thấy cả một trời tuổi thơ chân quê của mình ùa về, ngày xưa ăn ổi là đi hái trên cây trực tiếp, tụi tôi hay bấm móng tay vào để biết trái nào chín mềm, trái nào còn xanh. Đó là ổi trong vườn nhà, và đó là trẻ con, còn bây giờ 30 - 40 tuổi ở siêu thị mà cũng bấm móng tay vào là sao? Là chơi ác.

Lựa chọn là cái quyền cuả người mua. Nhưng chọn nhẹ tay để người mua sau không phải ăn rau trái bạn làm dập, là văn hóa.

Có lần Xu, Sim (tên 2 cô con gái chị Hà - PV) lóng ngóng lấy táo trên cái sạp táo chất cao ngang đầu, làm 2 trái táo rớt xuống đất. Tôi bảo: "Thôi, nhìn bên ngoài không sao nhưng bên trong nó đã dập rồi đấy. Mình làm thì mình phải mua nó thôi. Trưa nay mình ăn luôn thì cũng không sao, còn người khác, để vài ngày rồi mới ăn thì nó sẽ thâm đen lại, ghê lắm. Điều mình không muốn nhận, thì đừng làm cho người khác".

Bạn tôi ở hãng sữa LiF kể, đợt này cũng khá khổ sở với cái công nghệ đóng hộp tại Úc, dùng nắp HeliCap, là loại nắp mà các nước phát triển hay sử dụng. Nắp này tích hợp thanh cắt bên trong, vặn nắp một cái là cắt xoáy luôn lớp giấy bạc, khui hộp luôn chỉ với một bước mở. Có nghĩa là với 1 hộp sữa hoàn toàn mới, ai đó chỉ vặn nắp là mở luôn hộp, thấy luôn sữa bên trong. Không phải loại nắp ở Việt Nam là mở nắp nhựa, rồi mới giật khoen giấy bạc.

Nhiều người hoặc tò mò, hoặc kỹ tính, cứ hồn nhiên vặn nắp ra, nhìn sữa bên trong, rồi để hộp sữa lại trên kệ. Hộp sữa đó để trên kệ lâu ngày sẽ hỏng mất!

Nếu người sau vô tình lấy phải thì thiệt thòi, hoặc siêu thị phải bỏ đi hộp sữa đó. Rồi lỡ có người mua nào cầm nhầm phải hộp sữa đó về nhà, mở nắp ra thì tưởng là siêu thị lừa mình, hoặc trách lầm ngược lại nhà phân phối. Thiệt cả người bán lẫn người mua. Chưa kể hộp sữa đã mở nắp nếu để ngoài quá lâu, hàm lượng chất dinh dưỡng có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Do đó, là người tiêu dùng hiện đại, văn minh thì đừng mở nắp hộp sữa, nước trái cây trên kệ, khổ người mua sau.

Như khăn xài trong khách sạn, tôi rất vui khi thấy Xu, Sim xài xong vẫn giữ nó sạch sẽ. Tôi đã thấy có nhiều người xài khăn tắm xong ném xuống đất lau nhà, chà giày, bảo: “Ồi, dù sao tý nữa họ cũng giặt ấy mà!”. Có lẽ họ chưa trực tiếp giặt đồ nên không biết, giặt sạch cho tới trắng muốt một cái khăn không bẩn, với giặt sạch 1 cái khăn đã bị ném xuống lau sàn nó khác nhau lắm.

Cũng như việc phân loại rác vô cơ và hữu cơ, rác tái chế, các nước đã làm hà rầm rồi. Sở Tài nguyên và Môi trường nói, nếu phân loại rác tại nguồn thành công, thành phố tiết kiệm được khoảng 1 tỷ đồng/ngày. Ngoài 1 tỷ/ngày tiết kiệm đó, còn giảm ô nhiễm môi trường. Thật bất công khi cả khu Phú Mỹ Hưng giữ gìn rất sạch sẽ, rất nhiều cây xanh, một cọng rác ngoài đường cũng không có, mà lại phải ngửi mùi hôi thối rác của những vùng khác tập hợp ở Đa Phước.

Tôi thấy nhiều người thường khoe con rằng nó là thần giữ của đấy, khôn lắm, lanh lắm, không ai lấy của nó được cái gì đâu. Tôi nghĩ giữ cái lợi về mình, đẩy rủi ro cho người khác, chỉ là cái khôn ngắn hạn!".

Thu Hà

Cùng chuyên mục
XEM