Văn hóa riêng tư bất khả xâm phạm của người Nhật - chẳng trách vì sao Khoa Pug lại nhận phải nhiều gạch đá đến như vậy

08/11/2019 07:32 AM | Sống

Người Nhật đặc biệt giỏi trong việc tạo ra không gian riêng tư, ngay cả ở những nơi đông đúc nhất. Thậm chí trên những chuyến tàu chật như nêm, kéo dài hàng giờ trong thời khắc cao điểm ở Tokyo, họ vẫn có cách tận hưởng khoảng không gian tĩnh lặng của riêng mình.

Khoa Pug - một YouTuber chuyện làm các vlog về du lịch, ẩm thực khá nổi tiếng của Việt Nam mới đây đang là tâm điểm chú ý của cộng đồng mạng, do anh đã đăng tải clip với tiêu đề khá phản cảm: "Phụ nữ Nhật quỳ khóc xin cho cameraman được ăn".

Đoạn clip đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều, khi rất nhiều người cho rằng anh đã thiếu tôn trọng phụ nữ khi đặt title cho video theo cái cách như vậy. Trong đó đáng chú ý có một số ý kiến còn đề cập đến chuyện Khoa Pug đã không hiểu gì về văn hóa nước Nhật mà vẫn tự tiện quay video , trong khi đây là một đất nước hết sức chú trọng về quyền riêng tư của con người.

Văn hóa riêng tư bất khả xâm phạm của người Nhật - chẳng trách vì sao Khoa Pug lại nhận phải nhiều gạch đá đến như vậy - Ảnh 1.

Video gây tranh cãi của Khoa Pug


Khoa Pug đúng hay sai, tạm thời chúng ta không bàn đến vấn đề này. Nhưng trong các ý kiến trên có một sự thật mà cả YouTuber này lẫn nhiều người nước ngoài khi đến Nhật đều phải bất ngờ, đó là người Nhật thực sự rất coi trọng những khoảng không gian riêng tư của họ. Câu chuyện dưới đây do Pico Iyer - một cây viết du lịch đã sống và làm việc tại Nhật Bản suốt 20 năm chia sẻ sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về văn hóa "bất khả xâm phạm" này.

Văn hóa riêng tư bất khả xâm phạm của người Nhật

Sau 20 năm sinh sống tại Nhật Bản, Pico Iyer hiểu rằng đối với người dân nơi đây, quyền riêng tư là điều cực kỳ được coi trọng và điều này được thể hiện rõ trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Mỗi người Nhật đều có quyền yêu cầu gỡ tên ra khỏi cuốn danh bạ điện thoại dày cộp được cập nhật mỗi năm. Cửa sổ của mỗi ngôi nhà đều thiết kế sao cho từ bên ngoài không thể nhìn vào trong. Khi trò chuyện, hỏi quá nhiều sẽ bị xem là thô lỗ và nóng vội. Còn khi ở trên các phương tiện công cộng, luật ngầm của họ là "không nói chuyện", kể cả trên điện thoại.

Văn hóa riêng tư bất khả xâm phạm của người Nhật - chẳng trách vì sao Khoa Pug lại nhận phải nhiều gạch đá đến như vậy - Ảnh 2.

Rất nhiều trẻ em tiểu học cho biết các em chưa từng nhìn thấy cha mẹ mình hôn nhau công khai. Với người trưởng thành, họ cũng rất ít khi chia sẻ về chuyện tình cảm cá nhân, và tựu chung thì chẳng ai thích bị hỏi về cuộc sống riêng của mình cả.

Trong một cuộc khảo sát tại vài trường Đại học của Nhật Bản, phần lớn sinh viên cho biết họ đánh giá bạn bè tốt là những người biết tôn trọng quyền riêng tư cá nhân. Về cơ bản, người Nhật cũng không hề thích chuyện phải trò chuyện cùng người lạ, trừ phi vì lý do công việc.

Nhưng tại sao người Nhật lại coi trọng những khoảng không gian riêng đến như vậy? 

Theo Iyer, quốc gia này vốn có lịch sử sinh sống trong những cộng đồng khép kín và gấn gũi, sống vì tập thể hơn là theo đuổi các mục tiêu cá nhân. Những ngôi nhà gỗ truyền thống của Nhật Bản có các vách tường đôi khi chỉ làm bằng giấy mỏng, không cách âm. Hơn nữa, người Nhật còn có văn hóa tắm chung trong các nhà tắm lớn (sento), và chuyện nhìn thấy người khác khỏa thân cũng không phải hiếm gặp.

Văn hóa riêng tư bất khả xâm phạm của người Nhật - chẳng trách vì sao Khoa Pug lại nhận phải nhiều gạch đá đến như vậy - Ảnh 3.

Văn hóa tắm chung của người Nhật


Nhưng cũng chính bởi vậy mà quyền riêng tư của họ cũng trở thành một kỹ năng sống cần thiết. Người Nhật đặc biệt giỏi trong việc tạo ra không gian riêng tư, ngay cả ở những nơi đông đúc nhất. Thậm chí trên những chuyến tàu chật như nêm, kéo dài hàng giờ trong thời khắc cao điểm ở Tokyo, họ vẫn có cách tận hưởng khoảng không gian tĩnh lặng của riêng mình.

Chẳng hạn như cách họ sử dụng khẩu trang. Trước kia, người Nhật vốn coi khẩu trang là dấu hiệu cho thấy người đeo đang bị dị ứng hoặc bị cảm - nghĩa là lý do thuần về sức khỏe. Nhưng qua các cuộc khảo sát, nhiều người cho biết họ cảm thấy không gian riêng tư được tôn trọng hơn khi đeo nó. Với họ, chiếc khẩu trang giống như công cụ tăng tính riêng tư, giúp họ trở nên kín đáo hơn ở nơi công cộng.

Văn hóa riêng tư bất khả xâm phạm của người Nhật - chẳng trách vì sao Khoa Pug lại nhận phải nhiều gạch đá đến như vậy - Ảnh 4.

Ngồi cạnh nhau, nhưng quanh mỗi người đều là những khoảng riêng tư


Chỉ có ở Nhật, bạn mới thấy cảnh dân công sở kiệt sức ngủ lăn giữa đường và trên tàu điện. Có thể với người nước ngoài đó là hình ảnh khó coi, nhưng người Nhật lại rất tôn trọng nó, vì đó là dấu hiệu cho thấy người này đã làm việc hết sức vất vả. Thời kỳ hậu chiến tranh, một thế hệ Nhật Bản đã khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng với thời lượng làm việc mỗi tuần dẫn đầu thế giới, nên chuyện ngủ gục ở bất kỳ nơi nào trở thành một phần cuộc sống của họ. Nhiều người thậm chí còn giả vờ ngủ, để có thể tự do hòa vào không gian riêng tư của mình.

Văn hóa riêng tư bất khả xâm phạm của người Nhật - chẳng trách vì sao Khoa Pug lại nhận phải nhiều gạch đá đến như vậy - Ảnh 5.

Chuyện người Nhật ngủ gục trên các chuyến tàu là điều thường thấy, và luôn được tôn trọng

Văn hóa riêng tư bất khả xâm phạm của người Nhật - chẳng trách vì sao Khoa Pug lại nhận phải nhiều gạch đá đến như vậy - Ảnh 6.

Sự riêng tư của người Nhật còn được thể hiện khi họ đọc sách. Trên tàu điện và những quán cafe, không khó để thấy nhiều người đọc sách một cách chăm chú, không để tâm đến nhưgnx gì xung quanh. Sách của Nhật Bản cũng thường được bán kèm giấy bọc, để người ngoài không biết họ đang đọc thứ gì.

Quyền được "ở một mình" và sự khác biệt về văn hóa

Trên thực tế, quốc gia nào cũng tôn trọng quyền riêng tư, nhưng sự riêng tư của người Nhật phải được hiểu dưới dạng "quyền được ở một mình". Họ thực hành nó một cách hết sức chặt chẽ, đến mức mọi thông tin cá nhân gần như không bao giờ được nhắc đến.

Pico Iyer có chia sẻ câu chuyện như sau: Một người Mỹ tên Andy đến Nhật và hợp tác trong dự án với một người bản địa, tên Takeda. Họ làm việc cùng nhau hơn 1 năm rưỡi, thế rồi một ngày Takeda tình cờ chia sẻ vợ chồng anh vừa có con. Với Andy, cảm giác lúc đó có phần khá tổn thương. Anh đã không thể tin nổi rằng suốt hơn 1 năm rưỡi làm việc cùng nhau, có thể coi là một tình bạn giữa những người đồng nghiệp, mà Takeda không chia sẻ bất kỳ điều gì về việc vợ anh có thai.

Câu chuyện trên là ví dụ điển hình về bất đồng văn hóa giữa người nước ngoài và người Nhật. Với người Mỹ, việc thông báo giữa các người bạn về một sự kiện quan trọng (vợ mang thai, sinh nở...) là cần thiết. Nhưng với người Nhật, họ không thích bạn bè biết về chuyện cá nhân của mình. Đúng hơn thì họ không phản đối nó, nhưng cũng không có ý định tìm thời điểm thích hợp để đưa ra thông báo làm gì.

Một chuyện khác thường thấy ở Nhật là trường hợp 3 người gặp gỡ mà có 2 người trong đó không biết nhau, thì họ cũng chẳng buồn đứng ra giới thiệu hay làm bất kỳ điều gì thể hiện sự cởi mở. Thậm chí, cử chỉ lịch sự ở đây là nếu 2 người đang trò chuyện, người thứ 3 cần lui ra một chút để 2 người kia có khoảng riêng tư.

Quay lại chuyện Khoa Pug. Với một đất nước đặc biệt coi trọng sự riêng tư, rõ ràng chuyện tự tiện quay phim, chụp ảnh mà không có sự đồng ý là điều khó mà chấp nhận. Qua đây cũng là bài học cho các du khách, đó là cần phải tìm hiểu trước văn hóa của đất nước mà họ định đến, nhất là khi đó là một đất nước sở hữu nền văn hóa có chiều sâu như vậy.

Chẳng trách, anh chàng YouTuber này nhận phải hàng tấn gạch đá.

Tham khảo: Talk About Japan

Theo J.D

Cùng chuyên mục
XEM