Văn hóa "nhậu nơi công sở ở Nhật Bản": Thật sai lầm cho ai trốn tránh tiệc tùng

04/04/2017 20:10 PM | Sống

Tại Nhật, đàn ông thường đưa hết tiền lương hàng tháng cho vợ - những người kiểm soát tài chính gia đình. Sau đó họ chỉ lấy lại một phần tiền để chi trả cho chi phí đi lại, ăn trưa, các buổi tiệc rượu giúp xây dựng quan hệ với đồng nghiệp, đối tác hoặc các buổi tiệc rượu với công ty.

Kết quả cuộc khảo sát thực hiện năm 2015 của ngân hàng Shinsei cho thấy, trung bình mỗi ông chồng Nhật nhận lại từ vợ khoảng 39.600 yên mỗi tháng (khoảng hơn 8 triệu đồng Việt Nam) – con số này tương đương khoảng 1/6 đến 1/12 thu nhập của người đi làm trong độ tuổi từ 22 đến 40. Thế nhưng, chi phí tối thiểu cho một buổi tiệc rượu thường khoảng 2.860 yên và mỗi bữa ăn trưa có giá khoảng 510 yên, vì thế nhiều đàn ông Nhật đã trốn không tham gia các buổi tiệc rượu. Họ đều cho rằng "các bữa tiệc rượu thật lãng phí tiền bạc".

Nhưng họ không nhận ra rằng, khi mà "văn hóa nhậu" đã trở thành một luật bất thành văn ở Nhật thì việc tiết kiệm một chút tiền "nhậu" có thể dẫn tới tổn hại không nhỏ cho sự nghiệp của họ.

Ở Nhật Bản, ăn uống với đồng nghiệp là một thói quen phổ biến. Thực tế, nó là một "luật bất thành văn" tại nơi công sở. Nhiều người Nhật cảm thấy rằng, những bữa tiệc sau giờ làm là một trong những phương thức quan trọng để củng cố các mối quan hệ. Sẽ rất hữu ích nếu bạn hiểu được đồng nghiệp của mình là ai, họ đang suy nghĩ thế nào và biết được những vấn đề liên quan đến công việc mà họ không thể chia sẻ khi bị gò bó bởi công việc.

Việc tham gia các bữa tiệc cùng đồng nghiệp có thể liên quan rất nhiều đến tiêu chuẩn đánh giá giúp bạn có thể sở hữu một công việc dài hạn. Tham gia đều đặn các buổi tiệc rượu cũng là cách rất đơn giản để thể hiện tính cam kết của bạn đối với các mối quan hệ nơi công sở. Thiết lập các mối quan hệ tốt với đồng nghiệp rất quan trọng, bởi có thể họ sẽ là người làm việc cùng bạn trong suốt 40 năm.

Tuy nhiên với tình hình tài chính eo hẹp của đa số nhân viên văn phòng, việc chi một khoản tiền tương đối cho những bữa nhậu nhẹt với đồng nghiệp là điều khó khăn.

"Những người thường xuyên từ chối tham gia các bữa tiệc cùng đồng nghiệp có thể sẽ không được thăng tiến".

Đó là nhận định của chuyên gia tư vấn nhân sự lâu năm Shinsuke Suzuki, người từng làm việc với hơn 100 công ty. Ông khẳng định rằng, những bữa tiệc sau giờ làm là một phần quan trọng để giữ mối quan hệ tốt đẹp nơi làm việc.

Với kinh nghiệm là một nhà tư vấn nhân sự lâu năm, ông Suzuki cho hay: "Ngày nay, nhiều nhân viên văn phòng đang không nhận ra tầm quan trọng của những bữa tiệc thiếp lập mối quan hệ sau giờ làm. Thực tế, những người chủ động tham gia các bữa nhậu cùng đồng nghiệp có khả năng thăng tiến dễ dàng hơn".

Trong những bữa nhậu, cách bạn thể hiện sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên ở nơi làm việc. Ở một mức độ nào đó, nếu bạn không có kĩ năng chuyên môn nổi bật, thì đây là dịp bạn gây ấn tượng và tạo các mối quan hệ tốt đẹp hơn trong công việc. Các bữa nhậu giúp bạn xây dựng mạng lưới quan hệ hiệu quả hơn làm việc hết mình.

"Có thể một số người nghĩ, những kẻ chỉ biết tiệc tùng thì vô dụng và thiếu năng lực trong công việc. Nhưng, họ đang bỏ lỡ một số điểm quan trọng. Các sếp người Nhật lại có các nhìn nhận khác: Nếu bạn có thể tổ chức một bữa tiệc thì bạn cũng thể hiện rằng bạn có khả năng hoàn thành một dự án và bạn là người có kĩ năng. Tất nhiên, nếu bạn thường xuyên tham gia tiệc tùng, không có nghĩa là bạn sẽ được thăng chức, tăng lương. Nhưng đó là một "đường tắt" hữu ích. Nếu muốn thăng tiến, kiếm được nhiều tiền hơn, thì thực sự những bữa tiệc sẽ giúp bạn tiết kiệm chi phí trong thời gian dài. Đó là một chiến lược hay", ông Suziki nhấn mạnh.

Cuộc sống và văn hóa doanh nghiệp đã thay đổi rất nhiều trong thập kỷ qua. Môi trường làm việc linh hoạt hơn và đáp ứng nhu cầu của từng cá nhân theo từng giai đoạn của cuộc sống. "Nhảy việc" ngày càng dễ dàng và phổ biến hơn. Nếu văn hóa doanh nghiệp không phù hợp, bạn có thể lựa chọn đổi việc và việc xây dựng mối quan hệ đồng nghiệp lâu dài ít được nhấn mạnh hơn.

Phần lớn thế hệ trẻ bắt đầu sự nghiệp trong môi trường tự do hơn và có xu hướng ít dành thời gian cho đồng nghiệp, tập trung hơn vào các mối quan hệ và cuộc sống ngoài công việc. Tuy nhiên, dù ở môi trường nào, bạn cũng cần những mối quan hệ và kĩ năng giao tiếp. Đừng chỉ nghĩ đến những lợi ích ngắn hạn khi bạn cố gắng tiết kiệm tiền bằng việc không tham gia các buổi tiệc rượu. Nếu bạn không muốn trong tương lai bạn sống trong bần hàn, thiếu thốn về tài chính, thì việc chịu khó đi tiệc rượu với sếp và đồng nghiệp sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn.

Theo Thu Hoài

Cùng chuyên mục
XEM