Vấn đề này đã lặp đi lặp lại hàng ngàn năm trong lịch sử Trung Quốc, nhưng chỉ có Tào Tháo là làm tốt nhất

02/07/2019 21:33 PM | Sống

Trên thực tế, lịch sử là một trường mẫu giáo, tất cả những câu chuyện đều là những đạo lý mà mọi người nên hiểu khi còn học mẫu giáo, mấy nghìn năm lịch sử, quanh đi quẩn lại chỉ một vấn đề, nhưng lại có những người không hiểu, không muốn hiểu, không chịu hiểu, không dám hiểu, vì vậy mãi mãi vẫn chỉ luôn sống quanh quẩn ở trong trường mẫu giáo, mãi mãi không thể trưởng thành.

Người ta nói rằng đọc lịch sử làm cho con người khôn ngoan hơn. Thực ra, tất cả lịch sử đều do con người tạo ra, chỉ cần bản chất con người không thay đổi thì những câu chuyện cũ rồi sẽ tiếp tục được lặp lại, và nó sẽ không vì bạn biết hậu quả ra sao rồi mà không tái diễn nữa.

Cùng xem hai câu chuyện dưới đây.

Vào năm 200 sau Công nguyên, Tào Tháo sau khi thu phục Viên Thuật và Lữu Bố nghiễm nhiên trở thành một thế lực mới ở khu vực Giang bắc, điều này khiến lão bá chủ Viên Thiệu rất không hài lòng, muốn dạy cho "tiểu tử" không biết trời cao đất dày này một bài học.

Trong khi Viên Thiệu đang rất hùng hồn trước khi chính thức phát động chiến tranh thì mưu sĩ Điền Phong đứng ra dè dặt nói: "Thưa chủ công, tiểu tử Tào Tháo đó mặc dù binh mã không nhiều, nhưng thần nghe nói con người này vô cùng giảo hoạt, chúng ta là thế lực lớn, không cần phải tính toán với hắn ta, chỉ cần thỉnh thoảng phái người đến gây rối là đủ, thần đảm bảo chưa đầy 2 năm, hắn sẽ cúi đầu xưng thần."

Viên Thiệu tức giận quát lớn: "Hay cho tên Điền Phong nhà ngươi, dám nhiễu loạn lòng quân, đem nhốt vào đại lao, chờ ngày xử lý!"

Viên Thiệu ngay sau đó thống lĩnh đại quân đi đánh Tào Tháo. Tiếc rằng chiến trường không giống phòng thi, thí sinh Viên Thiệu gặp phải giám thị "lão hồ ly" Tào Tháo bỗng run tay, còn chưa kịp lấy bút ra đã phải nộp giấy trắng rồi.

Tin tức Viên Thiệu thất bại trước Tào Tháo nhanh chóng lan truyền đến đại lao, mọi người đều chúc mừng Điền Phong: "Viên Thiệu chính vì không nghe ngài nên mới bại trận như vậy, lần này quay trở về nhất định sẽ rất trọng dụng ngài."

Điền Phong cười nhạt nói: "Cái này thì các người sai rồi, Viên Thiệu nếu như thắng thì ta may ra còn giữ được cái mạng này, giờ Viên Thiệu thua rồi, ta chỉ còn một con đường chết."

Mọi người đều không hiểu.

Điền Phong nói: "Viên Thiệu luôn tự cho mình là đúng. Nếu Viên Thiệu thắng và chứng minh được sự đúng đắn của mình, hắn sẽ không keo kiệt một chút khoan dung, nhưng một khi hắn thua, chứng minh ngươi đúng còn hắn sai, vậy thì người chắc chắn sẽ không có kết thúc tốt đẹp gì."

Quả nhiên, việc đầu tiên sau khi Viên Thiệu trở về đó là giết Điền Phong.

Có một lãnh đạo như vậy, chẳng trách vì sao Viên thị lại sụp đổ chỉ trong một vài năm ngắn ngủi.

Vấn đề này đã lặp đi lặp lại hàng ngàn năm trong lịch sử Trung Quốc, nhưng chỉ có Tào Tháo là làm tốt nhất - Ảnh 1.

Nhân vật Viên Thiệu trên màn ảnh

Sự lãnh đạo như vậy thực ra không hiếm trong lịch sử, ngay cả ở thời điểm hiện tại, nó cũng không phải là thiểu số. Đặc điểm nổi bật nhất của những người này là họ thích thể hiện sự thông minh "nhỏ bé" của mình, nếu cấp dưới ca ngợi công đức của họ, họ sẽ không ngần ngại mà tỏ ra hào hiệp, rộng rãi. Nhưng, đừng mong họ thừa nhận sai lầm của mình, thậm chí dù có thua đến mất cả quần, họ cũng sẽ không bao giờ nghĩ rằng đó là lỗi của họ, thay vào đó cố gắng đùn đẩy trách nhiệm cho những người có thể đùn đẩy. Những người như vậy tự nhiên không thể làm được việc gì to tát.

Sau khi thất bại, có thể lớn tiếng thừa nhận sai lầm của mình thực ra là một cảnh giới khó mà đạt được, đặc biệt là những người quyền cao chức trọng, những người đã quen được người khác tung hô.

Nhưng, vẫn luôn có một ngoại lệ. Và ngoại lệ đó không ai khác chính là Tào Mạnh Đức.

Sau trận Quan Độ, Viên Thiệu qua vì bệnh, hai con trai của ông là Viên Đàm và Viên Hi đến cậy nhờ tộc Ô Hoàn, Tào Tháo quyết định diệt cỏ phải diệt tận gốc, xuất binh đánh Ô Hoàn. Tuy nhiên, một số người cho rằng đánh Ô Hoàn vào thời điểm này là không thích hợp, nhưng Tào Tháo là người tài trí mưu lược, nào phải người dễ thay đổi chủ ý, kiên quyết xuất chinh đánh Ô Hoàn.

Khi đó vừa đúng mùa hè, mưa liên tục vài ngày, đường đi toàn bùn lầy lội khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Dưới sự dẫn dắt của Điền Trù, Tào Tháo mới có thể đến đích tuy có hơi nhếch nhác. May mắn thay, quá trình tấn công Ô Hoàn khá suôn sẻ, Trương Liêu thống lĩnh quân đội tấn công chiến thắng trận đánh. Viên Đàm và Viên Hi chạy trốn đến chỗ của Công Tôn Khang, nhưng lại bị Công Tôn Khang giết rồi dâng cho Tào Tháo.

Sau chiến thắng, Tào Tháo quay trở về, khi đó đã là vào mùa đông, tiết trời lạnh lẽo, trong vòng bán kính hai trăm dặm không thấy một bóng người, càng không thấy nguồn nước, kết cục đành phải "giết ngựa làm quân lương, phá băng lấy nước uống" mới có thể về tới Ngiệp Thành, và một lần nữa cũng lại là trong bộ dạng nhếch nhác.

Sau khi trở về, Tào Tháo mở một bữa tiệc lớn chiêu đãi quân lính.

Trong yến tiệc, Tào Tháo nhắc tới những người từng cố khuyên ông không đánh trận này, những người đó khi bị nhắc tên đã rất sợ hãi, lo sợ Tào Tháo sẽ truy cứu lỗi lầm của mình, nhưng không ngờ rằng Tào Tháo lại đích thân nâng ly rượu lên kính và nói: "Lần này xuất chinh Ô Hoàn, mặc dù đã chiến thắng nhưng lại thắng khá là nhếch nhác, đây không phải là một thắng lợi thông thường, can ngăn của các ngươi trước đó là đúng, là tại ta nhất thời hồ đồ nên phạm phải sai lầm lớn, vì vậy, ta muốn cảm ơn các ngươi, hi vọng các ngươi sau này tiếp tục đưa ra ý kiến của mình, cảm thấy nên nói gì thì cứ nói."

Đọc đến đây, không thể không nể Tào Tháo, vị "gian hùng" này quả khôn khéo, so với Viên Thiệu, người như Tào Tháo mà không nên nghiệp lớn thì quả là vô lý!

Vấn đề này đã lặp đi lặp lại hàng ngàn năm trong lịch sử Trung Quốc, nhưng chỉ có Tào Tháo là làm tốt nhất - Ảnh 2.

Nhân vật Tào Tháo trên màn ảnh

"Sai thì nhận", đây vốn dĩ là cái đạo lý mà trẻ mầm non cũng hiểu nhưng tại sao người lớn lại cứ "cố tình" không hiểu?

Trên thực tế, lịch sử là một trường mẫu giáo, tất cả những câu chuyện đều là những đạo lý mà mọi người nên hiểu khi còn học mẫu giáo, mấy nghìn năm lịch sử, quanh đi quẩn lại chỉ một vấn đề, lặp đi lặp lại, nhưng lại có những người không hiểu, không muốn hiểu, không chịu hiểu, không dám hiểu, vì vậy mãi mãi vẫn chỉ luôn sống quanh quẩn ở trong trường mẫu giáo, mãi mãi không thể trưởng thành.

Như Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM