Vận chuyển từ Los Angeles về Hà Nội rẻ hơn từ Hà Nội vào Sài Gòn: Cách nào để tháo gỡ?

24/10/2017 15:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Logistics chỉ là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phải đối mặt khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, trong thời đại công nghệ 4.0.

Tại hội thảo "Đưa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào thế giới cách mạng công nghiệp lần thứ 4" tổ chức tại TP HCM, một doanh nghiệp cung ứng chuyên về logistics cho Coca Cola cho biết hơn 20% doanh thu của doanh nghiệp tại Việt Nam đến từ hoạt động kinh doanh logistics nhưng tới 85% trong số đó thuộc về doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 15% và có nguy cơ mất dần.

Ông chỉ ra nguyên nhân xu thế M&A sẽ làm mất dần các công ty logistics nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, điểm mấu chốt hơn chính là doanh nghiệp Việt Nam chỉ có lợi thế về đất đai, kho bãi, trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm về điều hành, tổ chức, công nghệ cao.

Cùng chủ đề này, ông Michael W Michalak, Phó chủ tịch cấp cao và giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng thực hiện logistics từ Los Angeles (Mỹ) sang Hà Nội rẻ hơn từ Hà Nội vào Sài Gòn. Đây không phải câu chuyện của các doanh nghiệp FDI mà là vấn đề quốc gia, vấn đề của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Do đó, cần có nhìn nhận thẳng thắn và thực chất về các điểm yếu của doanh nghiệp SMEs, đưa ra các ý tưởng chia sẻ về việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng khả năng tăng trưởng.

Logistics chỉ là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp SMEs đối mặt khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VEEC) còn cho biết nhiều chủ doanh nghiệp nữ gặp khó khăn lớn khi tiếp cận công nghệ thông tin, nhất là ở vùng sâu vùng xa, miền núi. Bà biết nhiều doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô rất lớn nhưng không thể thực hiện hoặc thực hiện thanh toán điện tử rất khó khăn, cũng vì vấn đề công nghệ thông tin. Ở TP HCM hay HN, các doanh nghiệp do nữ làm chủ có thể chủ động vấn đề này, còn vùng sâu vùng xa thì không.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao để các doanh nghiệp SMEs có thể tiếp cận được thị trường toàn cầu, tìm kiếm thị trường và mở rộng mạng lưới khách hàng? Ông Sanket Ray, Giám đốc điều hành Coca Cola Việt Nam cho biết điều đầu tiên và dễ thực hiện nhất là tham gia vào các chuỗi cung ứng đa quốc gia, tham gia vào các tập đoàn đa quốc gia để trở thành chuỗi cung ứng của họ và trở thành chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các yêu cầu thanh toán hiện đại, đảm bảo chính xác, nhanh gọn.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh thì cho rằng USABC và VCCI thông qua các chương trình đào tạo của Coca Cola để vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận tốt hơn mạng lưới công nghệ thông tin, đảm bảo nền kinh tế bao trùm không ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, các SMEs cũng cần tham gia các hiệp hội, ngành hàng, tham gia các hiệp hội doanh nghiệp cấp cùng, tham gia VCCI hay các hiệp hội tầm cỡ quốc gia. Việc tham gia các hiệp hội không còn như một sân chơi, nó là nơi để trao đổi, chủ động thông tin, hỗ trợ bạn hàng và hỗ trợ lẫn nhau. Đây là các lợi ích thực sự cho SMEs khi tham gia hiệp hội, ngành hàng.

Hội thảo "Đưa doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vào thế giới cách mạng công nghiệp lần thứ 4" thuộc một phần của công tác triển khai thỏa thuận Hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa được ký giữa Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Coca Cola Việt Nam.

Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp SMEs có định hướng đúng đắn trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, cập nhật hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm khai thác các xu hướng công nghệ 4.0, cơ hội hợp tác và tham gia chuỗi cung ứng của các công ty Mỹ, gia nhập thị trường toàn cầu.


Theo Anh Thư

Cùng chuyên mục
XEM