Vẫn chỉ hơn Lào, Campuchia: Cạnh tranh được với ai?
Hội nhập kinh tế quốc tế, phải cạnh tranh nhiều hơn, nhưng môi trường kinh doanh chưa thực sự đảm bảo công bằng, lành mạnh. Cơ cấu kinh tế méo mó đã không khuyến khích sản xuất trong nước.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế kinh doanh, qua đó tạo môi trường lành mạnh giúp DN tăng năng lực cạnh tranh.
Đây là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại "Diễn đàn khoa học về các vấn đề đặt ra trong đổi mới thể chế kinh tế thời kỳ hội nhập quốc tế", do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam mới diễn ra ở Hà Nội.
Năng lực cạnh tranh yếu kém
GS Lê Du Phong - Chuyên gia kinh tế, cho biết, theo đánh giá, về chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2015, Việt Nam xếp thứ 56/140 quốc gia xếp hạng, tăng 12 bậc so với 2014. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực Asean, Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar.
Trong 12 chỉ số được dùng để đánh giá, thì những chỉ số quan trọng, Việt Nam đều xếp ở bậc rất thấp. Chẳng hạn như thể chế xếp thứ 84/140, sẵn sàng về công nghệ xếp thứ 92/140, giáo dục và đào tạo sau tiểu học xếp thứ 95/140, trình độ kinh doanh xếp thứ 100/140.
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tuy được cải thiện, nhưng vẫn rất thấp. Lấy ví dụ, hệ thống doanh nghiệp (DN) là trụ cột của nền kinh tế, nhưng chỉ thấy tăng nhanh về số lượng, còn chất lượng rất hạn chế. Nếu như tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 đạt 162,4 tỷ USD thì các DN FDI đã chiếm 115, 1 tỷ USD (70,87%), mặc dù khối này chỉ có 11.046 DN. Còn lại có tới 424.954 DN nội nhưng xuất khẩu đạt 47,3 tỷ USD.
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tuy được cải thiện, nhưng vẫn rất thấp.
Nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, nhưng sản xuất vẫn hết sức lạc hậu, nhỏ lẻ và manh mún; đầu tư ngày càng giảm, chất lượng sản phẩm thấp, hao hụt lớn, năng suất lao động nên khả năng cạnh tranh yếu.
Ngoài ra, chất lượng tăng trưởng thấp cũng góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Giai đoạn 2011-2015 kinh tế có phát triển nhưng theo bề rộng là chính. Tức là sự phát triển đó vẫn dựa trên khai thác tài nguyên và bán nguyên liệu, sản phẩm thô. Sự phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, quản lý tiên tiến còn rất hạn chế.
Theo TS Lê Văn Sang, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, các phân tích cho thấy, trong 4 động lực tăng trưởng của Việt Nam gồm DN Nhà nước, DN tư nhân, Nông nghiệp và DN FDI, thì chỉ có DN FDI tăng trưởng còn lại 3 động lực kia nằm im.
Muốn đẩy mạnh xuất khẩu giờ các DN phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng với hơn 90% số DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đã gây ra khó khăn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài vào nhiều, nhưng không tạo ra chuỗi sản xuất tại Việt Nam, mà lại hình thành "2 nền kinh tế trong 1 nền kinh tế".
Áp lực cải cách
Các chuyên gia kinh tế nhận định, vấn đề chính ở đây là cơ cấu kinh tế méo mó nghiêm trọng đã không khuyến khích sản xuất trong nước .
Trong 30 năm đổi mới, thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng có 2.000 USD (từ 200 USD lên 2.200 USD), so với các quốc gia khác, khoảng cách về năng lực không đạt được là rất lớn. Trong khi đó, ngân sách đang cạn kiệt, đổi mới cơ chế chưa cải thiện nhiều, điều kiện nền tảng hỗ trợ các DN giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh còn hạn chế, tiếng nói của DN chưa được chú ý đúng mức.
Cơ cấu kinh tế méo mó nghiêm trọng đã không khuyến khích sản xuất trong nước.
Đến nay, vẫn chưa tạo ra được môi trường kinh doanh thực sự cạnh tranh, lành mạnh, minh bạch. Vì vậy, vấn đề đặt ra cần phải đẩy mạnh cải cách thể chế kinh doanh, qua đó tạo môi trường giúp DN tăng năng lực cạnh tranh, TS Lê Xuân Bá, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nhận xét.
TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhận định, nguy cơ con đường phát triển của Việt Nam có thể tụt hậu sâu hơn so với các nước khác, vì chưa chuẩn bị kỹ cho hội nhập, với môi trường kinh doanh tốt.
Theo GS Lê Du Phong, có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là cơ chế chính sách phát triển kinh tế xã hội đưa ra chưa tạo động lực mạnh mẽ, trái lại không ít trong số đó còn là lực cản của sự phát triển.
Tham gia vào toàn cầu hóa hội nhập sâu rộng là một tất yếu vì sự phát triển của đất nước. Vì thế, phải thực hiện đổi mới thể chế kinh tế. Nếu muốn đạt được phát triển phải coi trí thức và doanh nhân là lực lượng tiên phong dẫn dắt nền kinh tế. Dứt khoát phải tạo điều kiện cho kinh tế dân doanh phát triển. Phải coi kinh tế dân doanh là nền tảng, động lực chủ yếu phát triển kinh tế, GS Phong nhấn mạnh.
Còn theo TS Mai Hà, Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, khi đã hội nhập thực sự rồi thì người ta làm thế nào mình cũng phải làm như vậy. Việc cải cách thể chế kinh doanh phù hợp với cuộc chơi là tất yếu và không thể đảo ngược. "Đã không có định hướng rõ ràng, khi ra "biển lớn" nên "bơi" theo hướng mọi người cùng "bơi"", TS Hà ví von.