URC mẹ đã lên tiếng trấn an ông chủ, URC Việt Nam vẫn im lặng mặc kệ người tiêu dùng Việt

02/06/2016 13:31 PM | Kinh doanh

Có thể URC Việt Nam đang chọn cách im lặng để sự việc nhanh chìm vào quên lãng. Nhưng việc thiếu thông tin chỉ càng khiến người tiêu dùng thêm hoang mang.

Ngày 1/6/2016, trên trang chủ tập đoàn URC quốc tế, một thông cáo báo chí được đăng tải liên quan đến thông tin trà C2, rồng đỏ tại Việt Nam có hàm lượng chì vượt mức công bố.

Nội dung của thông cáo báo chí này đơn giản, chủ yếu để trấn an nhà đầu tư, cho họ biết rằng mọi việc vẫn ổn. Đây là thông cáo báo chí thứ 2 liên quan đến vụ việc tại Việt Nam được URC đăng tải trên website của mình trong vòng 2 ngày qua.

Những thông tin liên tục cập nhật cho thấy URC muốn các nhà đầu tư của mình được cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác nhất, để không mất đi niềm tin vào hoạt động kinh doanh của tập đoàn.

Trái ngược với sự sốt sắng của công ty mẹ, URC Việt Nam chỉ có sự lặng im. Một sự lặng im đáng sợ với người tiêu dùng Việt.

Nửa tháng sau thông tin đầu tiên về trà xanh C2 và nước tăng lực rồng đỏ bị nhiễm chì được phát tán, và 4 ngày sau khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng, URC Việt Nam vẫn không có bất kỳ một thông cáo báo chí chính thức nào.

Tất cả thông tin mà người tiêu dùng biết cho tới thời điểm này, đều qua thông báo ngắn ngủi từ đại diện Bộ Y tế. URC Việt Nam có 2 lô hàng nhiễm chì vượt mức công bố, bị phạt gần 6 tỉ đồng và có 3,9 tỉ đồng tiền hàng không thể thu hồi. Đó là tất cả những gì người tiêu dùng biết.

URC Việt Nam đang chọn cách im lặng để sự việc nhanh chìm vào quên lãng. Nhưng việc thiếu thông tin chỉ càng khiến người tiêu dùng thêm hoang mang.

Rõ ràng, chỉ những thông tin tối thiểu từ phía bộ Y tế không thể thỏa mãn sự lo lắng của người tiêu dùng. Ai cũng biết chì rất độc hại tới sức khỏe con người, vậy mà hiện có 3,9 tỉ đồng, tương đương với hơn 1 triệu chai nước nhiễm chì như vậy đang tràn lan trên thị trường. Trong khi doanh nghiệp sản xuất ra nó, vẫn không có động thái gì cho thấy họ đang nỗ lực thu hồi hay cảnh báo người tiêu dùng.

Thậm chí, công việc thu hồi còn bị đánh giá là vô trách nhiệm khi URC Việt Nam cho biết có tới cả triệu sản phẩm không thể thu hồi.

Luật sư Trương Thanh Đức, người có nhiều năm kinh nghiệm trong những vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho rằng, thực chất việc thu hồi không quá khó khăn, nhưng đòi hỏi 2 vấn đề: Doanh nghiệp phải minh bạch thông tin và chấp nhận mất chi phí lớn.

“Để thu hồi, doanh nghiệp phải thông báo công khai rộng rãi các sản phẩm có mã ký hiệu, yêu cầu các đại lý dừng lại không được bán, ai bán thì xử phạt nặng. Không chỉ riêng doanh nghiệp, cơ quan chức năng cũng có trách nhiệm thu hồi nhưng chi phí thì doanh nghiệp phải bỏ ra”, ông Đức cho biết.

Có thể URC Việt Nam đang e ngại. Doanh nghiệp này sợ rằng, hành động bây giờ chỉ càng nảy sinh thêm những thông tin tiêu cực. Đặc biệt là khi DN chưa ổn định xong tình hình nội bộ.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, việc một nhãn hàng có lỗi mà không có bất kỳ động thái gì thì chẳng khác gì tuyên án tử hình cho chính bản thân mình.

Bản thân URC quốc tế nắm hiểu rất rõ điều này, khi họ cập nhật rất nhanh những diễn biến tại Việt Nam. Nhưng URC Việt Nam thì lại cố tình không hiểu.

Đúng là URC Việt Nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng rất nặng nề và khó bề cứu vãn. Đây không chỉ là vấn đề về truyền thông, mà là vấn đề nghiêm trọng về chất lượng sản phẩm. Hàng triệu sản phẩm chứa chì còn nguy hiểm hơn phát hiện ra con ruồi trong một chai nước rất nhiều lần.

Và sự im lặng, tảng lờ trách nhiệm của URC cũng nguy hại không kém. Việc chỉ tiến hành thu hồi sản phẩm (và làm cũng rất hình thức) mà không có bất kỳ một hành động có tính khắc phục, đền bù nào khiến cả trên phương diện tình cảm, URC cũng mất điểm trầm trọng. Sau sự vụ của Tân Hiệp Phát, URC vẫn chưa nhận ra một lời xin lỗi có tầm quan trọng đến thế nào.

Cả lý cả tình đều khó dung, ngày người Việt quay lưng với sản phẩm, nhãn hàng sẽ không còn xa.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM