Uống rượu nhiều: Nhẹ nhất thì hơi thở hôi, nặng nhất thì "chầu ông bà ông vải"

23/03/2017 21:05 PM | Sống

Rượu rởm, do pha chế từ các loại hóa chất, từ các loại cồn công nghiệp, ngoài sự mất vệ sinh, không kiểm soát được nồng độ còn lẫn rất nhiều các hóa chất độc hại khác.

Đàn ông, ai mà chẳng có lần uống rượu , hay thường xuyên uống bia rượu. Rượu bia uống vừa phải thì thành văn hóa, như người xưa nói: Lửa biến con khỉ thành con người, rượu biến người thành tiên... Nhưng phần lớn chúng ta đều quên hay cố tình quên, quá nhiều rượu sẽ biến con người trở thành con khỉ, thành điên rồ hay tệ hơn, thành ma thành quỷ.

Khi rượu vào đến dạ dày, có khoảng 20% sẽ ngấm trực tiếp vào máu. Trong vài phút, rượu ảnh hưởng trực tiếp tới tế bào não, tạo cảm giác kích thích, hưng phấn, không có chất dinh dưỡng nào có tác dụng giống như vậy. Những kích thích ảo tưởng, ảo giác đó được sinh ra từ những sản phẩm chuyển hóa trong quá trình hấp thụ, biến đổi và thải trừ rượu của cơ thể.

Đường đi của rượu sau khi vào cơ thể có thể tóm tắt như sau: Cốc, chai - Miệng – Thực quản – Dạ dày – Ruột – Thải ra ngoài qua tiết mồ hôi, qua hơi thở, qua chuyển hóa rượu biến thành các sản phẩm chuyển hóa ở gan, qua đường niệu...

Khi còn ở cốc, chai:

Rượu xịn, đắt tiền có độ tinh khiết hơn, tỷ lệ Ethanol cao hay rất cao và có các hương vị tùy theo sự pha chế, mùi khói, mùi bùn, mùi chua ngọt, mùi cay ớt... Nhưng ở Việt Nam, khi có những vỏ hộp, vỏ chai bán đến hàng chục triệu đồng thì việc rượu xịn hay không xịn hoàn toàn tùy theo lương tâm người bán và sự tin tưởng thơ ngây của người mua.

Rượu rởm, do pha chế từ các loại hóa chất, từ các loại cồn công nghiệp, ngoài sự mất vệ sinh, không kiểm soát được nồng độ còn lẫn rất nhiều các hóa chất độc hại khác. Nên hay gây nhiễm độc, hủy hoại tế bào gan thận, xóa mờ thần kinh và người uống nó có thể bị chết trước khi bị xơ gan hay suy kiệt. Những kẻ pha chế rượu kiểu này có thể gọi là kẻ giết người hàng loạt.

Rượu quê, hay rượu lậu làng ta, sản phẩm từ sự chưng cất mang tính gia đình, đang được tin tưởng chút chút. Nhưng, men rượu cổ truyền từ hàng chục loại thuốc bắc hình thành, nay như đã thất truyền; mà loại men ấy, mỗi cân gạo chỉ cho một cân rượu, hiệu quả thấp nên cũng khó có ai duy trì công nghệ cũ này.

Còn men đời mới, từ phía bắc nhập vào hay từ một số quá trình cải tiến cải lùi sinh ra, thật tệ. Nó có thể làm cho rượu nhiều hơn, thời gian ủ rút ngắn đi và sản phẩm na ná như rượu cổ truyền. Nhưng tạp chất tăng lên, ngoài ethanol còn lẫn nhiều phụ phẩm khác, methanol, aldehyde... dù có được lọc hai ba lần hay hạ thổ lâu ngày, cũng không chắc chắn được.

Mách nhỏ, rượu quê gắt hay có vị hôi như thuốc sâu, thì chừa ra, đừng uống nhé, các bạn, độc hại lắm đấy.

Tác hại của rượu lên toàn cơ thể:

- Ở miệng:

Rượu gây bỏng niêm mạc, viêm quanh răng, chết hệ vi khuẩn cộng sinh... gây hôi miệng, hại răng lưỡi.

- Ở thực quản:

Rượu là một tác nhân gây ung thư thực quản. Thêm nữa, khi rượu gây suy chức năng gan, xơ gan hậu quả là giãn tĩnh mạch thực quản, cộng thêm trực tiếp làm viêm loét trợt thực quản, tổn thương niêm mạc... gây xuất huyết do vỡ tĩnh mạch thực quản, một bệnh cấp cứu kịch phát, nguy cơ tử vong cao gấp nhiều nhiều lần so với khả năng hồi phục.

- Ở dạ dày:

Phá vỡ cân bằng giữa Acid trong dịch vị và hệ thống chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, đó là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày ruột, chảy máu dạ dày... Nhẹ nhất là viêm thượng vị, hở tâm vị gây hơi thở hôi khủng khiếp, nặng hơn là viêm loét, ung thư dạ dày, tá tràng.

- Ở ruột non ruột già:

Rượu làm thay đổi cân bằng của hệ vi sinh vật cộng sinh trong ruột, tăng lượng vi sinh vật độc hại và biến những vi sinh vật lành thành vi khuẩn gây hại, gây bệnh ... Nó cũng thay đổi kết cấu thành ruột, giảm khả năng thanh lọc, tái hấp thu nước điện giải, giảm hấp thu các chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.

Do đó, khi uống rượu nhiều, hay bị phụ thuộc rượu sẽ gây rối loạn tiêu hóa, táo lỏng thất thường. Cái gọi là chết men tiêu hóa chẳng qua là cách gọi dân dã của biến chứng này. Các di chứng khác như suy kiệt cơ thể, bệnh lý đường ruột, tàn phá sức khỏe, độc hại vô cùng.

- Ở da:

Rượu thải qua mồ hôi, những kẻ nghiện rượu cũng giống như nghiện ma túy thường có mùi cơ thể thật khó ngửi. Vì những mùi vị ấy không tự nhiên và gây hại, chết từ tế bào cho đến bộ phận, đến số phận con người, gia đình và tiểu xã hội, xã hội lân cận có liên quan... Mùi chết chóc ấy lan tỏa, thật khó chịu cho cuộc sống bình thường.

- Ở phổi và cơ quan hô hấp:

Gây vỡ cân bằng hệ thống miễn dịch tại chỗ, gây hủy hoại hệ niêm mạc phế nang, phế quản... nên kẻ nghiện rượu năm ngày ho sáu ngày khục khặc, không viêm họng thì cũng viêm phổi thường xuyên.

- Ở hệ cơ xương:

Gây thưa xương, thoái hóa cơ xương khớp; phá vỡ kết cấu xương khớp, tiêu khớp háng, thoái khớp gối, giòn xương, gãy xương... Có ông rượu bét nhè nào đi đứng không lẩy bẩy như Cao Biền dậy non đâu.

Mấy ông thường ngụy biện "uống để thăng hoa, để phiêu linh..." nhưng tác hại thì lớn quá, mấy ai sống thọ thất bát tuần. Rượu uống mà mắt mờ, hay trắng dã hằn học, chửi rủa sinh sự thì chừa đi, rượu rởm đấy, aldehyde – methanol đấy... chỉ gây kích động chứ không kích thích thần kinh bao giờ.

Uống rượu hại thế, sao vẫn cứ uống?

Theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thắng

Cùng chuyên mục
XEM