Unit 8200: Cái nôi của quốc gia khởi nghiệp Israel (2)

11/09/2016 13:53 PM | Kinh tế vĩ mô

"Đặc biệt hơn, chúng tôi không có sự lựa chọn nào ngoài việc cố gắng giải quyết vấn đề. Hoặc là hoàn thành nhiệm vụ hoặc một ngưới lính nào đó sẽ thiệt mạng. Trong khoảnh khắc đó, mỗi sự cố gắng và sáng tạo đều mang trên mình ý nghĩa thiêng liêng, cao cả", Cựu binh Unit 8200, cô Kira Radinsky nói

Vì sao Israel lại trở thành một quốc gia khởi nghiệp, cái nôi của hàng loạt những startup công nghệ sinh ra và được bán với giá từ vài triệu cho tới vài trăm triệu USD?

Sự hình thành của các startup Israel, hóa ra lại có gắn bó mật thiết với quân đội quốc gia này, thông qua một tổ chức bí ẩn mang tên Unit 8200. Trong phần 1, chúng ta đã biết về những nét sơ lược nhất của tổ chức bí ẩn nhất trong quân đội Israel này, và phần 2 này sẽ đi sâu hơn vào những chi tiết bên trong Unit 8200.


2. Chúng ta là một gia đình

Cựu đội trưởng Yair Cohen của Unit 8200 nhớ lại lời của cấp trên khi mới gia nhập đội vào đầu thập niên 80: “Cậu cần 300 triệu USD, nhưng hiện cậu chỉ có 3 triệu USD. Cậu muốn có 10 nhân viên để làm điều đó, nhưng cậu chỉ có 3 người. Dẫu vậy, cậu vẫn phải dùng nguồn lực hiện có này để phân tích những gì sẽ xảy ra và đi trước đối thủ một bước.”

Sau khi rời Unit 8200, anh Cohen tham gia Elbit Systems, một trong những công ty điện tử quốc phòng lớn nhất Israel và đem theo tư tưởng ra quyết định trong trường hợp thiếu thốn nguồn lực cần thiết.

Anh Skuler, chàng học sinh kém ngày nào cũng đã từng lâm vào trường hợp tương tự. Anh được chỉ định làm đội trưởng một nhóm với nhiệm vụ thu thập và phân tích dữ liệu về hệ thống đèn giao thông của một quốc gia đối địch với Israel. Sau đó cung cấp thông tin cho hệ thống vệ tinh.

Ngay lập tức, anh Skuler thành lập một nhóm nhỏ chỉ với 5 chuyên viên và giải quyết vấn đề trong vòng 5 ngày.


Anh Dor Skuler

Anh Dor Skuler

Theo anh Skuler, việc thiếu thốn nguồn lực cho một nhiệm vụ khiến đôi khi con người phải làm ra những quyết định mạo hiểm chẳng khác gì như đang đánh cược.

Anh Skuler cho biết những thành viên trong nhóm thường đưa ra những ý kiến tưởng chừng điên rồ, nhưng họ chả có lựa chọn nào khác. Trên thực tế, một ý tưởng đưa ra không cần phải quá hoàn hảo, hoặc thậm chí có thể đầy lỗi và khiến cả đội phải mất công xây dựng lại mọi thứ. Tuy nhiên, cả đội thực sự đã hoàn thành được mục tiêu trong vài ngày hoặc vài tuần.

“Không ai cho bạn biết mình nên làm thế nào. Họ chỉ bảo với bạn rằng đây là vấn đề và hảy giải quyết chúng”, anh Skuler nói.

Với áp lực về thời gian hoàn thành, những đội viên của Unit 8200 phải liên tục động não và sáng tạo ra những thứ điên rồ. Anh Skuler cho biết những đồng đội của mình suy nghĩ, sáng tạo chả khác gì các nhà khởi nghiệp.

Thậm chí họ chỉ thực sự rõ ràng mọi quy trình làm việc sau khi hoàn thành kế hoạch. Mỗi bước đi là một nước cờ mạo hiểm, có thất bại và thành công, nhưng chẳng ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra.

Dẫu vậy, nhân viên của Unit 8200 buộc phải đánh bạc như vậy bởi họ chẳng còn cách nào khác khi thời hạn hoàn thành nhiệm vụ đang đến gần.

Thông thường những đơn vị quân đội của Israel cũng phải tuân thủ theo kỷ luật và mệnh lệnh như các tổ chức quân sự khác. Tuy nhiên, nếu người lính của Unit 8200 cảm thấy quyết định của cấp trên là sai lầm, họ có thể báo cáo lên cấp bậc cao hơn của đơn vị.

Bằng phương pháp này, những nhân viên trong Unit 8200 cảm thấy họ có thể kiểm soát được tình hình cũng như cảm thấy tập thể là một gia đình hơn doanh trại quân đội. Hầu như mọi người trong đội đều có cá tính và quan điểm riêng. Đây là những yếu tố vô cùng cần thiết cho một doanh nhân làm khởi nghiệp.

Anh Skuler đã áp dụng những gì mình học được để xây dựng thánh công 3 startup là Alcatel, Lucent và Intuition Robotics. Đặc biệt với startup Intuition Robotíc, anh Skuler khởi nghiệp thành công chỉ với 8 nhân viên.

3. Mỗi cố gắng là một mạng sống

Cựu đội viên của Unit 8200, cô Kira Radinsky cho biết sau khi có 2 tháng huấn luyện quân sự với đội, cô được chuyển đến một nhóm thậm chí còn bí mật hơn Unit 8200, đó là đơn vị 81.

Nhiệm vụ của đơn vị 81 là phát triển các sản phẩm công nghệ cao phụ trợ cho những người lính trên thực địa. Đơn vị này chiếm khoảng 1/5 trong số 5.000 nhân viên của Unit 8200.

Trong khi danh tiếng của Unit 8200 hầu như đã được biết đến trong 1 thập niên qua, thậm chí còn được chính các đội viên viết trong hồ sơ xin việc thì đơn vị 81 lại hầu như không được công khai nhắc tới.

Đươn vị 81 như một xưởng sản xuất “đồ chơi” cho các ngưới lính của Israel. Nếu người lính cần những thiết bị đặc biệt, ví dụ như một quả mìn trông giống cục đá hay các loại vũ khí hiện đại như trong phim “điệp viên 007: James Bond” thì chỉ cần mô tả cho nhân viên đơn vị 81, họ sẽ làm ra thiết bị theo yêu cầu.


cô Kira Radinsky

cô Kira Radinsky

Cô Randinsky nhớ lại những đồng đội trong đơn vị 81 như những thiên tài điên rồ với tuổi đời còn rất trẻ. Ở trường học, họ chẳng có nghĩa vụ gì ngoài bản thân, nhưng với đơn vị 81, họ không những được tiếp cận với các thiết bị tối tân nhất mà còn được thoải mái sáng tạo cũng như cảm thấy đang làm một điều gì đó lớn lao cho đất nước. Đây là yếu tố thúc đẩy mà đến tiền cũng không thể mua nổi.

“Càng có nhiều người cố gắng hoàn thành một nhiệm vụ nào đó thì bạn càng có cảm giác đang chiến đấu cùng đồng đội và gia đình để bảo vệ đất nước. Đặc biệt hơn, chúng tôi không có sự lựa chọn nào ngoài việc cố gắng giải quyết vấn đề. Hoặc là hoàn thành nhiệm vụ hoặc một ngưới lính nào đó sẽ thiệt mạng. Trong khoảnh khắc đó, mỗi sự cố gắng và sáng tạo đều mang trên mình ý nghĩa thiêng liêng, cao cả. Vì vậy, bạn không chỉ làm việc với niềm đam mê mà còn với lòng quyết tâm cao độ”, cô Radinsky nhớ lại thời kỳ còn làm việc cho đơn vị 81 vào năm 2004-2007.

“Đây là một môi trường làm việc siêu áp lực và siêu kỹ thuật, nơi bạn phải luôn đưa ra quyết định trên thực tế trước khả năng một ai đó đang bị đe dọa tính mạng”, anh Skuler nói. Điều này khác hoàn toàn với việc đưa ra ý tưởng trên giấy và thua cuộc cùng lắm là phá sản.

Cô Radinsky cũng nhớ lại thời kỳ mình và các đồng đội trong đơn vị 81 phải thay phiên nhau trực mỗi 24-48 tiếng đồng hồ để xây dựng các thiết bị cho lính đặc nhiệm hoặc trực chiến giúp đỡ họ khi đang làm nhiệm vụ. Mọi người phải luôn dõi theo màn hình để đảm bảo các thiết bị đều hoạt động tốt, các đặc công sẽ luôn được hỗ trợ khi cần thiết.

“Mỗi khi nhiệm vụ có thất bại, không ai trong chúng tôi thực sự phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bởi đó là lỗi của cả nhóm. Nếu thắng, chúng tôi cùng thắng, nếu thua, chúng tôi cùng thua. Chúng tôi là một gia đình thực sự”, cô Radinsky cho biết.

Sau khi giải ngũ, cô Rasinsky làm việc cho Microsoft với công việc phát triển thuật toán, sau đó cô sáng lập ra công ty SalesPredict cùng với các thành viên của Unit 8200.

Theo cô Radinsky, việc quản lý hiệu quả doanh nghiệp và các startup ngày nay không khác mấy so với những gì họ làm trong Unit 8200 khi khiến các nhân viên cảm thấy họ đang sống cùng gia đình hơn là trong một tổ chức phân cấp quyền lực.

Bản thân công ty SalesPredict cũng giữ tác phong làm việc như Unit 8200 khi các thành viên đều đang đánh bạc, “chiến thắng hoặc bị giết”.

Tất nhiên, việc phá sản khác rất nhiều so với một ai đó bị mất mạng do sai lầm của bản thân hay do nhóm thất bại. Tuy nhiên, nếu đã từng trải qua những thời khắc gay cấn, căng thẳng trong Unit 8200 thì việc chấp nhận thử thách để khởi nghiệp có vẻ không hề quá to tát.

(Còn tiếp)

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM