Ứng xử với tiền mật mã

14/02/2018 20:00 PM | Kinh doanh

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là kết quả của sự sáng tạo, vừa là điều kiện và môi trường thúc đẩy sự sáng tạo. Theo đó, mỗi chính phủ trong cuộc cách mạng 4.0 cần làm những gì tốt nhất để khuyến khích sự sáng tạo và hướng sự sáng tạo đó phục vụ lợi ích chung của xã hội, của dân tộc.

Bitcoin chính là sự sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ thông tin toàn cầu nên cách ứng xử thông minh nhất là nên chấp nhận Bitcoin và hướng nó vào phục vụ lợi ích của dân tộc, đồng thời tạo môi trường thể chế khuyến khích những sáng tạo tương tự, thậm chí hay hơn bitcoin của chính người Việt, đóng góp vào thành tựu cuộc cách mạng 4.0 toàn cầu.

Bitcoin - một trong hơn 100 loại tiền mật mã (cryptocurrency) phổ biến nhất trên thế giới hiện nay ra đời gần 10 năm trước dựa trên nền tảng công nghệ blockchain. Bitcoin có những đặc điểm thú vị và đột phá cả về công nghệ lẫn về tài chính.

Về bản chất, Bitcoin ít giống tiền giấy mà có thể so sánh tương tự như kim loại quý, như vàng, kim cương do đặc tính hữu hạn về lượng, ẩn danh về nguồn gốc, khó có thể can thiệp để thay đổi, tồn tại hoàn toàn trên môi trường mạng máy tính, có thể quy đổi ra tiền giấy, thậm chí rất nhiều tiền và được hàng triệu người trên thế giới công nhận, tìm kiếm và trao đổi...

Ứng xử với Bitcoin như thế nào?

Hiện, một số quốc gia tuyên bố không chấp nhận đồng Bitcoin như một công cụ thanh toán. Trong khi đó, một số quốc gia khác, dù không công nhận là công cụ thanh toán, nhưng lại tạo cho Bitcoin một sân chơi riêng bằng việc cho phép mở sàn giao dịch. Hiện trên thế giới đã xuất hiện các sàn cho phép giao dịch hợp đồng Bitcoin như CBOE và CME của Mỹ.

Một số quốc gia khác lại ứng xử với Bitcoin như một công cụ tài chính, cho phép phát triển sản phẩm phái sinh Bitcoin, bất chấp những chỉ trích từ một số quốc gia khác.

Bitcoin được gọi là một đồng tiền, thậm chí đồng tiền toàn cầu, đồng tiền của tương lai nhưng thực chất nó là tiền, là hàng hóa hay là công cụ đầu tư, công cụ đầu cơ, hay là công cụ lai ghép, thậm chí tổ hợp của tất cả?

Chỉ đến khi có câu trả lời rõ ràng và chính xác cho câu hỏi này thì chúng ta mới có thể xác lập cách thức ứng xử với bitcoin phù hợp.

Thế nhưng cho đến nay, mọi ý kiến, dù ủng hộ nhiệt tình hay phản đối gay gắt với Bitcoin đều không hoặc chưa khẳng định một cách thuyết phục được thực chất nó là đồng tiền hay là công cụ đầu cơ.

Bất chấp tất cả, biến động giá của Bitcoin đang tạo ra sự hấp dẫn quá lớn, kể từ khi ra đời, mỗi Bitcoin đã tăng giá cả triệu lần, biến hàng ngàn người đột nhiên trở thành triệu phú chỉ trong một thời gian ngắn và tạo ra một "nền kinh tế" Bitcoin trị giá hàng trăm tỷ USD chỉ sau một vài tháng, vượt mặt quy mô kinh tế của nhiều quốc gia và đẩy không ít siêu tập đoàn toàn cầu xuống "chiếu dưới" trên các bảng xếp hạng.

Nhân loại vừa chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ khi Bitcoin tăng giá mỗi ngày tới 2.000 USD vọt lên mức xấp xỉ 20.000 USD trước khi tụt xuống mốc 16.000 - 17.000 USD vào những ngày giữa tháng 12/2017, khiến cho có người mạnh dạn dự báo giá Bitcoin có thể lên đến 100.000 USD bất chấp các cảnh báo rủi ro đổ vỡ liên tiếp được đưa ra từ giới tài chính và nhà kinh tế.

Nếu là một đồng tiền thì chắc chắn lịch sử tiền tệ thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào biến động mạnh như Bitcoin. Và cũng chính vì vậy mà Bitcoin mang đặc điểm của sự đầu cơ tài chính hơn là của hoạt động kinh doanh tiền tệ hay của đầu tư tài chính thông thường.

Việc chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, tạo ra các sản phẩm tài chính liên quan đến Bitcoin lại càng như đổ thêm dầu vào ngọn lửa vốn đã bốc cao ngút của giá Bitcoin, sức hấp dẫn của Bitcoin dường như không cưỡng nổi, che mờ mọi nghi ngờ, rủi ro và lấn át những tiếng chuông cảnh tỉnh.

Giá Bitcoin tăng cao, giao dịch trên sàn ngày càng sôi động, các cỗ máy "đào" Bitcoin hoạt động hết công suất khi số lượng Bitcoin còn lại không nhiều nhưng thị trường lại thiếu sự minh bạch. Đến nay, không có thông báo công khai nào về số lượng giao dịch, phương thức giao dịch.

Ứng xử với tiền mật mã - Ảnh 1.

Công nghệ blockchain cho phép truy cập cùng lúc trên hệ thống mạng nhưng thông tin về cha đẻ của Bitcoin, quốc gia nào, người nào đang nắm giữ bao nhiêu Bitcoin, lực lượng nào can thiệp vào biến động giá Bitcoin,... đều chỉ dừng lại ở tin đồn nhiều hơn là những công bố chính thức khả tín. Chính đặc điểm phi quốc tịch, không thể chế kiểm soát, không ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm hay đổ vỡ của Bitcoin khiến cho việc công khai minh bạch trên thị trường Bitcoin gần như là không thể.

Thiếu công khai, minh bạch, thị trường Bitcoin đã đi ngược lại nguyên tắc phát triển kỹ thuật số, phát triển không gian mạng. Khách hàng mua Bitcoin, bỏ tiền thật ra thanh toán với chủ sở hữu sản phẩm này, nhưng toàn bộ giao dịch không được tổ chức nào kiểm soát.

Ngay cả nếu Bitcoin chỉ đơn thuần là một công cụ đầu tư tài chính chứ không phải đồng tiền thì vấn đề công khai minh bạch cũng phải được đặt lên hàng đầu và phải được kiểm soát bởi một định chế toàn cầu và tầm quốc gia để bảo vệ quyền, lợi ích và quy trách nhiệm của các bên tham gia.

Trong môi trường mạng, Bitcoin đứng trước nhiều rủi ro. Trường hợp các lỗ hổng về công nghệ gây mất tiền Bitcoin, ai sẽ chịu trách nhiệm? Sẽ không có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm về điều này. Như vậy, Bitcoin là đồng tiền vừa phi quốc tịch vừa vô trách nhiệm, hoàn toàn trông cậy vào công nghệ blockchain với những rủi ro tiềm ẩn...

Bitcoin là đồng tiền toàn cầu?

Bitcoin là một hiện tượng hoàn toàn mới, ẩn chứa khả năng trở thành một đồng tiền toàn cầu, một đồng tiền không quốc tịch, đồng tiền của tương lai hay chỉ là con quái vật sẽ tiêu diệt hàng triệu nhà đầu tư đã trót say mê và hiến mình cho nó?

Về bản chất, cũng như tiền giấy, Bitcoin không có giá trị, nó là biểu hiện của giá trị. Do biến động giá quá mạnh nên Bitcoin chưa thể là thước đo giá trị như chức năng đầu tiên của một đồng tiền cần phải có. Chức năng phương tiện tích lũy, cất trữ của Bitcoin cũng mới sơ khai khi người ta mới nhìn nó như công cụ đầu tư hay đầu cơ ngắn hạn nhằm tìm kiếm lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn.

Tương tự, chức năng thanh toán của Bitcoin mới thực hiện trong phạm vi hẹp với những trường hợp đơn lẻ mang tính thử nghiệm, thậm chí nhằm mục tiêu quảng bá là chủ yếu, chưa kể sự lo ngại không phải quá đáng của hầu hết các Chính phủ về khả năng Bitcoin trở thành phương tiện của thế giới ngầm trên quy mô toàn cầu.

Với mức độ biến động giá hiện tại thì ngay cả khi thị trường chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin cũng chưa chắc có nhiều người sẵn sàng sử dụng Bitcoin để thanh toán. Đến nay, giá trị của Bitcoin vẫn được thể hiện thông qua quy đổi ra USD chứ không phải ngược lại. Rõ ràng Bitcoin đang đóng vai trò một công cụ đầu cơ tài chính toàn cầu chứ không phải là một đồng tiền toàn cầu.

Trong xu thế toàn cầu hóa, tiếp theo sau thương mại toàn cầu, tài chính toàn cầu và kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ là đồng tiền toàn cầu được quản lý điều hành bởi một thể chế toàn cầu. Liệu Bitcoin có đóng vai trò đồng tiền toàn cầu đó hay ít nhất là tiền đề cho toàn cầu hóa tiền tệ hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Warren Buffett kiên quyết nói Warren Buffett kiên quyết nói "không" với bitcoin LÊ DUY

Singapore đã nhìn nhận đồng Bitcoin như một cơ hội để thu được nhiều thuế hơn từ năm 2014. Cơ quan Thuế Singapore (IRAS) cũng chính thức công nhận Bitcoin là một loại tiền có thể dùng để nộp thuế cho chính phủ.

Để thuận lợi trong việc sử dụng Bitcoin trong lĩnh vực thuế, IRAS cũng đã đề ra một số phương cách để thu thuế và hướng dẫn về cách xử lý thuế đối với các giao dịch bằng cách sử dụng Bitcoin. Từ đó đến nay, Chính phủ Singapore chủ động hoạch định thêm các chính sách mới nhằm quản lý giao dịch liên quan tới Bitcoin đồng thời thu được lợi ích từ việc sử dụng và trao đổi Bitcoin.

Một điều kiện quan trọng khi thu thuế bằng Bitcoin là nhà nước phải kiểm soát được nguồn gốc của tiền nộp thuế. Tại Singapore cũng như các nước tiên tiến khác, nguồn gốc tiền luôn được kiểm soát chặt chẽ. Người có tiền phải chứng minh được nguồn gốc của tiền, không phải cứ có tiền bất kể nguồn gốc là có thể mang nộp cho các cơ quan thuế.

Vì vậy, chấp nhận thanh toán thuế bằng Bitcoin chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ một quốc gia có thể đạt được lợi ích thông qua chấp nhận Bitcoin như một xu thế tất yếu của sự phát triển công nghệ và tài chính tiền tệ.

Trong bối cảnh chưa có thể chế toàn cầu quản lý và điều tiết thị trường tiền tệ toàn cầu dạng như Bitcoin thì mỗi quốc gia có quyền lựa chọn phương thức ứng xử với bitcoin và những người "anh em" của nó nhằm tối đa hóa lợi ích đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro có thể xảy ra.

Việc một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, chính thức cấm thanh toán bằng Bitcoin là thực sự không cần thiết khi bản chất, vai trò và tương lai của nó vẫn chưa được nhận biết đầy đủ và trọn vẹn.

Trước mắt, Chính phủ cũng như các nhà đầu tư và người dân nên ứng xử với Bitcoin như với một công cụ đầu tư hay đầu cơ trong danh mục đầu tư tài chính của mình với toàn bộ lợi ích lẫn rủi ro trong khả năng sẵn sàng chấp nhận. Theo đó giao dịch bằng Bitcoin được quản lý tương tự đối với các công cụ đầu tư khác trên thị trường.

Mặc dù nguyên tắc thanh toán của Việt Nam nêu rất rõ là trên đất Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam song trong thực tế luôn có những ngoại lệ mà thanh toán bằng Bitcoin có thể là một ngoại lệ như thế với điều kiện các bên tham gia thanh toán phải chịu hoàn toàn rủi ro phát sinh đồng thời tuân thủ các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước tương tự như đối với mọi giao dịch và thanh toán bằng VND hay ngoại tệ khác.

Thông qua đó, cơ quan chức năng có điều kiện theo dõi, giám sát, quản lý sự vận động của Bitcoin trên thị trường trong nước và quốc tế, dự báo xu thế phát triển để kịp thời có biện pháp tận dụng ưu thế của Bitcoin ngay cả khi nó trở thành một đồng tiền toàn cầu, đồng thời cảnh báo và ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ, giảm nhẹ thiệt hại với phương châm đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Nếu cấm triệt để sẽ dễ dẫn đến tình trạng không kiểm soát được mặc dù nó vẫn tồn tại trong thực tế, và không biết làm thế nào để kiểm soát nếu muốn.

Kinh nghiệm của Singapore rất đáng để tham khảo và đã có đại biểu đề nghị cho phép thu thuế bằng đồng Bitcoin. Chúng ta có thể xem xét điều chỉnh Luật Quản lý thuế và hệ thống thuế hiện hành nhằm áp dụng những bài học tốt của các nước không chỉ về thu thuế liên quan đến Bitcoin mà còn những công cụ tài chính tiền tệ mới đã, đang và sẽ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô và phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn, với tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp.

Theo TS. VŨ ĐÌNH ÁNH

Cùng chuyên mục
XEM