Ứng dụng công nghệ vào bất động sản: Thay đổi hay là chết?

01/11/2019 09:55 AM | Kinh doanh

Hiện nay, có nhiều phần mềm công nghệ để doanh nghiệp ứng dụng nhưng quan trọng nhất là sử dụng nó như thế nào cho hiệu quả. Con người, cách thức sử dụng và hệ thống kiểm soát mới là quan trọng. Nếu doanh nghiệp BĐS quan tâm đến quản lý BĐS bằng công nghệ thì sẽ gia tăng giá trị cho dự án, tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty SAVISTA tại chương trình tọa đàm: “Ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị BĐS trong quản lý và khai thác” do Savista phối hợp với FBNC tổ chức mới đây tại Tp.HCM.


Thách thức công nghệ số: Thay đổi hay là chết?

Theo các chuyên gia, không nằm ngoài xu hướng ứng dụng công nghệ vào BĐS của toàn cầu, tại Việt Nam đang chứng kiến các giải pháp công nghệ được áp dụng vào nhiều khía cạnh của thị trường BĐS. Với làn sóng đó, doanh nghiệp chọn thay đổi hay chết do tụt hậu là câu chuyện cần được quan tâm ở giai đoạn này.

Các chuyên gia trong chương trình cũng phân tích: khi công nghệ trong BĐS đang ngày càng được chú trọng và đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp, dự án trên thị trường.

Ứng dụng công nghệ vào bất động sản: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty SAVISTA, công nghệ đang ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao giá trị BĐS trong một dự án và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM cho rằng, trong bối cảnh thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn thì chiến lược gia tăng giá trị BĐS cần được các doanh nghiệp chú trọng. Trong đó, vấn đề quản lý dự án sau khi đưa vào khai thác và vận hành là yếu tố quan trọng. Tuy vậy, so với các đơn vị nước ngoài, ở lĩnh vực này Việt Nam chưa cạnh tranh lại. Nếu nói quản lý và khai thác BĐS thì doanh nghiệp nước ngoài đang thống lĩnh thị trường.

“Doanh nghiệp BĐS trong nước đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này. Bản thân về phía Nhà nước, hiệp hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia vào khâu khai thác và vận hành BĐS. Điều gì là cần thiết ở khâu này? Rõ ràng công nghệ đã bắt đầu trở thành yếu tố không thể thiếu trong câu chuyện quản lý và khai thác BĐS. Con người đang được phục vụ bởi công nghệ và điều này là yếu tố quyết định đến giá trị bền vững của dự án cũng như tăng trưởng của một doanh nghiệp”, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Sử Ngọc Khương, Nguyên Giám đốc Tư vấn đầu tư công ty Savills Việt Nam cho biết, công nghệ ứng dụng vào BĐS đã thâm nhập khá lâu (ở mức độ cơ bản) tại các nước tiên tiến trên thế giới. Chẳng hạn, các nhà quản lý nước ngoài tham gia, cung cấp thông tin nhanh nhất đến người sử dụng tòa nhà. Đến nay làn sóng công nghệ ngày càng mạnh mẽ, bài toán đặt ra cho thị trường BĐS cần phải thay đổi để thích nghi nếu không muốn tụt hậu lại.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty SAVISTA nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ vào BĐS không chỉ gia tăng giá trị tài sản theo thời gian mà còn tiết kiệm được nguồn nhân lực và đảm bảo sự an toàn. Trước bối cảnh thị trường BĐS nhiều biến động thì việc cạnh tranh bằng công nghệ sẽ tạo ra giá trị bền vững nhất của một dự án theo thời gian. Tuy vậy, điều quan trọng nhất trong việc ứng dụng công nghệ vào BĐS là phải có quy trình, hệ thống để kiểm soát.

“Hiện nay có khá nhiều công cụ công nghệ để doanh nghiệp BĐS ứng dụng, thậm chí có doanh nghiệp sở hữu được các công nghệ hoàn hảo nhất nhưng điều quan trọng là sử dụng nó như thế nào để phù hợp với doanh nghiệp của mình. Con người, cách thức sử dụng và hệ thống kiểm soát mới là quan trọng”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nói về doanh nghiệp của mình, ông Dũng cho biết, với hơn 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý và khai thác BĐS, doanh nghiệp xác định ứng dụng công nghệ là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao tính cạnh tranh và mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất cho khách hàng. Giải pháp công nghệ quản lý BĐS PMSS và ứng dụng kết nối Salink, hiện đang được triển khai tại hơn 40 dự án đang quản lý và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ quý cư dân, chủ đầu tư.

Nhấn mạnh về vai trò của công nghệ trong quản lý và vận hành BĐS, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Anh Đức, Chuyên gia Kiến trúc & Quy hoạch cho rằng, công nghệ giúp tiết kiệm được nhân lực, hiệu quả được quy trình, quản lý được nguy cơ về an toàn…từ đó, hình thành nên giá trị vô hình cho dự án BĐS, đó là thanh khoản tốt và niềm tin của khách hàng vào dự án được gia tăng theo thời gian.


Liệu có cạnh tranh lại các đơn vị nước ngoài?

Theo các chuyên gia, thực tế công nghệ ứng dụng vào thị trường BĐS Việt Nam đang ở giai đoạn sơ khai. Trong khi hiện thị trường đang trên đà tăng trưởng khi có sự tham gia của các thương hiệu lớn nước ngoài như Savills, CBRE, JLL….

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, rõ ràng công nghệ ứng dụng vào BĐS là rất quan trọng, nhất là ở khâu quản lý -vận hành. Tuy nhiên sử dụng như thế nào vừa tiết kiệm chi phí, vừa phục vụ tối đa hiệu quả của ứng dụng thì bản thân các doanh nghiệp trong nước phải tiên phong trong câu chuyện này. Doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào việc ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị BĐS thì phải xác định đứng vững được, không lệ thuộc và lép vế trước các đơn vị nước ngoài.

“Mình có những lợi thế riêng, cần phát huy lợi thế đó, tìm giải pháp để cạnh tranh lại các đơn vị nước ngoài”, ông Châu nhấn mạnh.

Ứng dụng công nghệ vào bất động sản: Thay đổi hay là chết? - Ảnh 2.

Mà ở đó những ứng dụng công nghệ đang giúp CĐT, cư dân tiết kiệm được thời gian, chi phí

Còn theo ông Sử Ngọc khương, các Tập đoàn nước ngoài họ sẽ dùng giải pháp phù hợp với tính cách mỗi địa phương. Có một điều là sản phẩm nhà của Việt Nam, đặc biệt là căn hộ chưa thực sự là ngôi nhà thông minh. Chính vì thế khi áp dụng công nghệ vào quản lý thì chưa thể đáp ứng được một cách tối ưu. Đây cũng là lĩnh vực mà áp dụng chậm nhất. Muốn thay đổi điều này thì phải thay đổi từ cách làm, đến quy trình, giải pháp thì mới đủ sức cạnh tranh lại với các đơn vị nước ngoài.

“Ở Việt Nam, một căn hộ có giá 5-10 ngàn đô so với căn hộ 3 ngàn đô chỉ khác nhau ở vị trí và vật liệu nội thất chứ về giá trị công nghệ trong ngôi nhà không khác nhau nhiều. Điều này tạo khó khăn trong việc liên kết ngôi nhà với đơn vị quản lý. Chính vì cơ sở hạ tầng thiếu nên các đơn vị nước ngoài cũng không thể mang hết cộng nghệ của họ qua đây để ứng dụng được”, ông Khương nhấn mạnh.

Còn đứng ở vị trí doanh nghiệp trong nước cung cấp giải pháp công nghệ, ông Dũng cho rằng: Khi đưa ra một giải pháp công nghệ (bao gồm con người + công cụ) thì điều cần làm là không quá phụ thuộc vào từng cá nhân con người. Bởi trước sự biến động của nhân sự trong tổ chức, quá phụ thuộc vào con người sẽ khiến giải pháp bị ảnh hưởng.

“Xây dựng hệ thống chuẩn mực, không quá phụ thuộc vào từng cá nhân sẽ hạn chế được nhiều mâu thuẫn xảy ra ở các tòa nhà. Đó cũng là một trong các doanh nghiệp trong nước nâng cao giá trị của các dự án quản lý, có chỗ đứng trên thị trường và từng bước cạnh tranh với các đơn vị nước ngoài”, ông Dũng nhấn mạnh.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM