Ùn tắc kinh hoàng ở sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh quyết định chi 40.000 tỷ xây hầm chui, cầu vượt

04/01/2017 11:48 AM | Xã hội

Trong năm 2017 tới, thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ chi tới số tiền gần 40.000 tỷ để đổ vào 80 dự án cơ sở hạ tầng giao thông trên khắp thành phố, với kỳ vọng ùn tắc sẽ được giảm bớt

Ngày 30/12 vừa qua, khi ngày làm việc cuối cùng của năm 2016 khép lại và người dân hối hả trở về nhà, về quê, tình trạng tắc đường trầm trọng đã xảy ra trên một diện tích lớn của thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là ở khu vực các tuyến đường gần sân bay Tân Sơn Nhất.

Vụ kẹt xe này là một trong số những ví dụ về vấn nạn kẹt xe nghiêm trọng mà thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt từ nhiều năm qua. Trước tình hình đó, trong năm 2017 này, Thành phố đã dự kiến sẽ chi một số tiền lớn để cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, qua đó kỳ vọng tình hình kẹt xe sẽ được giảm bớt.

Theo đó, số tiền được đầu tư sẽ lên đến 39.263 tỉ đồng, được đổ vào khoảng 80 dự án giao thông bao gồm có:

1. Ở khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, điểm nóng về kẹt xe trong thời gian vừa qua, một loạt dự án theo diện “khẩn cấp” sẽ được xây dựng.

Trong đó, đáng chú ý nhất là 2 dự án cầu vượt tại nút giao thông đường Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình) và tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp). Sau khi 2 dự án này được hoàn thành, một hầm chui qua đường Trường Sơn theo hướng từ cửa ra nhà ga quốc nội đi sang đường Hồng Hà dự kiến cũng sẽ được xây dựng sau đó.

Khi cả cầu vượt và hầm chui đều đã hoàn thành, dòng xe đi vào sân bay sẽ đi lên cầu vượt, không còn xung đột ở nút giao Trường Sơn – Hồng Hà. Đồng thời với đó, dòng xe đi từ sân bay ra sẽ đi theo hầm chui và cũng sẽ không đụng phải dòng xe đi phía trên nên nhìn chung, ùn tắc ở nút giao này sẽ được giảm đáng kể.

2. Ở khu trung tâm, có hai dự án khác sẽ được gấp rút xây dựng trong năm 2017 là dự án 2 nhánh cầu Nguyễn Văn Cừ và 3 nhánh cầu Nguyễn Tri Phương cũng. Hai dự án này sẽ giúp giải tỏa kẹt xe ở điểm giao giữa đường Trần Hưng Đạo, quận 1 với đầu cầu Nguyễn Văn Cừ và Nguyễn Tri Phương để sang khu phía Nam của thành phố.

3. Ở nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp, nhiều cầu vượt thép dạng chữ Y nhánh Nguyễn Thái Sơn - Hoàng Minh Giám và Hoàng Minh Giám - Nguyễn Kiệm cũng dự kiến được xây mới.

Khi hoàn thành, lượng xe sẽ được phân bổ bớt lên cầu vượt để vượt qua vòng xoay nên sẽ sẽ không còn gặp nhau ở một điểm như hiện nay. Vì thế, ùn tắc ở nút giao này cũng sẽ được giảm bớt.

4. Ở khu vực cảng Cát Lái, một điểm nóng kẹt xe khác, dự án cầu vượt và hầm chui ở vòng xoay Mỹ Thủy đang bước vào giai đoạn xây cầu vượt và hầm chui, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018.

Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ tách được các dòng xe đi từ xa lộ Hà Nội vào cảng Cát Lái với dòng xe đi từ cầu Phú Mỹ và cảng Cát Lái ra đường vành đai 2. Khi đó, các dòng xe không còn phải xếp hàng chờ đợi để đi qua vòng xoay Mỹ Thủy như hiện nay, qua đó giảm bớt ùn tắc.

5. Cuối cùng, ở cửa ngõ khu vực phía Tây Bắc thành phố - nơi cũng thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe, thành phố cũng sẽ xây dựng hầm chui ở nút giao An Sương, điểm giao cắt giữa hai trục đường xuyên tâm quan trọng là đường Xuyên Á (quốc lộ 22) với đường Trường Chinh và đường vành đai 2 (quốc lộ 1A).

Vào giờ cao điểm khu vực này thường bị tắc nghẽn do có nhiều xe từ nội thành đổ ra các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, quận 12. Do vậy, việc xây dựng một hầm chui theo hướng đường Trường Chinh – quốc lộ 22 sẽ phân luồng dòng xe đi dưới hầm sẽ giúp giảm ùn tắc ở phía trên.

Ngoài ra, có một số dự án khác làm theo hình thức BOT cũng đang được triển khai với kỳ vọng sẽ giảm trừ nạn ùn tắc, mang đến hình ảnh một thành phố văn minh hơn như dự án ở nút giao ngã 5 Đài liệt sĩ, quận Bình Thạnh (giải tỏa ùn tắc ở khu vực bến xe miền Đông) hay nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7...

Chiến Thắng

Cùng chuyên mục
XEM