UBPL đề nghị Chính phủ làm rõ khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư của đặc khu kinh tế

10/11/2017 15:04 PM | Xã hội

Trong phiên làm việc ngày hôm nay, Ủy ban pháp luật trình lên Quốc hội Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo Tờ trình số 411/TTr-CP của Chính phủ.

Theo đó UBPL tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với những lý do như được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhận thấy việc xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về "xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị" , đồng thời, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

UBPL cho rằng, để tạo lập mô hình phát triển mới có tính đột phá cho các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) bảo đảm khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế thì Luật này có thể quy định những cơ chế, chính sách vượt trội, khác với các luật hiện hành, tuy nhiên, phải bảo đảm trong khuôn khổ Hiến pháp, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân tại đơn vị HCKTĐB.

Bên cạnh đó, UBPL đề nghị Chính phủ làm rõ hơn một số nội dung sau đây:

Một là, các mô hình khu kinh tế (KKT) hiện nay ở nước ta được hưởng nhiều ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai…, tuy nhiên, tính hiệu quả của các chính sách ưu đãi và sự đáp ứng các mục tiêu, kỳ vọng đặt ra khi thành lập các KKT này còn nhiều hạn chế. Trong khu vực và trên thế giới, các đặc khu kinh tế cũng đã được thành lập ở nhiều quốc gia với quy mô, mức độ thành công khác nhau. 

Do đó, UBPL đề nghị đánh giá một cách tổng thể, kỹ lưỡng hơn về các chính sách áp dụng tại các mô hình KKT trong những năm qua, từ đó làm rõ hơn cơ sở thực tiễn của việc quy định các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho các đơn vị HCKTĐB; đồng thời, đánh giá khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư của các đơn vị HCKTĐB so với các đặc khu kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Hai là, việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng các đặc khu kinh tế ở nhiều nước cho thấy một trong những yếu tố quyết định sự thành công của các đặc khu là có sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

 Trong điều kiện ngân sách hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về khả năng hỗ trợ của Trung ương đối với các đơn vị HCKTĐB để bảo đảm sự thành công của mô hình này. Bên cạnh đó, cần đánh giá về khả năng tham gia của các nhà đầu tư chiến lược cũng như khả năng tự huy động tài chính của đơn vị HCKTĐB trong các giai đoạn tiếp theo để có lộ trình giảm dần mức hỗ trợ của ngân sách trung ương cho các đơn vị này.

Ba là, các địa bàn dự kiến thành lập 3 đơn vị HCKTĐB đều là những nơi có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Do đó, UBPL cũng đề nghị Chính phủ làm rõ vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và tác động của tình hình an ninh chính trị trong khu vực đến sự phát triển ổn định của các đơn vị này. Bên cạnh đó, việc phát triển đơn vị HCKTĐB dự kiến sẽ gắn với các dự án quy mô lớn, vì vậy cần đánh giá về tác động đối với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, đặc biệt là tài nguyên biển đảo và rừng phòng hộ ở các khu vực này.

Bốn là, để thu hút đầu tư vào các đơn vị HCKTĐB, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. UBPL tán thành và cho rằng đây là điều kiện cần thiết để phát triển các đơn vị HCKTĐB. Đồng thời với việc này, cũng cần quan tâm thỏa đáng tới các chính sách an sinh xã hội nhằm bảo đảm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương. 

Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ hơn về những tác động xã hội đối với cư dân địa phương, làm rõ lợi ích của những cơ chế, chính sách dự kiến áp dụng đối với việc từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân ở các khu vực này, giải pháp để khắc phục, giảm thiểu các tác động bất lợi (nếu có).

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM