Uber bị điều tra vì nghi ngờ hối lộ tại Châu Á

21/09/2017 14:20 PM | Xã hội

Hãng Uber đang bị các quan chức thanh tra Mỹ nhắm đến với nghi ngờ hãng này đã hối lộ khi hoạt động kinh doanh ở Châu Á.

Trong khi các cơ quan hành pháp đang tiền hành thẩm tra thì Uber đã làm việc với hãng luật O’Welveny & Myers để kiểm tra lại lịch sử thanh toán cũng như tra hỏi các nhân viên.

Các công tố viên đang tập trung vào điều tra tại 5 thị trường Châu Á chính là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Hàn Quốc. Theo nguồn tin của hãng tin Bloomberg, hãng luật mà Uber thuê đang rà soát lại những bản thỏa thuận tài chính liên quan đến các quan chức của Malaysia.

Hãng Uber cho biết họ đang hợp tác với cơ quan điều tra nhưng từ chối trả lời thêm. Vào cuối năm 2016, Uber được cho là đã trả một khoản phí cho các cảnh sát Indonesia nhằm duy trì một văn phòng nằm ngoài khu vực được phép kinh doanh. Khoản phí này sau đó đã được hợp thức hóa thành chi phí và được Uber Indonesia thông qua.

Ngay sau vụ việc trên, Uber đã sa thải các nhân viên tại văn phòng này trong khi giám đốc Uber Indonesia đã xin nghỉ nhiều ngày và có khả năng đã xin thôi việc ở công ty.

Theo hãng tin Bloomberg, Uber đã không thông báo tình hình trên với các cơ quan chức năng tại Mỹ và chỉ đến khi văn phòng công tố thẩm tra thì thông tin trên mới bị bại lộ.

Cũng theo nguồn tin của Bloomberg, Uber đã quyên góp hàng chục nghìn USD cho quỹ MaGIC từ tháng 8/2016, chuyên đầu tư cho các startup và được thành lập bởi chính phủ. Điều trùng hợp là những khoản quyên góp này diễn ra khi quỹ hưu trí Malaysia đồng ý đầu tư 30 triệu USD vào mảng dịch vụ chia sẻ taxi. Chưa đến 1 năm sau đó, chính phủ Malaysia thông qua quy định mới trong mảng kinh doanh chia sẻ với những lợi ích cho Uber và Grab.

Điều khả nghi là khi Uber tuyên bố hợp tác với MaGIC, không có khoản kinh phí hay quyên góp nào được nhắc tới và các quan chức Mỹ đang điều tra liệu hãng này có dùng những khoản tiền này để nhận được sự ưu ái từ chính phủ hay không.

Ngoài ra, các vụ cáo buộc hối lộ ở Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đang vào tầm ngắm của các cơ quan điều tra Mỹ.

Tại Ấn Độ, Uber cũng gặp rắc rối khi một phụ nữ kiện lái xe của hãng về tội cưỡng bức vào cuối năm 2014. Vị tài xế này đã bị bắt và bỏ tù vào năm 2015. Điều đáng nói ở đây là hồ sơ y tế gốc của nạn nhân đã bị giám đốc Uber tại Châu Á Thái Bình Dương, ông Eric Alexander lấy được cũng như lưu giữ nhiều tháng để xem xét vụ kiện trên có phải mánh lới của các hãng taxi đối thủ hay không. Tuy nhiên, động thái này lại vi phạm quy định về quyền riêng tư và ông Alexander đã bị sa thải sau đó.

Ở Singapore, tờ Wall Street Journal cho biết nhiều tài xế đã đăng ký với Uber nhưng lại cho thuê xe để kiếm lời thay vì tự lái. Hãng Uber không quan tâm đến điều này cho đến khi 1 trong những chiếc xe taxi chạy Uber bốc cháy, qua đó khiến các cơ quan điều tra vào cuộc vì nghi ngờ hãng này vi phạm luật an toàn giao thông.

Vào tháng 6 vừa qua, Đài Loan cũng đã yêu cầu Uber trả khoản thuế và lệ phí phạt trị giá 34 triệu USD cho những hoạt động trái phép trước đó khi quy định về chia sẻ taxi chưa được ban hành.

Tại Hong Kong, Uber cũng phải đau đầu khi giấy phép lái xe taxi quá đắt đỏ, khiến nhiều lái xe Uber phải hành nghề không phép và bị bắt bởi trong các chiến dịch truy quét ngầm của cảnh sát.

AB

Cùng chuyên mục
XEM