Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận

14/02/2019 13:36 PM | Bất động sản

Các dự án tâm linh do doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường của tỷ phú Xuân Trường làm chủ đầu tư đã, đang và có kế hoạch xây dựng đều có số vốn đầu tư rất lớn dao động từ 10.000 - 15.000 tỷ đồng, chiếm diện tích đất mỗi dự án hàng nghìn héc-ta (ha).

Hơn 10 năm trước ngôi chùa với nhiều cái nhất được xây dựng trên đất Ninh Bình – chùa Bái Đính nằm trong quần thể khu du lịch Tràng An – Bái Đính, ngôi chùa rộng nhất Việt Nam quy mô 539ha, có chuông lớn nhất Việt Nam 36 tấn, tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, có hành lang La Hán 3km dài nhất châu Á…

 Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận  - Ảnh 1.

Chùa Bái Đính

Chủ đầu tư của quần thể dự án tâm linh hàng chục nghìn tỷ này là doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường mà ông chủ là doanh nhân sinh năm 1964 Nguyễn Văn Trường, ông còn sở hữu nhiều công ty khác ở Ninh Bình nên người dân thường gọi là đại gia Xuân Trường (nay là tỷ phú Xuân Trường).

 Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận  - Ảnh 2.

Năm 2010, chùa Bái Đính còn là nơi tổ chức Đại lễ đón xá lợi Phật đầu tiên từ Ấn Độ về Việt Nam, năm 2014 thì được công nhận là di tích quốc gia, là một trong những nơi thu hút đông đảo khách du lịch, đón hàng trăm nghìn lượt khách mỗi dịp Tết đến xuân về.

Từ đó, tỷ phú Xuân Trường dần được biết đến nhiều hơn, ông nổi tiếng với câu nói: "Đại gia thì cũng chỉ ăn được 3 bữa cơm một ngày thôi, cái khác biệt là họ sẽ để lại cái gì cho đời. Và cái để lại đó, nếu nó thực sự đáng quý, thì cũng chẳng cần khoa trương, nó vẫn quý".

Những dự án tâm linh quy mô hàng nghìn héc-ta đất làm "dậy sóng" dư luận

Trong khi quần thể Bái Đính – Tràng An vẫn đều đặn hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, là nơi chủ lực làm tăng lượng khách du lịch của Ninh Bình từ 2,4 triệu lượt vào năm 2007 lên 7,4 triệu lượt năm 2018 góp phần đem lại doanh thu 3.200 tỷ cho tỉnh này thì tỷ phú Xuân Trường tiếp tục âm thầm quy hoạch, xây dựng nhiều dự án tâm linh hàng chục nghìn tỷ, chiếm diện tích đất hàng nghìn héc-ta khác. Đáng chú ý là dự án Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Cái Tráp (Hải Phòng) và mới đây là đề xuất là Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội).

Khu tâm linh Tam Chúc – Ba Sao (5.100ha) - 11.000 tỷ đồng

 Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận  - Ảnh 3.

Phối cảnh dự án Tam Chúc - Ba Sao

Ít ngày gần đây, thông tin về việc xây dựng cũng như khánh thành giai đoạn 1 và là nơi đăng cai tổ chức Đại lễ Veskas 2019 (Đại hội Phật giáo thế giới) tổ chức vào tháng 5/2019 của khu Tam Chúc – Ba Sao làm xôn xao dư luận.

Theo giới thiệu của doanh nghiệp Xuân Trường, khu dự án tâm linh này có tổng diện tích lên tới 5.100ha (bằng kích thước của gần 300 sân vận động quốc gia Mỹ Đình cộng lại).

Mới đây, tờ Thời báo Doanh nhân có bài viết về dự án cho rằng, những ngày gần đây về Hà Nam người dân lại rộ lên nỗi lo lắng khi doanh nghiệp này đang triển khai xây dựng hai cổng chốt chặn hai đầu dự án, một đầu ở Hà Nam, một đầu giáp Hà Nội, kiểm soát toàn bộ người ra vào khu vực 5.100ha.

 Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận  - Ảnh 4.

Chốt chặn đang được doanh nghiệp xây dựng tại dự án Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao. Ảnh: Thời báo Doanh nhân

Còn tại Quyết định số Số: 526/QĐ-TTg ngày 15/05/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đến 2030 nêu rõ "Khu vực quy hoạch phát triển Khu DLQG Tam Chúc thuộc địa phận thị trấn Ba Sao và 03 thôn: Vồng, Khuyến Công và Khả Phong thuộc xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Diện tích vùng lõi ưu tiên tập trung phát triển Khu DLQG Tam Chúc là 4.000 ha.

Các chỉ tiêu quy hoạch cũng được xác định rõ, đến năm 2025 đón khoảng 3.700 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 470 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 6.000 ngàn lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 750 nghìn lượt; năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 2.400 lao động, trong đó có khoảng 900 lao động trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 4.500 lao động, trong đó có khoảng 1.800 lao động trực tiếp.

Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành), năm 2025 đạt khoảng 1.100 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 1.700 tỷ đồng.

Tổng thể khu Tam Chúc được chia thành 6 khu chức năng, gồm:

Khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp bờ Bắc hồ Tam Chúc): Là nơi đón tiếp và cung cấp thông tin hướng dẫn cho khách du lịch về dịch vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, thưởng thức ẩm thực; tham quan, tham gia các hoạt động biểu diễn văn hóa văn nghệ, hội chợ, hoạt động vui chơi giải trí hiện đại.

Khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (chân núi Thất Tinh và Thung Vạc): Tham quan, hành hương, thực hành tín ngưỡng và chiêm bái các công trình tôn giáo; tham quan Bảo tàng văn hóa truyền thống vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; tìm hiểu về đạo Phật; tổ chức sự kiện văn hóa văn nghệ, tổ chức các khóa học về Phật học ngắn hạn.

Khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc (Phía Tây giáp Hà Nội, phía Bắc giáp tỉnh lộ 74 đi chùa Hương và phía Nam là dãy núi Thất Tinh): Tham quan nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên và động thực vật đặc hữu; tham quan hồ Tam Chúc, các công trình tôn giáo; tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, tham dự các lễ hội, các hoạt động thể thao rèn luyện sức khỏe.

Khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc (phía Tây Nam của hồ Tam Chúc): Nghỉ dưỡng cuối tuần, điều dưỡng dài ngày phục hồi thể lực, tham gia các liệu trình chăm sóc sức khỏe đặc biệt, tìm hiểu đời sống, phong tục tập quán của cư dân địa phương, nghỉ dưỡng và sinh hoạt cộng đồng (homestay).

Khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang: Tổ chức các giải thi đấu thể thao quốc gia và khu vực; tổ chức hội nghị hội thảo; nghỉ dưỡng, chơi golf, tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời.

Trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch (tại Thị trấn Ba Sao): Cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng quy mô nhỏ xen kẽ trong khu dân cư và các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp.

Khu du lịch tâm linh Hương Sơn 1.000ha – 15.000 tỷ đồng

Đây cũng là dự án được doanh nghiệp xây dựng Xuân Trương đề xuất đầu tư tại Mỹ Đức (Hà Nội) mới đây, cũng khiến dư luận "dậy sóng".

Đơn vị này đề xuất quy mô khoảng 1000ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình, phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam), tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

 Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận  - Ảnh 5.

Lý do xây đề xuất đầu tư xây dựng dự án được ông Nguyễn Văn Trường đưa ra là bởi chùa Tam Chúc nằm sát với chùa Hương (Hà Nội), chính vì vậy doanh nghiệp muốn xây dựng Khu du lịch tâm linh Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội ở giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương, với diện tích 1000 ha gồm núi đá có cây và đầm lầy. Nếu được chấp thuận doanh nghiệp cam kết sẽ rót 15.000 tỷ đồng để xây dựng.

Liên quan đến việc đề xuất đầu tư dự án nghìn tỷ này của Xuấn Trường, nhiều quan điểm của giới chuyên gia, người dân, chính quyền địa phương đều quan ngại về tính khả thi và nên cẩn trọng.

Trả lời trên báo Lao động ngày 17/12/2018, Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho rằng cũng đã có một tập đoàn khác theo đuổi dự án về chùa Hương gần 10 năm nay, việc dự án chồng dự án như thế này rất lo ngại và hiện vẫn chờ quyết định của các cấp. Còn GS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), nhấn mạnh chùa Hương là một di sản văn hóa lâu đời của người Việt, gắn liền với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ nên việc can thiệp vào Di sản phải hết sức cân nhắc, bắt buộc phải đảm bảo yếu tố hàng đầu là tôn trọng nguyên trạng của di sản.

 Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận  - Ảnh 6.

Trả lời trên tờ Thời báo Doanh nhân mới đây, một số người dân khu Hương Sơn cũng tỏ rõ sự bức xúc, bất bình. Ông Trịnh Văn Giáo, Cơ sở Xóm 11, Đục Khuê, cho rằng người dân nơi đây không muốn Xuân Trường thực hiện dự án có liên quan đến khu vực chùa Hương. Người dân sống nhiều đời ở Hương Sơn lo sợ sẽ chạm vào long mạch khu vực chùa Hương linh thiêng khi có thông tin đào kênh nối suối Yến với khu Ba Sao. Còn ông Trịnh Xuân Hinh, người dân địa phương thì cho rằng dự án Xuân Trường thực hiện ở quanh khu vực Hương Sơn không những không tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương, mà là tạo việc làm cho người Xuân Trường, thậm chí còn là thảm họa nếu xây thêm các trạm thu phí.

Sau những ồn ào, tỷ phú Xuân Trường cũng đã đăng đàn: Trả lời báo VietNamnet, ông Nguyễn Văn Trường cho biết: "Dự án mà chúng tôi đề xuất chỉ nằm ở phần rìa của chùa Hương (xã Hương Sơn) - cách chùa Hương khoảng 7km chứ không phải đầu tư xây dựng vào đất tôn giáo. Khu du lịch tâm linh này nằm giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương là điểm kết nối quan trọng cố đô Hoa Lư với các danh thắng khác".

Với phát biểu này, báo Công Lý mới đây có bài viết cho rằng ông Trường đã "lái" dư luận hiểu rằng dự án không ảnh hưởng gì đến chùa Hương mà quên rằng, quần thể Hương Sơn được công nhận di tích quốc gia đặc biệt không những gồm có chùa Hương mà còn có nhiều di tích, thắng cảnh khác.

Trong báo cáo tóm tắt dự án gửi UBND TP Hà Nội, doanh nghiệp Xuân Trường có đính kèm bản đồ quy hoạch không gian kiến trúc, cảnh quan Khu du lịch Hương Sơn (có sơ đồ kèm theo). Theo bản đồ đó, bủa vây xung quanh đền Trình, chùa Thiên Trù, đền Cửa Võng là hệ thống các hạng mục được đánh số 7,8,9,10… mà đề xuất xây dựng như nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, resort, khu gửi xe, đón tiếp... Đặc biệt, siêu tháp cao 100 mét được đề xuất xây ngay gần đền Mẫu không xa.

Siêu dự án khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc 2.500ha – 15.000 tỷ đồng

 Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận  - Ảnh 7.

Một siêu dự án tâm linh khác đang được doanh nghiệp Xuân Trường triển khai tại Thái Nguyên là khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng, được động thổ vào tháng 2/2016. Dự án có thời gian thực hiện từ năm 2016 đến năm 2035 trên diện tích khoảng 2.500 ha.

Dự kiến phân khu chức năng chính của dự án, gồm: Khu tâm linh có Chùa Tháp cao 150m; khu dịch vụ đón tiếp, vui chơi giải trí có khách sạn 5 sao, sân golf 36 lỗ, khu bến thuyền; Khu làng văn hóa các dân tộc. Đặc biệt, dự án còn có Tháp phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m, nền móng Tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được từ 5 đến 10 nghìn người.

 Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận  - Ảnh 8.

Mô hình chùa Tháp sẽ được xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên sẽ là một Tháp phật giáo lớn nhất thế giới.

Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp 450ha – 9.800 tỷ đồng

Cuối năm 2015, tỷ phú Xuân Trường có tờ trình đề nghị thành phố Hải Phòng chấp thuận chủ trương, cho doanh nghiệp đầu tư dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp với tổng diện tích đất hơn 450ha, tổng vốn đầu tư 9.800 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật là khu tâm linh với diện tích 88,7ha với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao 150m và khu dịch vụ đón tiếp 108ha cho khu dịch vụ với khách sạn 5 sao, và đặc biệt là có cả casino, sân golf...

 Tỷ phú Xuân Trường và những dự án tâm linh hàng nghìn héc-ta đất, chục nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận  - Ảnh 9.

Theo thông tin từ Cổng thông tin UBND TP Hải Phòng, sau đề nghị của tỷ phú Xuân Trường, cuối năm 2015 sau khi kiểm tra thực địa vị trí thực hiện dự án tại đảo Cái Tráp, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã nhất trí cao với ý tưởng và đề nghị của doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay Khu du lịch văn hóa tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp vẫn chưa được chính thức khởi công xây dựng.

Theo Nhật Minh

Cùng chuyên mục
XEM