Tỷ phú công nghệ 35 tuổi: Sự nghiệp của bạn là một đường chạy bền, vì vậy, đừng cố tốn sức rồi gục ngã ngay trước vạch đích

06/12/2018 15:13 PM | Sống

“Cố gắng không ngừng nghỉ cho đến khi nào thành công” từ lâu đã được xem như lý do hiển nhiên giúp mọi doanh nhân thành đạt trong sự nghiệp, cuộc sống. Tuy nhiên, theo một nhà sáng lập nổi tiếng, quan điểm này đôi khi lại chính là liều thuốc "đầu độc" sự nghiệp của bạn.

Nhà đồng sáng lập Reddit, tỷ phú Alexis Ohanian cho rằng văn hóa “cố quá”, “công việc là trên hết” là một tư tưởng vô cùng độc hại. Tư tưởng này, thay vì khiến người ta tiến bộ, lại là một vật cản lớn, đặc biệt với các doanh nhân trẻ tuổi, trên bước đường tiến tới thành công.

“Về cơ bản, người ta có suy nghĩ rằng, nếu không đổ mồ hôi, sôi nước mắt, nếu không làm việc 24/24 thì bạn chưa thể được coi là người chăm chỉ được, vì thế bạn chưa đủ điều kiện để thành công. Suy nghĩ trên cực kỳ nguy hại, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ”, nhà sáng lập Reddit Alexis Ohanian 35 tuổi chia sẻ tại Web Summit 2018 được tổ chức tại Lisbon đầu tháng 11.

“Hội chứng nghiện công việc”, theo cách gọi của Ohanian, đang thao túng và khiến các bạn trẻ ít tập trung hơn vào tính hiệu quả của công việc. Hơn thế nữa, nó còn khiến các bạn có suy nghĩ rằng mình bắt buộc phải gắn bó và cống hiến 1000% sức lực cho một công ty thì mới có thể thành công được.

Ohanian khá thành thật chia sẻ rằng mình cũng từng trải qua khủng hoảng về mặt sức khỏe và tinh thần trong những ngày đầu thành lập Reddit. Anh cho rằng nguồn cơn của những khủng hoảng đó không đâu khác bắt đầu từ việc thúc ép bản thân quá mức.

Tỷ phú công nghệ 35 tuổi: Sự nghiệp của bạn là một đường chạy bền, vì vậy, đừng cố tốn sức rồi gục ngã ngay trước vạch đích  - Ảnh 1.

“Vòng xoáy công việc khiến các doanh nhân tự tay hủy hoại sức khỏe của mình, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Khi chúng ta nhận ra điều này thì cũng quá muộn màng rồi. Sau hàng năm trời coi làm việc, xây dựng Reddit là liều thuốc chữa lành của bản thân tôi mới nhận ra rằng chính tôi cũng đang phải trải qua trạng thái trầm cảm”, Ohanian chia sẻ trên blog công ty anh năm vừa rồi.

Trên thực tế, Ohanian không hề phóng đại về mặt tối của ngành công nghệ. Gần đây, CEO Amazon Jeff Bezos nói với nhân viên của mình rằng “gã khổng lồ vẫn có thể thất thế bất cứ lúc nào”, và để tiếp tục thành công, công ty cần tập trung vào khách hàng thay vì quan tâm đến bản thân công ty. Bên cạnh đó, CEO Facebook Mark Zuckerberg lại là người tôn sùng chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”.

Vì thế, làm sao để mỗi người chúng ta không gục ngã vì công việc? Dưới đây là một số bí quyết mà các bạn có thể tham khảo.

Xác định những gì có giá trị với bạn

Lara McCulloch, chuyên viên tư vấn marketing với 20 năm kinh nghiệm trong nghề cho rằng trước hết bạn cần xác định ưu tiên của bản thân, những gì “không làm không được”.

Lỗi mà hầu hết mọi người mắc phải có lẽ là không tìm được những thứ thực sự quan trọng với bản thân mình. Mọi người không chịu dừng lại và hình dung về cuộc sống của mình, cả ở thời điểm hiện tại lẫn tương lai.

Nghiện công việc không hề đại diện cho sự chăm chỉ, cố gắng hay ước mơ hoài bão của bạn. Nó chỉ đơn thuần là cách để người ta thử thách khả năng chịu đựng của mình. Không chỉ trong công việc, kể cả trong đời sống, thói quen thúc ép bản thân quá đà cũng để lại những hậu quả không hề nhỏ.

Một người tỉnh táo là người biết xác định cái gì là quan trọng, cái gì không. Điều gì khiến bạn thoải mái mỗi khi nghĩ về? Đó chính là những thứ quan trọng nhất đối với bạn bởi chúng cung cấp cho bạn năng lượng, động lực làm việc. Vì thế, hãy nhớ trân trọng, bảo vệ chúng.

Chạy hết tốc lực là từ chỉ dùng trong các cuộc đua nước rút

Tỷ phú công nghệ 35 tuổi: Sự nghiệp của bạn là một đường chạy bền, vì vậy, đừng cố tốn sức rồi gục ngã ngay trước vạch đích  - Ảnh 2.

Sự nghiệp là một đường chạy bền, không phải là một đường chạy nước rút. Cống hiến hết sức có thể rất có lợi với những mục tiêu ngắn hạn nhưng đừng biến nó thành lối sống của bạn.

Làm việc với các dự án, mục tiêu ngắn hạn thực sự có thể đem lại sự thỏa mãn bởi chúng là bước đệm cho tầm nhìn sau này của bạn. Tuy nhiên, nếu chỉ làm việc với những mục tiêu ngắn hạn, bạn sẽ lãng phí thời gian của mình, dẫn đến tình trạng hao tốn sức lực không cần thiết.

Cụm từ “nghiện công việc” ám chỉ tư tưởng: “Thành công bắt buộc phải đi kèm với cường độ làm việc cao, thời gian làm việc kéo dài”. Theo bà McCulloch, “cũng chính vì tư tưởng này, nhiều người đã trở thành nô lệ của công việc. Họ không thể nhìn thấy mục tiêu của mình mà chỉ chăm chăm vào một thứ duy nhất: làm nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Cứ như vậy, vòng lặp bận rộn của họ chẳng bao giờ kết thúc”.

Sức khỏe là vàng bạc

Lewis Howes, một diễn giả nổi tiếng, từng nói trong video có tựa đề “Advice I would give to 25 year old self” (tạm dịch: Nếu được trở về tuổi 25, tôi sẽ nói gì với chính mình) rằng kể cả trong những thời điểm bận rộn nhất, mỗi người vẫn luôn nên dành thời gian hàng ngày trau dồi sức khỏe của mình.

Có trong tay sức khỏe thể chất và tinh thần là bạn đã có những bước đà lớn để vượt qua vô số chướng ngại trong công việc. “Sức khỏe là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công. Người không khỏe, trí tuệ không thông suốt thì chẳng bao giờ làm được gì cả”, Howes khẳng định.

Và để có được sức khỏe mong muốn, việc cần làm ngay và luôn là hạn chế lạm dụng công nghệ. “Ngắt kết nối điện thoại, ngắt kết nối máy tính và hãy để mọi thứ thuận theo những gì nó vốn có. Hãy đứng dậy, đi lại, vận động. Đó mới là bản chất của con người. Chúng ta sinh ra không phải để nhìn vào màn hình máy tính 24/24”.

Tìm kiếm sự trợ giúp

Cuối cùng, trong thời kỳ khó khăn, đừng e ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Văn hóa nghiện công việc có xu hướng bài trừ sự giúp đỡ từ người ngoài, nhưng nên nhớ rằng, lời khuyên từ người khác đôi khi lại là con đường tốt nhất giúp bạn thoát khỏi mớ bòng bong của đời bạn, Ohanian chia sẻ.

“Cảm thấy đời sống khó khăn quá thì bạn hãy tìm ai đó để chia sẻ”, Ohanian nói, “Ai cũng được, một chuyên gia, người thân của bạn, thậm chí một người lạ mặt. Trò chuyện lúc này là liều thuốc chữa lành hữu hiệu hơn bao giờ hết.”

Theo Minh An

Cùng chuyên mục
XEM