Tỷ phú Ấn Độ đối đầu với công ty dược khổng lồ để bán thuốc chữa AIDS với giá 1 đô la trong 1 ngày

31/07/2019 08:44 AM | Xã hội

Cipla sẵn sàng bán hỗn hợp thuốc chống AIDS với giá 350 USD/năm/bệnh nhân, tương đương 1 USD/ngày. Nhưng thiện chí này bị ngăn cản bởi những công ty dược quốc tế hiện đang nắm giữ bằng sáng chế và được chính quyền tổng thống Bush chống lưng.

Tiến sĩ Yusuf Hamied của Cipla là một người rất chịu khó đọc các loại tạp chí y học. Vào năm 1986, một đồng nghiệp nói với ông, "Theo báo cáo của Tufts, AZT là loại thuốc chữa trị AIDS duy nhất". Đây là loại thuốc do công ty Burroughs Wellcome ở Mỹ sản xuất và họ bán với giá khoảng 8000 USD/bệnh nhân/năm.

Vào năm 1991, Rama Rao, đứng đầu một phòng nghiên cứu của chính phủ Ấn Độ, nói với Hamied rằng ông đã phát triển được một chất hóa học tổng hợp của AZT, hay azidothymidine, và muốn Cipla tiến hành sản xuất. Hamied đồng ý và giới thiệu loại thuốc này vào năm 1993 với giá bằng 1/10, tức khoảng 2 USD/ngày.

Tuy nhiên mức giá đó vẫn đắt đối với phần đông người Ấn Độ và Hamied không bán được cho ai, kể cả chính phủ. Họ nói rằng chỉ có tiền cho việc phát hiện và ngăn ngừa chứ không phải điều trị. Rốt cuộc, Hamied phải vứt đi 200.000 viên thuốc.

Vài năm sau, Hamied được biết có hỗn hợp 3 loại thuốc khá hiệu quả trong việc kiểm soát AIDS - stavudine, lamivudine và nevirapine, được sản xuất bởi 3 công ty đa quốc gia khác nhau. Giá bán của chúng là 12.000 USD/bệnh nhân/năm. Hamied quyết định sản xuất 3 loại thuốc này.

Vào năm 1997, dưới sự lãnh đạo của Nelson Mandela, Nam Phi chỉnh sửa luật để tránh các bằng sáng chế về dược và nhập nhiều loại thuốc giá rẻ. Sự việc này làm cho các công ty dược khổng lồ nổi giận. 39 công ty dược, với sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ, đâm đơn kiện Nam Phi vì vi phạm hiệp định thương mại quốc tế TRIPS.

Mọi thứ lâm vào bế tắc. 24 triệu người bị AIDS hành hạ và không được dùng loại thuốc mà họ cần.

Vào ngày 08/08/2000, một người gọi điện cho Hamied nói rằng muốn gặp ông. Đó chính là William F Haddad và một nhóm các nhà hoạt động xã hội (một số đến từ tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới) có cùng chung một mục đích: tìm ra cách đưa loại thuốc chữa trị AIDS giá rẻ đến với những người cần nó nhất.

Tỷ phú Ấn Độ đối đầu với công ty dược khổng lồ để bán thuốc chữa AIDS với giá 1 đô la trong 1 ngày - Ảnh 1.

Một liên minh phi thường

4 ngày sau, Hamied gặp họ tại London. Họ hỏi Hamied ông có thể sản xuất thuốc chống AIDS ở mức giá thấp đến thế nào, và có thể sản xuất được bao nhiêu? Hamied lấy giấy và bút chì ra tính toán, rồi khẳng định ông có thể đưa ra mức giá 800 USD/năm. Họ tiếp tục nói chuyện và nhóm người kia hứa sẽ giúp Hamied trong cuộc chiến trước mắt với các công ty dược đa quốc gia.

Khoảng một tháng sau, Hamied được mời đến phát biểu tại Hội thảo của Ủy Ban Châu Âu ở Brussels về HIV/AIDS, sốt rét, bệnh lao và xóa đói giảm nghèo. Khi lên bục diễn giả, ông nhìn quanh và nói với cử tọa gồm các bộ trưởng y tế, cựu thủ tướng và đại diện nhiều công ty dược: "Thưa các vị, tôi đại diện cho nhu cầu và khát vọng của thế giới thứ ba", sau đó ông đưa ra 3 đề xuất:

1. Ông sẽ bán hỗn hợp 3 loại thuốc chống AIDS với giá 800 USD/năm (600 USD nếu bán cho chính phủ với số lượng lớn);

2. Trao công nghệ sản xuất thuốc miễn phí cho bất kỳ chính phủ một nước Châu Phi nào muốn sản xuất thuốc cho riêng mình; và

3. Cung cấp nevirapine (loại thuốc hạn chế lây truyền của AIDS từ mẹ sang con) miễn phí.

Nhưng không một ai đón nhận đề xuất của ông. Toàn bộ thị trường dược phẩm thế giới bị ràng buộc bởi các bằng sáng chế và hiệp ước thương mại, ngăn không cho nhiều nước tìm đến các loại thuốc rẻ.

William Haddad lại gọi cho Hamied, lần này với một câu hỏi cụ thể: "Liệu Cipla có sản xuất được hỗn hợp thuốc chống AIDS này với giá 1 USD/ngày hay không?" Sau một hồi tính toán, Hamied đồng ý. Mức giá này được giành riêng cho tổ chức Bác Sĩ Không Biên Giới. Đây là một mức giá đủ thấp để làm thay đổi mọi chuyện.

Cuộc chiến chống lại các gã khổng lồ

Tin tức nhanh chóng lan truyền và vào một buổi sáng năm 2001, câu chuyện này được đăng trên New York Times. Theo đó, Cipla sẵn sàng bán hỗn hợp thuốc chống AIDS với giá 350 USD/năm/bệnh nhân, tương đương 1 USD/ngày. Nhưng thiện chí này bị ngăn cản bởi những công ty dược quốc tế hiện đang nắm giữ bằng sáng chế và được chính quyền tổng thống Bush chống lưng.

Bài báo làm công luận thế giới nổi giận và rất nhiều cuộc biểu tình phản đối nổ ra từ Philadelphia (Mỹ) cho đến Pretoria (Nam Phi), thậm chí nhiều chỉ trích còn cho rằng hành động này không khác gì tội ác diệt chủng.

Kết quả là danh tiếng của các công ty dược bị tổn hại nặng nề. Một vài công ty trong số đó còn buộc tội Hamied âm mưu tranh giành thị phần ở châu Phi. Ông phản ứng lại bằng tuyên bố như sau: "Tôi bị buộc tội là có động cơ ngầm. Tất nhiên tôi có một động cơ ngầm rồi: Đó là trước khi chết, tôi muốn làm điều gì đó tốt đẹp".

Hamied và các nhà hoạt động xã hội kể trên là người chiến thắng. Không lâu sau đó, các công ty dược đa quốc gia thông báo họ sẽ ngừng kiện tụng Nam Phi và không thu phí bằng sáng chế để thuốc chống AIDS có thể được bán với giá rẻ ở châu Phi.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM