Tỷ lệ trống trong thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội giảm so với cùng kỳ năm ngoái

08/04/2018 07:18 AM | Xã hội

Bên cạnh khu trung tâm Hà Nội vẫn giữ mức ổn định không có biến động do nguồn cung hạn chế, tỷ lệ trống của các khu vực khác đều tăng nhẹ, đặc biệt khu vực Ngoài Trung Tâm với 0,7% so với quý trước. Tuy nhiên nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn được cải thiện với tỷ lệ trống giảm 2,7%, theo CBRE.

Thị trường mặt bằng bán lẻ

Thị trường bán lẻ Hà Nội bắt đầu năm 2018 với một quý không có nhiều biến động. Tổng nguồn cung toàn thị trường vẫn giữ ở mức 790.000 m2 kể từ Q2 2017. Trong đó, khu vực Đống Đa – Ba Đình và phía Tây chiếm tới 54% tổng nguồn cung, trong khi các khu vực Ngoài Trung Tâm khác cung cấp gần 40% diện tích bán lẻ tại Hà Nội.

Về diễn biến thị trường, bên cạnh khu Trung Tâm vẫn giữ mức ổn định không có biến động do nguồn cung hạn chế, tỷ lệ trống của các khu vực khác đều tăng nhẹ, đặc biệt khu vực Ngoài Trung Tâm với 0,7% so với quý trước. Tuy nhiên nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn được cải thiện với tỷ lệ trống giảm 2,7%.

CBRE: Tỷ lệ trống trong thị trường mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội giảm so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh 1.

Trước sự sụt giảm của tỷ lệ lấp đầy ở khu vực Ngoài Trung Tâm và phía Tây cùng với áp lực nguồn cung mới trong năm 2018, đặc biệt là hai dự án dự kiến sẽ ra mắt vào quý sau, các chủ đầu tư ở khu vực này đã đưa ra chính sách cho thuê hấp dẫn hơn nhằm thu hút khách thuê. Vì vậy, giá chào thuê trung bình thị trường giảm nhẹ trong quý vừa rồi, 0,9% theo quý, mặc dù vẫn tăng 0,2% theo năm.

Về phía các nhà bán lẻ, ngành hàng cửa hàng tiện lợi và siêu thị vẫn tiếp tục đà tăng trưởng mạnh với sự mở rộng của các đơn vị hiện diện trên thị trường như Circle K, Vinmart +, v.v.

Tiềm năng của ngành hàng này vẫn còn rộng mở với xu hướng tiêu dùng hiện đại ngày càng nhấn mạnh hơn đến yếu tố tiện lợi trong khi nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu là không thể thay thế. Hơn thế nữa, sự hình thành và phát triển của các dự án nhà ở tại các khu vực mới, mở rộng các khu vực đông dân cư cũng tạo điều kiện và nhu cầu cần thiết cho các cửa hàng tiện lợi và siêu thị.

Các tiện ích phụ trợ này cũng có tác động tích cực đến các dự án nhà ở và đối với dân cư sinh sống trong khu vực. Nhận thấy tiềm năng này, một số chủ đầu tư trong nước cũng bước đầu lấn sân sang lĩnh vực này thông qua nhiều hình thức như kết hợp với nhãn hàng nước ngoài hay tự kinh doanh vận hành. Một số ví dụ có thể kể đến như sự hợp tác của Sơn Kim Land với nhà bán lẻ Hàn Quốc GS Retail, hay sự ra mắt của Qmart và Qmart+ của T&T, chuỗi siêu thị F-mart của FLC.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM