Tỷ lệ quản lý cấp cao là nữ ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á

29/08/2019 20:16 PM | Kinh doanh

Tỷ lệ nữ giới nắm giữ chức vụ cao trong các doanh nghiệp ngày một gia tăng ở Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước tiên phong thực hiện "Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ" của Liên hợp quốc, ban hành năm 1982. Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam là hơn 73%, nằm trong những nước cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo một báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, Việt Nam nằm trong top 25 các quốc gia nỗ lực thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới tính trong vấn đề việc làm.

Trong một báo cáo của tổ chức quốc tế Grant Thornton, 36% là tỷ lệ nữ giới nắm những chức vụ quản lý cấp cao ở các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ xếp sau Philippines trong khu vực với tỷ lệ 37,5%.

Tỷ lệ chủ sở hữu doanh nghiệp là nữ giới cũng được ghi nhận là khá cao. Theo nghiên cứu của Mastercard năm 2018, 31,3% doanh nghiệp ở Việt Nam có nữ giới là chủ sở hữu. Với con số ấn tượng như vậy, Việt Nam lọt top 6 trong tổng số 53 nước thuộc phạm vi nghiên cứu, xếp trên nhiều nước châu Âu cũng như các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc.

 Tỷ lệ quản lý cấp cao là nữ ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á  - Ảnh 1.

Tuy nhiên, phụ nữ Việt lại khá thiệt thòi khi các chỉ tiêu về "Chất lượng quản trị", "Các nhân tố hỗ trợ kinh doanh" và "Độ mở rào cản kinh doanh" đều ở những thứ hạng thấp. Nghiên cứu này cũng chỉ ra sự bất bình đẳng giới giữa các lĩnh vực.

Các doanh nghiệp điều hành bởi nữ giới thường có quy mô nhỏ hơn so với nam giới. Phụ nữ cũng hoạt động nhiều trong những ngành nghề kinh doanh kém ổn định như bán buôn bán lẻ.

Một phân tích của Tập đoàn tư vấn Boston mới đây cho thấy, nếu phụ nữ được đối xử bình đẳng như nam giới trong lĩnh vực kinh doanh, tổng giá trị GDP toàn cầu sẽ tăng xấp xỉ từ 3% đến 6%.

Cũng theo tổ chức này, các doanh nghiệp sở hữu bởi nữ giới (Women-owned enterprises – WOE) đang phải đối mặt với 4 thách thức: nhân lực và vốn xã hội bị hạn chế, bất lợi về tiềm lực tài chính, kỳ vọng về mặt văn hóa và xã hội và ràng buộc thể chế.

Theo báo cáo về nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ điều hành bởi nữ giới tại Việt Nam, mặc dù nhu cầu tiếp cận các nguồn lực tài chính là rất cao, với 66% các doanh nghiệp WOE đang có nhu cầu nhưng chỉ có 20,5% được đáp ứng.

Theo một nghiên cứu khác, chỉ 37% các doanh nghiệp WOE được tiếp cận với các khoản vay ngân hàng trong hai năm qua, tương đối thấp nếu so với con số 47% của nam giới.

Bà Amy Luinstra tại Tổ chức tài chính quốc tế khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho biết: "Để tiếp tục tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của phụ nữ trong kinh doanh, Việt Nam cần những giải pháp hỗ trợ họ tiếp cận thị trường và các khoản vay tài chính. Vẫn còn nhiều việc phải làm để kết nối những doanh nghiệp nhỏ vào chuỗi giá trị toàn cầu."

Tại Việt Nam, các chính sách đã hỗ trợ vững chắc cho vấn đề bình đẳng giới trong khâu tổ chức bộ máy vận hành của doanh nghiệp. Nhưng các định kiến xã hội và văn hóa về vai trò riêng của hai giới vẫn là một vấn đề khá nhức nhối.

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM