Tỷ lệ nhóm lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp cao gấp 4 lần cao đẳng và trung cấp, TS. Đào Xuân Khương: Khi đọc thông tin này lần đầu, tôi nghĩ thống kê này bị nhầm!

20/12/2019 22:00 PM | Kinh doanh

Tỷ lệ nhóm lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp cao gấp 3,2 - 3,9 lần cao đẳng và trung cấp. Theo TS. Đào Xuân Khương, nguyên nhân của thực trạng này là do năng lực của lao động trẻ không đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Đồng thời, lao động trẻ hiện nay lại thiếu đi yếu tố thái độ, trong khi yếu tố này chiếm đến 70% .

Những ngày gần đây, báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học lại có tỷ lệ thất nghiệp nhiều hơn những sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp. Cụ thể, tỷ lệ nhóm lao động tốt nghiệp đại học cao gấp 3,2 - 3,9 lần cao đẳng và trung cấp.

Tại chương trình truyền hình "Chuyện bên ly cà phê" mới đây, khi được người dẫn chương trình hỏi về vấn đề này, ông Đào Xuân Khương – Tiến sỹ quản trị kinh doanh (EMBA) bày tỏ: "Khi đọc được những thông tin này lần đầu tiên, tôi nghĩ rằng thống kê này bị nhầm. Tôi cũng đã nghĩ trường hợp này có thể xảy ra nhưng không ngờ lại cao như vậy".

Trước thực trạng này, vị tiến sỹ này cho biết: "Tôi cảm thấy đáng tiếc. Đầu tiên là các bậc phụ huynh. Họ đã đầu tư một khoảng thời gian, công sức và tiền bạc trong 4 năm trời cho con em mình. Thứ hai là nhà trường và thầy cô, những sinh viên tốt nghiệp chính là sản phẩm của các trường đại học nhưng khi sinh viên ra trường lại không được thị trường chấp nhận thì đó là một điều quá đáng tiếc.

Và cái tiếc cuối cùng là tiếc cho xã hội, chúng ta thừa một một nguồn lực rất lớn, một nguồn lực có kiến thức, trí tuệ nhưng không được sử dụng".

Vị tiến sỹ này cũng nhận định, thực trạng này thể hiện khoảng cách giữa trình độ của lao động trẻ và yêu cầu doanh nghiệp là quá xa. Những kiến thức mà sinh viên có sau 4 năm học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Vì thế, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động tốt nghiệp đại học mới cao như vậy.

Tỷ lệ nhóm lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp cao gấp 4 lần cao đẳng và trung cấp, TS. Đào Xuân Khương: Khi đọc thông tin này lần đầu tiên, tôi nghĩ thống kê này bị nhầm! - Ảnh 1.

Nhóm lao động tốt nghiệp đại học cao gấp 3,2 - 3,9 lần cao đẳng và trung cấp.

"Tôi tin là trong 4 năm đại học, các bạn sinh viên có rất nhiều kiến thức. Có một số bạn có thể còn tốt hơn khi có được phương pháp tư duy. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp cần lại là kỹ năng làm việc và tính tuân thủ nhưng cái các bạn có lại chỉ là kiến thức" TS. Đào Xuân Khương phân tích.

Theo nghiên cứu của tổ chức Unesco, để trở thành một nhân sự đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng cần 3 yếu tố, đó là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Trong đó, kiến thức chỉ chiếm 4%, kỹ năng chiếm 26% và thái độ là 70%.

Vị tiến sỹ này cho rằng, thái độ là yếu tố thiếu nhiều nhất ở các bạn trẻ hiện nay, chúng ta vẫn thường hay nói với nhau "thái độ hơn trình độ", điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, hiện nay, lao động trẻ lại thiếu đi yếu tố này.

Tỷ lệ nhóm lao động tốt nghiệp đại học thất nghiệp cao gấp 4 lần cao đẳng và trung cấp, TS. Đào Xuân Khương: Khi đọc thông tin này lần đầu tiên, tôi nghĩ thống kê này bị nhầm! - Ảnh 2.

Lao động trẻ hiện nay lại thiếu đi yếu tố thái độ, trong khi yếu tố này chiếm đến 70% .

Tại thị trường lao động Việt Nam hiện nay, có phải chúng ta đang trong tình trạng "thừa thầy thiếu thợ", người dẫn chương trình đặt vấn đề.

TS. Đào Xuân Khương cho rằng: "Tôi có một góc nhìn khác, hiện nay chúng ta đang thiếu cả hai. "Thầy" chính là các nhà quản lý tốt, còn "thợ" chính là những nhân viên tốt".

Với kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp trong 10 năm và hiện đang nghiên cứu, tư vấn cho doanh nghiệp, TS. Đào Xuân Khương lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này:

Thứ nhất là về phía các bậc phụ huynh, chúng ta không nên đặt trọng trách hướng nghiệp lên vai một đứa trẻ 18 tuổi. Các bậc phụ huynh phải có định hướng trước cho con em của mình. Tuy nhiên, hầu hết học sinh lại không được cha mẹ định hướng điều này.

Thứ hai, vai trò của trường cấp 3 là rất quan trọng. Với các trường cấp 3 ở Mỹ, phần lớn học sinh đều được hướng nghiệp trước khi thi vào các trường đại học. Tuy nhiên, học sinh tại Việt Nam thì chưa được định hướng điều này.

Hiện nay, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo thống kê, nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam chỉ chiếm 12%, trong khi thế giới là 20%. Theo vị tiến sỹ này, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao phải bắt đầu từ gia đình. Gia đình là nền tảng, đồng thời là nơi phát hiện được những điểm mạnh của con em mình từ nhỏ và có những định hướng phù hợp. Ngoài ra, nhà trường và doanh nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng. Trường học cũng cần có những chính sách hướng nghiệp cụ thể.

Cũng theo vị này, để có nguồn nhân lực chất lượng, đầu tiên, phải có những nhân viên chất lượng cao, sau đó là có đội ngũ quản lý chất lượng cao. Tuy nhiên, muốn có đội ngũ quản lý chất lượng cao thì phải có những tập đoàn lớn. Vì các tập đoàn lớn thường có những tư tưởng lớn và khi làm việc tại đó, nhân sự mới phát triển được tư duy, kỹ năng trong tương lai.

Minh Minh

Cùng chuyên mục
XEM