Tuyên bố "chưa tháng nào lỗ", nhưng Shark Phú từng cắn răng chịu lỗ khi làm sản phẩm đầu tiên: Sản xuất bộ nồi 190 nghìn, bán ra 130 nghìn, năm đầu lỗ hơn 1 tỷ, 4 năm sau mới có lãi!

20/01/2018 09:41 AM | Kinh doanh

Năm 2004, sản phẩm gia dụng đầu tiên mang thương hiệu Sunhouse ra đời. Nhưng vào thời điểm đó, giá bán ra của đối thủ còn thấp hơn giá sản xuất của Sunhouse, năm đầu tiên công ty lỗ hơn 1 tỷ đồng. Chán nản, nội bộ hội đồng quản trị mâu thuẫn, cổ đông chính phụ trách phân phối rút lui…

Chủ tịch HĐQT Sunhouse Nguyễn Xuân Phú - vị Shark "chắc cú" nhất trong chương trình Shark Tank Việt Nam mới đây tuyên bố "trong 17 năm khởi nghiệp chưa tháng nào lỗ, chưa công ty nào lỗ".

Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm lại bài trả lời phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Phú trong chương trình Đường tới thành công của VTC News cách đây 5 năm, vị shark này khi đó từng chia sẻ về thời kỳ khó khăn chồng khó khăn của Sunhouse, khi giá sản xuất còn cao hơn giá bán ra của đối thủ, và mâu thuẫn nội bộ khiến cổ đông chính phụ trách phân phối rời bỏ công ty. Chấp nhận lỗ tới 4 năm mới có lãi cho việc sản xuất bộ nồi Sunhouse - sản phẩm gia dụng đầu tiên của công ty.

Giá thành sản xuất bộ nồi Sunhouse 190.000 đồng, chấp nhận bán ra 130.000 đồng, năm đầu lỗ hơn 1 tỷ

Tuyên bố chưa tháng nào lỗ, nhưng Shark Phú từng cắn răng chịu lỗ khi làm sản phẩm đầu tiên: Sản xuất bộ nồi 190 nghìn, bán ra 130 nghìn, năm đầu lỗ hơn 1 tỷ, 4 năm sau mới có lãi! - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất đồ gia dụng của Shark Phú bắt đầu mở vào năm 2003. Đến năm 2004, sản phẩm gia dụng đầu tiên mang thương hiệu Sunhouse ra đời.

Thời điểm đó, chưa ai biết đến Sunhouse. Do chưa có kinh nghiệm sản xuất nên sản phẩm làm ra số lượng ít, dẫn đến giá thành cao, nên rất khó bán.

Lúc đó, một nhà máy vốn 100% của Hàn Quốc ở phía nam, khi biết Sunhouse ra sản phẩm, họ đã bán với giá thấp hơn cả giá vốn ông Phú sản xuất ra. Thương hiệu của đối thủ lúc bấy giờ chiếm tới 90% ở thị trường nội địa. Năm đầu tiên, theo trí nhớ của ông Phú, Sunhouse lỗ hơn 1 tỷ đồng.

"Cảm giác nếu chúng tôi tiếp tục sẽ mất hết. Bản thân trong HĐQT công ty đã nảy sinh mâu thuẫn. Một cổ đông đã rút lui. Họ nói không hiểu lý do gì nhà máy sản xuất ra lại cao hơn cả giá bán của đối thủ cạnh tranh".

"Bản thân cổ đông rút lui lại đang là người nắm mảng phân phối sản phẩm của nhà máy. Lúc đó tôi cảm thấy rất mệt mỏi", Shark Phú trải lòng.

Ông Phú thời điểm đó đã ở vào thế "cưỡi lưng hổ". Bước vào sản xuất là đã phải đầu tư nhà máy, máy móc và con người, muốn rút không dễ dàng.

"Lúc đó, một là dừng lại thì mất hết, hai là tiếp tục. Nếu tiếp tục phải làm thế nào? Tôi đã họp toàn bộ công ty, yêu cầu nếu tiếp tục thì mọi người phải toàn bộ dồn lực vào cho nhà máy, cho sản xuất, nếu ai không đồng ý có thể rút lui. Bản thân tôi trực tiếp chỉ huy, điều hành nhà máy", ông Phú kể.

Một bước tiến quan trọng lúc đó là Sunhouse nhận sản xuất một lô hàng lớn bán cho thương hiệu bếp gas rất nổi tiếng lúc đó là Rinnai. Một bộ nồi ấy giá thành sản xuất khoảng 190.000 đồng, ông Phú phải bán với giá 130.000 đồng.

"Sau khi tôi bán lô hàng đó, toàn bộ hàng hóa mang thương hiệu Sunhouse được đi theo nhãn hàng bếp gas Rinnai phủ đến tất cả các ngõ ngách trên toàn quốc. Tôi nghĩ bán lỗ trong điều kiện rất khó khăn về vốn lúc đó là quyết định rất táo bạo, nhưng cũng là một bước thay đổi đáng kể", Chủ tịch HĐQT Sunhouse nhớ lại.

Liên tục rượt đuổi về giá với đối thủ, đến năm 2007 mới có lãi

Tuyên bố chưa tháng nào lỗ, nhưng Shark Phú từng cắn răng chịu lỗ khi làm sản phẩm đầu tiên: Sản xuất bộ nồi 190 nghìn, bán ra 130 nghìn, năm đầu lỗ hơn 1 tỷ, 4 năm sau mới có lãi! - Ảnh 2.

Ảnh cắt từ clip trả lời phỏng vấn của Shark Phú 5 năm trước.

Thời gian sau đó, Sunhouse cũng tiếp tục gặp khó khăn. Đối thủ cạnh tranh với Sunhouse là một công ty 100% vốn Hàn Quốc, đã có bề dày kinh nghiệm sản xuất, lập nhà máy trước Sunhouse hàng chục năm. Khi thấy nguy cơ bị cạnh tranh, họ quyết định bán giá cực thấp.

Nhà máy sản xuất của Sunhouse lúc đó vẫn chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu, phải nhập 100% nguyên liệu nước ngoài, dẫn đến giá thành luôn cao hơn giá bán của đối thủ.

"Thực sự là một bài toán không có lời giải. Lý do họ làm được như vậy là do họ đã đầu tư trước, tự chủ được nguyên liệu, sản xuất được nhôm tấm, tự sản xuất được 90% nguyên liệu tại Việt Nam. Mặc dù họ bán bằng giá vốn của chúng tôi nhưng họ vẫn có lãi, còn bọn tôi thì lỗ", ông "vua chảo" kể lại.

Không nản lòng, ông Phú tiếp tục dồn toàn bộ vốn liếng ở các lĩnh vực khác tiếp tục đầu tư nhà máy sản xuất nhôm và nhà máy sản xuất quai núm vào năm 2005 - 2006. Việc tự lực nguyên phụ liệu đã giúp Sunhouse giảm giá thành.

"Chúng tôi đã có bước ngoặt vào năm 2007, chúng tôi bắt đầu chiếm lĩnh thị trường, khi chúng tôi đã tự chủ được toàn bộ trong quá trình sản xuất và giá thành cạnh tranh, và bắt đầu có lãi", Shark Phú tâm sự.

Shark Nguyễn Xuân Phú trải lòng về những khó khăn trong những năm đầu khởi nghiệp với Sunhouse. Nguồn: VTC News

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM