Tương lai quan hệ Anh - Trung Quốc phụ thuộc vào Hinkley Point C?

06/08/2016 09:21 AM | Kinh tế vĩ mô

Quyết định “xem xét lại” dự án xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân với phần vốn tài trợ từ Trung Quốc của bà Theresa May đang đóng vai trò then chốt trong màn “chào sân” của bà trên ghế Thủ tướng Anh.

Ngày 29/7, nếu theo đúng kế hoạch, là thời điểm Anh ký thỏa thuận với công ty EDF (Pháp) về dự án xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân ở Hinkley Point, thuộc hạt Somerset, vùng South West England ở Anh. Dự án có tên Hinkley Point C này nếu được ký kết như dự tính, sẽ nhận sự hỗ trợ vốn từ Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (CGN). Câu chuyện này không đơn giản như các bản tin về năng lượng khác, vì nó có khả năng gây ra những bất ổn chính trị tiềm tàng cho nước Anh.

Ảnh hưởng quan hệ Anh – Trung Quốc

Là một dự án năng lượng có tổng giá trị khoảng 18 tỷ USD, Hinkley Point C ngoài ra cũng mang ý nghĩa hết sức đặc biệt với mối quan hệ giữa Anh và Trung Quốc, đặc biệt nếu đặt vào bối cảnh cụ thể hiện nay.

Đêm 1/8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng về quyết định trì hoãn ký kết hợp đồng của Thủ tướng Anh Theresa May. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh cho biết đã “lưu ý” về quyết định của bà May, theo Daily Mail.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng dự án này là sự đồng thuận giữa Trung Quốc, Vương quốc Anh và Pháp trên tinh thần lợi ích và quan hệ đối tác chung, một cuộc kết hợp các bên cùng có lợi và đã luôn nhận được sự ủng hộ của Anh và Pháp. Trung Quốc hy vọng Anh có thể có được quyết định sớm nhất, nhằm đảm bảo việc thực hiện được trôi chảy”, bà Hoa Xuân Oánh nói.

Trong bản tin riêng của mình, tờ Daily Mail khẳng định rằng phía Trung Quốc đã tính tới phương án rút luôn 100 tỷ USD tiền đầu tư tại Vương quốc Anh trong trường hợp bà Theresa May quyết định hủy hợp đồng này. Đó có thể được xem như tín hiệu mạnh mẽ nhất cho thấy vết nứt cực lớn trong quan hệ hai nước, đánh dấu bằng việc bà Theresa May tiếp quản chính quyền thay cựu Thủ tướng David Cameron sau cuộc trưng cầu dân ý rời Liên minh châu Âu (Brexit) năm nay.

Bà Theresa May có quyết định “gây sốc” khi hoãn việc ký hợp đồng xây dựng nhà máy hạt nhân với phần vốn từ Trung Quốc. Nguồn: Financial Times
Bà Theresa May có quyết định “gây sốc” khi hoãn việc ký hợp đồng xây dựng nhà máy hạt nhân với phần vốn từ Trung Quốc. Nguồn: Financial Times

Quay ngược lại vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức tới nước Anh cùng lãnh đạo của những công ty lớn tại Trung Quốc. Chuyến thăm này, người tiếp khách là ông David Cameron. Kết quả thu được tương đối sáng sủa với hàng loạt hợp đồng được ký kết. Truyền thông hai bên khi ấy gọi đây là cột mốc đánh dấu một giai đoạn vàng son, mở đầu thời kỳ tươi sáng cho quan hệ Anh - Trung.

Có lẽ đấy chính là lý do hãng tin BBC nhận định rằng việc xem xét lại hợp đồng Hinkley Point C là việc làm “gây sốc” của bà Theresa May, và thậm chí còn phân tích sự thiệt - hơn trong việc “chọc giận Trung Quốc”. Theo đó, Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond của Anh đã thăm Trung Quốc tuần trước, với hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại tự do. Nếu người Trung Quốc “tức giận” vì Hinkley Point C, khả năng ảnh hưởng tới thỏa thuận thương mại sẽ thấp đi đáng kể.

Phép tính nào cho bà May?

Về lý thuyết, lời giải thích cho sự trì hoãn này là chính phủ cần phải xem xét lại tất cả các điều khoản của hợp đồng Hinkley Point C. Tuy nhiên, phân tích của truyền thông Anh lại đưa ra rất nhiều lý do cho việc này, bao gồm cả những mối lo sợ về an ninh, sự phụ thuộc và cả một bài tính với Brexit.

Thứ nhất, theo lời cựu Bộ trưởng Kinh doanh Anh Vince Cable nói với BBC, bà Theresa May không hài lòng với chính sách thu hút đầu tư từ Trung Quốc của ông David Cameron trước kia. Dẫu tuyên bố mở cửa đón đầu tư nước ngoài, bà May vẫn kiên quyết muốn chính phủ nắm vai trò lớn hơn trong những lĩnh vực then chốt, trong đó dĩ nhiên bao gồm điện - hạt nhân.

Điều này cũng liên quan tới phát ngôn của Chánh văn phòng Thủ tướng, ông Nick Timothy, người trước đó cho rằng việc Trung Quốc can thiệp tới 1/3 dự án sẽ không an toàn cho hệ thống an ninh máy tính của người Anh. Và nếu dự án này - có công suất 3.200 MWe và dự kiến cung cấp 7% năng lượng điện của Anh - bị Trung Quốc tiếp cận, nó sẽ vô tình trao cho Bắc Kinh quyền tiếp cận hệ thống điều khiển nguồn năng lượng lớn. Tình báo MI5 của Anh cũng đã lưu ý về tin tặc Trung Quốc, vốn là nơi có tần suất tấn công mạng cao nhất thế giới vài năm nay.

Thứ hai, bà Theresa May có vẻ chính xác đang cần thời gian để đong đếm lợi - hại của bản hợp đồng này, vì nó diễn ra trong bối cảnh nhạy cảm: Chính bà là người chịu trách nhiệm tái cơ cấu các chính sách của Anh hậu Brexit.

Brexit nếu trở thành thực tế, nước Anh không thể hợp tác sâu rộng với Liên minh châu Âu (EU) như trước, đồng nghĩa chí ít người Anh cần 30 tỷ USD tiền thuế để bù đắp, theo lời cảnh báo của cựu Bộ trưởng tài chính George Osborne trước đây. Không EU, Trung Quốc sẽ là giải pháp rất tốt cho người Anh. Nhưng cũng vì điều này, thực tế người Anh sẽ có nguy cơ lệ thuộc vào Trung Quốc.

Làm sao để cân đối lợi ích và sự tự do từ mối quan hệ với EU và Trung Quốc, đó mới là điểm khiến bà May phải cân nhắc. Tạp chí Spectator của Anh trong một bài viết ngày 1/8 thậm chí còn cho rằng, phải chăng bà May đang cố tình dùng Hinkley Point C để biến Pháp thành một “con tin” trong các cuộc thương lượng Brexit.

Nói cách khác, sau nhiều năm giữ vai trò nội vụ, bài kiểm tra đầu tiên của bà May xem ra lại là giai đoạn quan trọng nhất cho chức vị “Người đàn bà thép thứ hai” của nước Anh, sau Margaret Thatcher.

Theo GIANG LANG

Cùng chuyên mục
XEM