Tương lai của co-working tại Châu Á Thái Bình Dương sẽ ra sao?

06/08/2018 14:29 PM | Kinh doanh

Theo báo cáo của JLL Việt Nam, nguồn cung không gian làm việc linh hoạt – bao gồm văn phòng dịch vụ và không gian co-working ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương tăng nhanh, lên đến 150% từ năm 2014 đến 2017. Cũng trong thời gian này, lượng nhà đầu tư (NĐT) không gian linh hoạt cũng tăng gấp đôi ở khu vực.

JLL cho rằng, môi trường co-working Châu Á Thái Bình Dương hấp dẫn với các NĐT khởi nghiệp. Cộng đồng doanh nhân trẻ đang phát triển ở châu Á, đặc biệt ở Việt Nam, mang đến nhu cầu ngày càng tăng cho một không gian làm việc chung nơi các doanh nhân có thể gặp gỡ các doanh nhân triển vọng khác. Thị trường không gian linh hoạt tại Tp.HCM đã tăng trưởng 108% từ năm 2014 đến năm 2017 và được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển do được sự hỗ trợ của chính phủ đối với các doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành phố hiện có 25 nhà khai thác không gian linh hoạt cao cấp, với các công ty lớn như Regus, G-Office, Toong và Dreamplex.

Mới đây, WeWork - công ty với trụ sở chính tại Hoa Kỳ - đã mở chi nhánh trọng điểm ở Đông Nam Á. Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore GIC cũng đã hợp tác với công ty bất động sản Frasers để rót vốn 177 triệu USD vào việc mở rộng JustCo trên khắp Nhật Bản, Trung Quốc, Úc và Ấn Độ.

Tương lai của co-working tại Châu Á Thái Bình Dương sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Theo JLL, mặc dù thị trường không gian linh hoạt hiện vẫn chiếm ít hơn 4% diện tích văn phòng hạng A trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhưng trong năm 2018 sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ

Theo JLL, nhiều mô hình kinh doanh không gian linh hoạt mọc lên thúc đẩy các NĐT trở nên năng động hơn.

Đặc biệt, mô hình này đang nhận được sự tham gia của nhiều chủ nhà. Các chủ nhà đang từng bước hoàn thiện các dịch vụ không gian linh hoạt để cung cấp cho nhu cầu của thị trường.

Các chủ nhà lớn ở châu Á quản lý hầu hết các khu trung tâm thương mại trong khu vực. Ở Singapore, 15 chủ nhà lớn nhất kiểm soát 75% các tòa nhà văn phòng hạng A khu vực trung tâm; trong khi đó, chỉ một khu vực nhỏ ở Akasaka / Roppongi thuộc Tokyo hiện có năm chủ nhà kiểm soát gần 90% diện tích văn phòng hạng A.

"Xu hướng này là một đòn bẩy giúp cho các chủ sở hữu bất động sản định hình ngành bất động sản không gian linh hoạt", ông Christopher Clausen, Phó Giám đốc Nghiên cứu Châu Á Thái Bình Dương của JLL nhấn mạnh. Trong đó, các NĐT đang chạy đua để thu lợi từ nhu cầu ngày càng tăng về không gian linh hoạt. Điển hình, Lendlease đang phát triển Paya Lebar Quarter tại Singapore theo hướng dành 15% không gian văn phòng cho co-working trong khi Capitaland cũng đang phát triển một hình thức tương tự ở Trung Quốc.

Theo JLL, mặc dù thị trường không gian linh hoạt hiện vẫn chiếm ít hơn 4% diện tích văn phòng hạng A trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, nhưng trong năm 2018 sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Trước năm 2030, không gian linh hoạt dự đoán sẽ chiếm lên đến 30% các danh mục hợp tác.  

Nhu cầu cũng được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao do văn hóa làm việc trên toàn khu vực liên tục biến đổi. Theo Chris Archibold, Giám Đốc thị trường của JLL Singapore, cho rằng: "Có khoảng 60 đến 70% địa điểm văn phòng mà JLL tư vấn được trang bị và thiết kế rất khác biệt so với 5-10 năm trước.

Sự đổi mới trong văn hóa làm việc và nhu cầu không gian linh hoạt tăng nhanh giúp Việt Nam trở thành tâm điểm của các NĐT. Vì vậy, các NĐT quen thuộc như Toong, NakeHub hoặc DreamPlex đang tìm kiếm các không gian để mở rộng hoạt động tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh.

Theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc tại Việt Nam của JLL, cắt giảm chi phí văn phòng và nhân lực, tạo môi trường năng động cho giới trẻ là hai trong số những điểm mạnh của mô hình không gian linh hoạt. Mô hình này có giá thuê thấp hơn, cung cấp nhiều tiện nghi hơn cho các doanh nghiệp trẻ so với văn phòng truyền thống.

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM