Tương lai bất định của các nhà phân phối sản phẩm công nghệ tại Việt Nam

23/07/2016 08:22 AM | Kinh doanh

Digiworld, một trong ba nhà phân phối thiết bị công nghệ lớn nhất hiện nay, đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh xuống chỉ bằng một nửa so với kỳ vọng trước đó.

Công ty cổ phần Thế Giới Số (Digiworld - DGW) vừa gửi đi thông cáo điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2016. Theo đó, giảm xuống 53,5% lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch đầu năm, từ 139,84 tỷ xuống còn 65 tỷ đồng. Doanh thu theo kế hoạch đầu năm là 5.430 tỷ đồng, giảm xuống còn 3.951 tỷ. Trả lời ICTnews, công ty này không giấu ý định nhìn ra ngoài lĩnh vực CNTT trong dài hạn.

Digiworld, cùng với FPT Trading và Petrosetco (có các công ty con như PSD, PHTD, Smartcom) đang là 3 nhà phân phối hàng công nghệ lớn nhất Việt Nam. Digiworld phân phối hầu hết các thương hiệu máy tính hiện nay tại Việt Nam và phân phối các nhãn hàng điện thoại như Intex, Obi, Wiko…

Bảng quảng cáo một chương trình khuyến mại mua hàng của Wiko, thương hiệu do Digiworld phân phối - Ảnh: H.Đ
Bảng quảng cáo một chương trình khuyến mại mua hàng của Wiko, thương hiệu do Digiworld phân phối - Ảnh: H.Đ

Lý giải nguyên nhân điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, DGW cho biết do một số nguyên nhân tạm thời từ thị trường và nội bộ công ty. Cụ thể, thị trường IT giảm mạnh so với dự kiến, giảm 17% sản lượng, theo GfK; ngược lại nhóm điện thoại tăng trưởng 14% lại nằm ở phân khúc giá rẻ. Về nguyên nhân chủ quan, DGW cho biết thời gian sản phẩm (mà công ty này phân phối) về không đúng kế hoạch ban đầu; cộng với chi phí marketing, nhân sự, cơ sở hạ tầng ứng trước chưa thu hồi; trong khi đó năm 2015 công ty chỉ có 3 nhà kho, 5 trung tâm hậu mãi, năm nay thêm 13 kho luân chuyển và 13 điểm tiếp nhận hậu mãi. 
Đặc biệt, các thương hiệu điện thoại mà công ty nhận phân phối lại khá mới ở Việt Nam nên doanh số chưa như kỳ vọng.

2016 là năm khó của Digiworld nhưng sự vụ đã được dự báo từ đầu năm nay, tại buổi họp đại hội cổ đông công bố kế hoạch kinh doanh của công ty. Theo đó, thành lập kể từ năm 1997, năm ngoái là l ần đầu tiên DGW ghi nhận doanh thu không như kế hoạch , giảm 14% so với năm 2014. Nguyên nhân chính của việc này là do Microsoft - đối tác lớn của DGW - thay đổi chính sách kinh doanh, không còn nắm giữ thị phần lớn như trước. Chỉ riêng quý 1/2015, Nokia/Microsoft đóng góp doanh thu tới 350 tỷ đồng cho DGW, cho thấy khi Nokia/Microsoft “chết” thì DGW cũng gặp khó.

Trên thực tế, thị trường công nghệ, đặc biệt là điện thoại di động, vẫn đang ghi nhận tăng trưởng tại Việt Nam. Các hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, FPT Shop liên tục mở rộng chuỗi, các cửa hàng trực tuyến như Lazada cũng ghi nhận tăng trưởng doanh thu. Tuy vậy, vai trò của các nhà phân phối như Digiworld, FPT Trading, Petrosetco đang dần mờ nhạt trong cuộc chơi lớn.

Nếu Digiworld gặp khó về doanh thu do Microsoft/Nokia ngã ngựa thì câu chuyện của FPT Trading cũng tương tự. Báo cáo tài chính quý I/2016 của tập đoàn FPT cho thấy mảng phân phối, bán lẻ đạt 5,2 nghìn tỉ đồng, kém hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng ở mảng bán lẻ, FPT Retail công bố đạt 2,4 ngàn tỉ đồng trong cùng quý, tăng 35%, cho thấy mảng phân phối của FPT Trading giảm doanh thu 40% so với quý đầu năm ngoái .

Một nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giảm doanh thu của FPT Trading là chính sách phân phối iPhone của Apple tại Việt Nam thay đổi. Từ tháng 9 năm ngoái, Thế Giới Di Động và FPT Shop được chỉ định nhập khẩu trực tiếp sản phẩm từ Apple , mà không qua các nhà phân phối như FPT Trading. Các nguồn tin cho biết FPT Shop có doanh thu bán iPhone lớn nhất so với các nhà bán lẻ khác, do đó một khi hệ thống này, cộng với các chuỗi khác không nhập hàng từ FPT Trading thì chắc chắn một nguồn doanh thu khổng lồ, có thể chiếm tới 70%, đã rời khỏi túi của công ty phân phối của FPT.


Những chiếc iPhone SE đầu tiên về Việt Nam do FPT Shop tự nhập, không qua nhà phân phối - Ảnh: H.Đ

Những chiếc iPhone SE đầu tiên về Việt Nam do FPT Shop tự nhập, không qua nhà phân phối - Ảnh: H.Đ

Ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng giám đốc FPT Shop, cựu đại diện Apple phụ trách thị trường Việt Nam, khi trao đổi với PV ICTnews cách đây 2 tháng công nhận trong bối cảnh các nhà bán lẻ tự nhập trực tiếp hàng từ hãng mà không qua công ty phân phối, thì các nhà phân phối đang gặp khó khăn tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho biết các công ty trên đều đang tìm cách tháo gỡ.

Digiworld đang tập trung làm việc với các hãng nhỏ trong khu vực, đưa hàng về Việt Nam bán, trong bối cảnh các hãng lớn đã tự làm việc với nhà bán lẻ. Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch kiêm CEO DGW từng nói sẽ nhập nhiều hãng nhỏ lẻ về, mỗi hãng chiếm thị phần nhỏ nhưng khi tổng hợp lại thì DGW sẽ chiếm thị phần lớn. Ngoài Wiko, Intex, Obi, sắp tới hãng này sẽ phân phối thương hiệu Freetel (Nhật Bản).

Ngoài ra, công ty này cũng cung cấp gói dịch vụ phát triển thị trường (MES) để giúp các nhãn hàng mới vào Việt Nam có thể chiếm khoảng 3% thị phần với chi phí và thời gian hiệu quả nhất. DGW lý giải các nhãn hàng nhỏ không đủ lực để triển khai các hoạt động phát triển thị trường tại Việt Nam, các chuỗi bán lẻ lớn cũng không làm marketing hay lưu kho hàng cho các nhãn hàng nhỏ này. Chỉ có DGW mới có thể làm thay họ các công việc như trên. Do đó, họ phải hợp tác với DGW tận dụng hệ thống, năng lực của DGW để vào thị trường Việt Nam.

Về kế hoạch dài hạn, DGW không giấu khả năng phát triển mô hình MES cho các lĩnh vực ngoài CNTT, cho thấy công ty đang có những bước chuẩn bị lâu dài khi ngành công nghệ không còn ưu đãi các nhà phân phối. Công ty cho biết đang đầu tư nhiều vào nhân sự, cơ sở hạ tầng nhằm chuẩn bị áp dụng dịch vụ MES cho ngoài ngành ICT.

FPT Trading cũng có những bước đi nhằm cứu vãn tình hình. Vào tháng 4 năm nay, công ty đã có đợt nhập hàng Oppo F1 về bán mà không qua nhà phân phối Oppo tại Việt Nam, bán với mức giá rẻ hơn Oppo Việt Nam phân phối . Việc này gặp phản ứng từ nhà phân phối Oppo tại Việt Nam, tuy nhiên vài ý kiến ủng hộ cách làm này của FPT Trading do có nguồn hàng rẻ hơn hàng đang phân phối. Nhiều nguồn tin không chính thức cho biết sau lô hàng Oppo F1, FPT Trading sẽ nhập các nguồn hàng hãng khác về bán tại các kênh khác nhau và không thông qua đại diện các hãng tại Việt Nam. Chưa rõ FPT Trading có nghiêm túc theo đuổi cách làm này hay không, nhưng vài nhà bán lẻ tỏ ý lo lắng, do các lô hàng FPT Trading nhập về bán có thể sẽ có giá rẻ hơn giá “chính hãng” đang bán, gây xáo động thị trường.

Khó tiếp cận được với các hãng có doanh số dẫn đầu, các công ty con của Petrosetco cũng nhập về và phân phối các hãng điện thoại nhỏ, phân phối qua nhiều kênh, trong đó có kênh online như Lazada. Một khi thương mại điện tử lớn mạnh, việc nhập hàng về bán qua kênh online sẽ là cách để nhà phân phối tồn tại.

Một điểm yếu khi làm việc với các hãng nhỏ chính là nguồn hàng và chế độ bảo hành. Digiworld thừa nhận có tình trạng hàng về không như dự kiến, nhưng không nói rõ có phải do các hãng smartphone nhỏ hay không. Tuy nhiên, nhiều thông tin nội bộ của các hãng smartphone thương hiệu Việt từng cho biết, vấn đề nguồn hàng cung cấp từ đối tác khá đau đầu. Do quy mô sản xuất nhỏ, những smartphone từ đối tác Trung Quốc sản xuất theo đơn hàng cho Việt Nam thường không ổn định, có khi chiến dịch tiếp thị đã tung ra nhưng hàng chưa nhập cảng để bán.

Nhìn chung, mô hình phân phối hàng công nghệ tại Việt Nam đang có những biến chuyển và các công ty phân phối có truyền thống lâu đời khá khó khăn để tìm phương án tháo gỡ. Những giải pháp trước mắt đều đã được tung ra nhưng kết quả còn phải chờ đợi.

Theo Hải Đăng

Cùng chuyên mục
XEM