Từng khổ sở vì bệnh béo phì, anh chàng 9x startup thịt thực vật: Ra mắt bánh trung thu nhân thịt không thể phân biệt, không chứa cholesterol đầu tiên tại Trung Quốc

24/08/2019 07:30 AM | Kinh doanh

Nhiều người tham gia thử nghiệm của Zhenrou không thể phân biệt giữa bánh trung thu truyền thống và sản phẩm có nhân có nguồn gốc thực vật của công ty.

Bánh trung thu là một loại bánh rất phổ biến ở Trung Quốc vào tháng 8 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên năm nay, sản phẩm này sẽ được nâng lên một tầm cao mới khi một startup cho biết sẽ sử dụng "thịt thực vật" để làm nhân bánh thay cho thịt động vật như thông thường.

Doanh nhân Lu Zhongming đã hợp tác với một nhóm nghiên cứu từ Đại học Công nghệ và Kinh doanh Bắc Kinh để thành lập công ty sản xuất thịt thay thế Zhenrou. Dự kiến họ sẽ giới thiệu bánh trung thu kiểu Tô Châu nhân thịt thực vật trong vài ngày tới, ngay trước dịp lễ trung thu cổ truyền của Trung Quốc vào tháng sau.

Từng khổ sở vì bệnh béo phì, anh chàng 9x startup thịt thực vật: Ra mắt bánh trung thu nhân thịt không thể phân biệt, không chứa cholesterol đầu tiên tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Lu Zhongming - chàng trai sinh năm 1991 là ông chủ của Zhenrou.

Trong khi nhiều loại bánh trung thu phổ biến nhất có nhân là bột hạt sen ngọt hay lòng đỏ trứng muối thì ở Tô Châu, người ta thường làm bánh nhân thịt lợn xay. Lu cho biết sản phẩm của Zhenrou sẽ đem lại cảm giác chân thực cho người tiêu dùng: "Gần đây, chúng tôi đã mời nhiều cư dân Thượng Hải tham gia một thử nghiệm hương vị và đa số họ không thể phân biệt giữa bánh trung thu truyền thống và sản phẩm có nhân có nguồn gốc từ thực vật của chúng tôi".

Zhenrou là một trong số những công ty trong và ngoài nước đang tấn công vào thị trường thịt thực vật tiềm năng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Beyond Meat và Impossible Food – hai nhà sản xuất thịt có nguồn gốc thực vật nổi tiếng nhất thế giới đang cạnh tranh gay gắt để giành thị phần bên ngoài thị trường Mỹ. Beyond Meat, công ty được hậu thuẫn bởi Tyson Foods, nhà chế biến thịt lớn nhất thế giới, dự định bắt đầu phân phối tại Trung Quốc vào nửa cuối năm nay.

Một công ty khác là Sustainable Bioproducts cũng có kế hoạch đưa các sản phẩm protein nhân tạo có khả năng thay thế thịt lợn trong các loại bánh phục vụ trong nhà hàng dim sum vào Trung Quốc trong thời gian tới.

Thị trường thực phẩm thay thế thịt toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 7,5 tỷ USD vào năm 2025, từ mức 4,2 tỷ USD năm 2017. Theo Lu, thịt thực vật tốt cho sức khỏe, bổ dưỡng, thân thiện với môi trường hơn đang trở thành xu hướng thực phẩm mới của nhiều người tiêu dùng trẻ. Trung Quốc nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung cần nhiều hơn nữa những công ty sáng tạo trong lĩnh vực này.

Một lợi thế khác của đất nước tỷ dân là các sản phẩm thay thế thịt không còn là khái niệm mới mẻ. Trên thực tế, nấu ăn chay sử dụng đậu phụ để thay thế thịt lợn và thịt gia cầm trong một số món ăn đã tồn tại ở Trung Quốc hàng thế kỷ.

Từng khổ sở vì bệnh béo phì, anh chàng 9x startup thịt thực vật: Ra mắt bánh trung thu nhân thịt không thể phân biệt, không chứa cholesterol đầu tiên tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Thịt có nguồn gốc thực vật đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Thách thức lớn nhất đối với các công ty thịt thực vật hiện nay liên quan đến việc cung cấp sản phẩm thay thế thịt là hương vị và kết cấu của sản phẩm. Li Jian, người đứng đầu nhóm nghiên của Zhenrou cho biết thịt có nguồn gốc thực vật của Trung Quốc đang từng bước theo kịp sản phẩm của các nhà sản xuất lớn của Mỹ về hương vị, kết cấu và màu sắc. Hiện sản phẩm của Trung Quốc vẫn cần người chế biến xử lý và nêm thêm gia vị trước khi chúng được phục vụ. Cũng theo Li, thịt xay là loại dễ sản xuất nhất. Tạo ra sản phẩm thay thế sườn và ba chỉ lợn sẽ là thách thức tiếp theo của Zhenrou.

Zhenrou được thành lập năm 2017 và có trụ sở tại Hàng Châu. Đây là công ty mới nhất của Lu kể từ khi anh nổi tiếng trong chương trình Shark Tank của Trung Quốc năm 2016. Sự xuất hiện đó đã giúp Lu và hai người bạn học nhận tài trợ từ các nhà đầu tư trong chương trình để phát triển startup Fuchouzhe chuyên bán thanh protein.

Lu từng mắc chứng rối loạn có tên "freshman 15", theo đó, một sinh viên mới vào đại học có thể tăng tới 15 pound (khoảng 6,8 kg) do ăn quá nhiều và lười vận động. Trong chương trình Shark Tank, anh chia sẻ: "Tôi đã tăng 20 kg chỉ trong học kỳ đầu và rất tự ti về ngoại hình của mình. Tuy nhiên mọi việc đã thay đổi khi tôi bắt đầu tập tạ và điều này truyền cảm hứng để tôi thành lập Fuchouzhe".

Với Zhenrou, Lu muốn lan truyền những lợi ích của loại thực phẩm như thịt thực vật, đặc biệt là trong bối cảnh người Trung Quốc có xu hướng áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh hơn như hiện nay. Ưu điểm tự nhiên của thịt thực vật là không chứa cholesterol. Do đó, chúng đặc biệt phù hợp với những người có vấn đề sức khỏe liên quan đến cholesterol.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, tuy là thực phẩm yêu thích của người Trung Quốc nhưng thịt lợn đã bị "thất sủng" phần nào khi mức tiêu thụ giảm 5% vào năm ngoái. Báo cáo gần đây của nhà điều hành ứng dụng giao đồ ăn Meituan Dianping đã chỉ ra rằng bữa ăn nhẹ ít calo, chất béo và nhiều chất xơ đang ngày càng trở nên phổ biến đối với người dùng của họ.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM