Từng gây chấn động khi bỏ ra gần 1 triệu USD mua thị trấn Mỹ, ông Phạm Đình Nguyên giờ đang sở hữu mảnh đất hoang vắng, không thể tìm ra cách kiếm tiền

16/03/2017 08:15 AM | Kinh doanh

Thị trấn Buford từng được doanh nhân người Việt Phạm Đình Nguyên mua lại giờ chứng kiến cảnh hoang vắng, không thể tìm ra cách kiếm được tiền.

Là thị trấn nhỏ bé nhất nước Mỹ nhưng Buford lại là nơi chứa đựng ước mơ lớn lao của Jason Hirsch. Đứng từ quầy thanh toán của một cửa hàng tiện lợi, Jason nhìn ra mảnh đất với tổng diện tích 4 ha đồng cỏ ở vùng cao nguyên Wyoming mà mình đang quản lý. Tại đây có một cửa hàng tiện lợi, một hộp thư, trạm xăng, một ngôi nhà nhỏ, một ngôi trường cũ và duy nhất 1 cư dân. Dẫu vậy, Jason nhìn thấy tiềm năng to lớn từ vùng đất bé nhỏ này.

Ông muốn nâng cấp trạm nghỉ cho các xe rơ-moóc (RV), xây dựng một sân chơi cho trẻ em, mở thêm chỗ đốt lửa cắm trại, lắp đặt các bàn ăn ngoài trời. Ông cũng muốn mở một tiệm bán các hàng thủ công mỹ nghệ vùng Wyoming hoặc mở một nhà hàng nhỏ. Jason luôn hình dung rằng thị trấn này là một điểm nhất định phải dừng chân của khách du lịch đi trên đường số 80 từ Cheyenne tới công viên quốc gia Yellowstone.

Jason Hirsch trong cửa hàng tiện lợi của Buford

Kể từ năm 2013, Buford thuộc sở hữu của doanh nhân người Việt là ông Phạm Đình Nguyên sau khi bỏ ra 900.000 USD mua lại thị trấn này. Đây là điểm dừng chân của khá nhiều tài xế xe tải đường dài mỗi khi gặp thời tiết xấu, còn những cung đường quanh co ở đây lại cực kỳ hấp dẫn khách du lịch và những tay cao bồi. Cảnh sát địa phương cũng hay ghé qua các cửa hàng tiện lợi tại đây để mua cà phê, còn các chủ trang trại địa phương thường đến đây mua thuốc lá hay tờ vé số, và đứng tán gẫu về thời tiết.

Tuy nhiên, Buford đang gặp khó khăn về tiền bạc.

Jason - người vừa là quản lý thị trấn, quét dọn vệ sinh, chủ cửa hàng và phát ngôn viên cho Buford chia sẻ rằng: “Mọi chuyện bây giờ tính theo tuần. Tất cả phụ thuộc vào việc tôi có thể trả được hết các hoá đơn hay không”.

Vật lộn kiếm sống

Thời hoàng kim, Buford từng có thời có tới 2.000 cư dân sinh sống. Được xây dựng từ những năm 1860 như một căn cứ quân đội, tuy nhiên khi quân đội chuyển căn cứ sang thành phố cạnh đó là Laramie, Buford bắt đầu suy tàn. Đến năm 2006, thị trấn chỉ còn một cư dân duy nhất là Don Sammons.

Ông Sammons quyết định bán thị trấn vào năm 2012 sau hơn 20 năm kiêm nhiệm chức thị trưởng, chủ sở hữu và người quản lý. Người chủ mới của Buford là ông Phạm Đình Nguyên sau khi bỏ ra 900.000 USD để mua lại thị trấn này. Hiện tại, ông Nguyên cũng chính là chủ sở hữu của cây xăng, cửa hàng tiện lợi, một trường học xây năm 1905 nay được cải tạo thành văn phòng, một tháp phát sóng điện thoại, một nhà để xe, một nhà kho, một căn nhà ba phòng ngủ và mã bưu chính riêng của thị trấn.

Hiện tại ông Nguyên đang sống ở TP Hồ Chí Minh và theo chia sẻ của ông, việc mua lại Buford là nhằm bán sản phẩm cà phê đặc sản (specialty coffee) Việt Nam cho người Mỹ. Dù không đổi tên chính thức nhưng ông Nguyên thậm chí còn gọi thị trấn này là PhinDeli Town Buford nhằm tôn vinh thương hiệu cà phê PhinDeli của mình.

Ngay trong cửa hàng tiện lợi của Buford cũng có thể chứng kiến một sự pha trộn văn hóa thú vị: Những bức ảnh nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia địa phương đặt bên cạnh với những túi cà phê Việt Nam. Trên bức tường sau quầy tính tiền là một bức tranh đầy màu sắc về hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trồng và pha chế cà phê cho một vị khách Mỹ.

Trong bài phỏng vấn với tờ Star-Tribune vào năm 2013, ông Nguyên chia sẻ: “Dù thị trấn khá nhỏ nhưng nơi đây có thể tiếp cận được một lượng lớn người dân, và tôi hy vọng họ sẽ được thưởng thức cà phê Việt Nam từ PhinDeli”.

Tại quê nhà Việt Nam, hình ảnh ông Nguyên luôn gắn liền với chiếc mũ cao bồi và nhiều người hay gọi ông là "thị trưởng". Jason cho biết ông Nguyên trở nên “nổi như cồn” tại Việt Nam sau thương vụ mua lại thị trấn Buford.

Tương lai bất định

Jason bắt đầu thuê lại Buford từ ông Nguyên năm 2015 với hy vọng sẽ khai thác được hết tiềm năng của thị trấn này. Được biết hợp đồng sẽ kết thúc vào tháng 12 tới đây và nếu không có bất kỳ thay đổi nào, có lẽ Jason sẽ không gia hạn thêm nữa. Theo các điều khoản trong hợp đồng, Jason phải quản lý thị trấn, hoàn thành mọi công việc sửa chữa và chi trả tất cả mọi chi phí từ nguồn lợi nhuận của cửa hàng tiện lợi và cây xăng. Mỗi tháng, tính riêng tiền thu gom rác thải đã lên tới con số 800 USD/tháng.

Nhìn chung thì hợp đồng này không mang lại hiệu quả. Để ký lại hợp đồng cho 5 năm nữa, Jason có thể sẽ phải thương lượng lại hợp đồng và yêu cầu ông Nguyên chấp nhận việc cắt giảm một số nghĩa vụ về tài chính cho Jason để ông có thêm cơ hội cải tạo Buford.

“Cần có rất nhiều thứ nếu muốn biến đây trở thành một thương vụ kinh doanh bền vững. Đáng tiếc với những điều kiện hiện tại thì không", Jason nói.

Mùa đông là giai đoạn khó khăn nhất của Buford. Có rất ít khách du lịch đến chi tiêu ở cây xăng, và việc bảo dưỡng thiết bị cũng trở nên khó khăn và đắt đỏ hơn. Các hàng rào bị gió xô ngã, nước giếng thì đóng băng. Những cơn gió thổi qua đồng cỏ thậm chí làm hỏng mái các tòa nhà trong thị trấn. Chỉ một năm trước, sét đánh vào trạm phát sóng điện thoại đã khiến Jason phải tốn 8.000 USD để sửa chữa.

Nhóm phóng viên tờ Star Tribune đến thị trấn vào một ngày thứ 3 nhưng trong cửa hàng tiện lợi, các kệ hàng rất thưa thớt hàng hoá bởi Jason cho biết ông không còn tiền để mua thêm hàng về bán. Những gì Buford thực sự cần là một nhà đầu tư, một ai đó có thể cho ông vay tiền để tu sửa thị trấn.

"Nếu tôi rời đi, ông Nguyên sẽ rất khó khăn nếu muốn tìm một người khác để điều hành nơi này. Việc sống một mình ở Buford, Wyoming, không phải là điều mà mọi người mong muốn", Jason nói.

Trạm xăng vắng vẻ ở Buford:

Trên thực tế, Jason không phải cư dân duy nhất của Buford bởi ông còn có người bạn Brandon Hoover - người đang sống miễn phí trong một ngôi nhà nhỏ nằm cách cây xăng vài chục mét. Để đổi lấy chỗ ở và một khoản tiền nhỏ hàng tháng, Hoover chia sẻ trách nhiệm chăm sóc thị trấn và cửa hàng. Còn Jason thì lại sống ở một trang trại nhỏ cách khoảng 3 dặm phía Nam Buford.

Cuộc sống ở Buford yên tĩnh đến mức nhàm chán. Dẫu vậy Jason nói rằng ông không bao giờ thấy cô đơn ngay cả trong mùa đông. Mở lại cuốn sổ ghi chép kể từ khi bắt đầu điều hành thị trấn, Jason nhìn vào danh sách dài những người từng ghé qua nơi đây, từ cả London, Pháp, California, Texas, thậm chí từ những nơi khác cũng mang tên Buford như Buford (Georgia), và cả Việt Nam nữa.

Tuy nhiên, Jason thành thật chia sẻ: “Khách du lịch Việt Nam thường đến và chụp rất nhiều ảnh nhưng họ không bao giờ mua thứ gì cả”.

Một người lái xe tải đi vào cửa hàng để được dùng nhờ wifi - thứ mà bản thân Jason cũng muốn có nhưng không đủ điều kiện. Sau khi mua một bao thuốc lá, người này đã lái xe đi luôn bỏ lại làn khói bụi.

"Giữ tiền trong túi anh thật kỹ vào nhé", Hirsch với ra ngoài khi đóng cửa lại.

Nhưng những người dân địa phương thì khác. Họ thường đến quán và ngồi trên những chiếc ghế màu kem và mang trên mình những bộ trang sức mang biểu tượng đặc trưng của thị trấn. Đó chính là điều khiến Jason yêu thị trấn nhỏ bé này. Ông thích phong cách sống đó. Ông thấy mãn nguyện khi không phải dừng lại chờ đèn đỏ khi đi từ nhà tới Buford. Thỉnh thoảng, vào những ngày hè đầy nắng, ông cưỡi chú ngựa Sugar Pie của mình đi làm.

Jason gần như không kiếm được tiền từ người dân địa phương, nhưng họ là một phần lý do khiến ông tiếp tục bám trụ tại đây. Jason đã biến Buford thành một trung tâm cộng đồng cho hơn 100 người dân sống trong khu vực rộng hơn 40.000 ha xung quanh thị trấn.

"Họ là chỗ dựa cho tôi, họ cố gắng hỗ trợ tôi nhiều nhất có thể", Jason nói.

Năm ngoái, Buford đã tổ chức một bữa tiệc nhân ngày Quốc khánh Mỹ (4/7) với âm nhạc, tiệc nướng và bia. Vài trăm người dân địa phương đã đến, cùng với một vài du khách chung vui. Họ ngồi trên các kiện cỏ khô, nghe ban nhạc hát giữa tiếng gió thổi của thảo nguyên Wyoming, và gọi đó là "đại nhạc hội" Buford Windstock.

Bất cứ khi nào thời tiết cho phép, Jason còn tổ chức những buổi chơi bài poker cho các nhân viên cứu hỏa tình nguyện tại văn phòng của thị trấn.

Theo Victor Miller - người đang điều hành trang trại gần đó thì những người hàng xóm mới tới thường quen nhau bằng cách trò chuyện tại cửa hàng tiện lợi của Jason. Bản thân Victor Miller là một khách hàng thường xuyên, ông đến cửa hàng gần như mỗi ngày để trò chuyện với Jason và kiểm tra hòm thư. Nhờ trò chuyện như vậy, họ có số điện thoại của nhau để trao đổi trong những trường hợp khẩn cấp.

Jason không biết sẽ phải làm gì nếu không còn điều hành thị trấn nữa. Rồi mọi người sẽ nhận bưu phẩm bằng cách nào? Ai sẽ đứng ra tổ chức các buổi chơi poker khi Buford đóng cửa?

“Thật sự rất buồn. Khi mà tôi chỉ vừa tìm ra được một số cách thì hiện tại tương lai lại trở nên hết sức mờ mịt”…

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM