Từng bị ví von là “Thịt Lợn Thiu”, cổ phiếu Upcom này đã tăng gấp cả chục lần

09/05/2016 09:20 AM | Kinh doanh

Từng có khoảng thời gian dài giao dịch dưới 1.000 đồng, tuy nhiên với KQKD tích cực cùng sự sôi động của thị trường Upcom khiến cổ phiếu TLT đã lên đến 15.000 đồng

Những năm trước đây, sự “đóng băng” của thị trường BĐS đã kéo theo hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng gặp muôn vàn khó khăn. CTCP Viglacera Thăng Long (TLT) là một trường hợp tiêu biểu khi hoạt động kinh doanh ngừng trệ, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn và công ty từng phải tạm dừng hàng loạt dây chuyền sản xuất.

Năm 2008, TLT lỗ tới 96 tỷ đồng, mức kỷ lục kể từ khi thành lập. Khó khăn vẫn chưa dừng lại khi năm 2012, công ty lỗ tiếp 39 tỷ đồng và thường xuyên trong tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Với kết quả kinh doanh kinh doanh bết bát, thị giá TLT có giai đoạn dài giao dịch dưới 1.000 đồng. Khi đó, không ít nhà đầu tư đã gọi TLT với biệt danh “Thịt Lợn Thiu” nhằm ám chỉ nỗi cám cảnh của cổ phiếu này. Cần lưu ý, thị giá TLT từng có thời điểm trên 100.000 đồng (giá đã điều chỉnh) vào những năm 2007 khi TTCK Việt Nam ở thời kỳ vàng son.

Năm 2013, TLT quyết định hủy niêm yết trên HNX và lùi về Upcom. Kể từ thời điểm này, cái tên TLT gần như bị “lãng quên” khỏi tâm trí nhà đầu tư.


TLT từng có thời kỳ giao dịch trên 10 chấm

TLT từng có thời kỳ giao dịch trên "10 chấm"



Mức tăng tính bằng chục lần trong ba năm qua

Mức tăng tính bằng chục lần trong ba năm qua

Ấm dần cùng thị trường bất động sản

Sau những năm dài ảm đạm, kết quả kinh doanh của TLT đã khởi sắc trở lại kể từ năm 2014 cùng với sự ấm lên của thị trường BĐS. Cụ thể, năm 2014, TLT đạt gần 6 tỷ đồng LNST, trong khi năm trước đó chỉ lãi chưa đến 1 tỷ đồng. Năm 2015, lợi nhuận TLT tăng gần 6 lần so với năm 2014 lên 35 tỷ đồng, tương ứng EPS 4.976 đồng.

Mặc dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng do sự “bết bát” của những năm trước đó khiến TLT còn lỗ lũy kế gần 100 tỷ đồng.

Sau những năm tháng khó khăn, TLT đang có kế hoạch mở rộng nhà máy gạch ốp Viglacera Phú Hà giai đoạn 1 với khách hàng mục tiêu là các công trình lớn trong nước và xuất khẩu. Tuy vậy, kế hoạch này vẫn trong quá trình chờ Tổng công ty Viglacera phê duyệt cấp vốn do TLT đang lỗ lũy kế, không thể vay vốn đầu tư.

Hiện tại, thị trường tiêu thụ của TLT chủ yếu ở khu vực phía Bắc với 100% sản phẩm được bao tiêu bởi 2 công ty liên kết là CTCP Kinh doanh gạch ốp lát Viglacera và CTCP Thương mại Viglacera.

Sản phẩm chính của TLT là gạch ốp lát Ceramic bán sứ, ngói tráng men với tổng công suất thiết kế 8,5 triệu m2/năm, trong đó công suất thiết kế của gạch ốp là 5,5 triệu m2/năm, của gạch lát và ngói là 3 triệu m2/năm.

Thanh khoản, điểm trừ của TLT

2 cổ đông lớn nhất của TLT gồm TCT Viglacera và CTCP Tài chính điện lực hiện nắm giữ gần 60% cổ phần. Lượng cổ phiếu trôi nổi còn lại trên thị trường là khá ít- khoảng 2,8 triệu đơn vị khiến thanh khoản TLT không thực sự hấp dẫn.

Trong suốt giai đoạn từ 2014 tới nay, chủ tịch TLT- ông Nguyễn Minh Tuấn liên tục đăng ký mua 100.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa bao giờ diễn ra suôn sẻ do lượng cổ phiếu bán ra quá ít.

Thời gian gần đây, cùng với sự sôi động của thị trường Upcom và KQKD tích cực, thanh khoản TLT đã cải thiện lên vài chục nghìn đơn vị mỗi phiên. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khá thấp và không thực sự phù hợp với nhà đầu tư lớn.

Hiện tại, TLT đang giao dịch với thị giá quanh ngưỡng 15.000 đồng, tương đương P/E khoảng 3 lần. Năm 2016, TLT đặt kế hoạch lãi trước thuế 43 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước. Tuy vậy, TLT vẫn chưa thể chia cổ tức do lỗ lũy kế và theo ước tính của CTCK BSC, sớm nhất đến năm 2018 việc chia cổ tức mới có thể diễn ra.

Theo Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
XEM