img
Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 1.
Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 2.
Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 3.

Trà nói vậy, rồi dụi đầu vào ngực Long, hít hà mùi mồ hôi của người chồng kém tuổi. Trà lim dim mắt, cười nhẹ rồi nhủ thầm: "Em già rồi, Long ạ. Giờ anh còn thương em, mình cứ ở bên nhau như vầy, mai mốt hết thương, anh muốn lấy vợ khác cũng không ai cản đường".

Đó không phải lần đầu Trà từ chối lời cầu hôn của Long. Ảnh nói với cô nhiều lần, mà lần nào Trà cũng đánh trống lảng, hoặc nói ảnh: "Mai mốt Long có thương ai, Long nói với em nha, em cưới cô đó về làm vợ cho anh liền, nói nghiêm túc luôn!". Rồi Long lại ký đầu Trà một cái thiệt cưng, hoặc ôm Trà vào lòng, siết thật chặt như sợ người đàn bà ấy sẽ tan biến mất, một ngày nào đó.

Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 4.

Trà đẹp. Trà năng động, lí lắc, tươi vui như một chú chim nhỏ hát ca. Nhưng Trà 40 rồi, đã qua hai đời chồng, là một bệnh nhân sống chung với HIV. Còn Long, vừa tròn 30, cao ráo, đẹp trai, đang là quản lý cấp khu vực của một công ty. Long là một người khỏe mạnh, và trước khi gặp Trà, anh không thể tưởng tượng chuyện mình sẽ chung sống và say mê một người phụ nữ có HIV đến thế.

Trà cũng yêu Long, và chị đáp lại cái hừng hực, đắm đuối, đáp lại khao khát gắn bó, đòi làm đám cưới, đi đăng ký kết hôn của ông xã bằng thứ tình yêu trầm tích và rất… bình tĩnh của một người đàn bà từng trải. Trà bảo, chị không còn mặc cảm, tự kỳ thị mình vì là người có H, cũng chẳng ngại vì mình đã qua 2 lần chồng, thậm chí còn hơi "lạnh lùng" khi chỉ muốn cuộc tình giữa hai người không có thêm ràng buộc.

Phần vì Trà lớn hơn Long 10 tuổi, con Trà năm nay cũng lớn, vào Đại học rồi, Trà mắc cỡ khi nghĩ đến việc mặc váy cưới lần 3; phần vì, chị không muốn đám cưới hay tờ hôn thú khiến Long "mắc kẹt" với mình. Mấy năm trước, Trà có chút trục trặc với nang trứng, phải phẫu thuật 2 lần, chị uống thuốc đều thì nó nằm yên, nhưng bác sĩ bảo, chị không thể làm mẹ thêm lần nữa.


Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 5.

Họ sống như vợ chồng đã 4 năm nay, bằng thứ tình yêu vừa mong manh, vừa bền chặt như cách Trà giỡn: "Ổng đeo theo tui hoài, tui đòi bỏ bao nhiêu lần mà có được đâu!". Còn Long, anh gọi bạn gái là "bé Trà" đầy nâng niu, thi thoảng những ngày Trà đi làm từ thiện, hỗ trợ các chương trình dành cho người bị ảnh hưởng bởi HIV, anh lại đi theo phụ bê đồ, xách túi cho Trà, hay đơn giản chỉ là chở cô đi, kiếm một góc lặng lẽ ngồi đợi cô xong việc.

Lúc mới quen, Trà không biết ông xã nhỏ tuổi như vậy. Khi đó, chị đã chia tay chồng thứ hai, đang chăm mẹ ung thư trong một bệnh viện ở Sài Gòn, còn anh làm giám sát vệ sinh tòa nhà ở đó. Vừa chăm mẹ, Trà vừa đi xin quần áo, gom đồ làm từ thiện, còn nhờ Long cho mượn một góc để ké đồ, nếu được thì… trông giùm luôn. Thấy Trà xinh xinh, hay hay, Long hỏi: "Em có ăn cơm từ thiện không, anh xin giùm cho?", Trà chịu liền, rồi cứ vậy, Long mê Trà hồi nào chẳng hay.

Quen nhau một hồi, Long ngỏ lời muốn làm bạn trai của Trà. Chị giãy nảy: "Ý chết, hổng được đâu, mình làm bạn thôi nha, hổng có yêu được đâu, em đang mắc bệnh". Câu trả lời lấp lửng ấy không khiến Long thỏa mãn, anh ép Trà nói ra lý do, để rồi khi 3 chữ "Em bị HIV" thốt ra, Long ngẫm nghĩ chút xíu rồi đáp lại: "Hổng sao đâu, anh thấy em cũng bình thường mà".

Đúng là với nhiều người có H, Trà bình thường thật. Sau 10 năm liên tục tuân thủ dùng ARV, lối sống lành mạnh, Trà có sức khỏe tốt, virus dưới ngưỡng phát hiện (dưới 200 đơn vị/ml máu) và không bị lây truyền virus qua đường tình dục. Trà tự tin về sức khỏe của mình, bởi sau 4 năm quan hệ tình dục bình thường (không sử dụng biện pháp bảo vệ), Long không bị lây nhiễm HIV từ bạn tình.

Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 6.
Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 7.

Nhưng để có được những ngày sống bình yên, vui vẻ và có ích và có Long như bây giờ, Trà đã phải qua một quãng thời gian nhiều giông bão. Trà nhớ mãi những tháng ngày cuối năm 2007. Hồi đó, chồng đầu của chị làm lơ xe liên tỉnh, 2 tuần mới về 1 lần. Vào một ngày tháng 10, anh về nhà thì cứ chiều chiều lên cơn sốt, nổi hạch đầy cổ. Trà lo lắng đi hỏi một bác sĩ quen, ổng nói mang chồng lại viện khám rồi xét nghiệm. Có kết quả, bác sĩ kêu hai vợ chồng chị vô phòng tư vấn HIV.

Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 8.

Chồng Trà la làng, quậy muốn banh phòng tư vấn. Ít bữa sau, Trà cũng đi xét nghiệm. Kết quả ghi: HIV ½ dương tính, Trà cũng chưa hiểu thế nghĩa là gì, vì hồi đó, khái niệm SIDA quen thuộc hơn với công chúng. Trà cầm giấy xét nghiệm hai vợ chồng về đưa cho chị của chồng, cũng là bác sĩ coi. Bả làm thinh không nói gì, mặt biến sắc xanh lè, bốc điện thoại nói chuyện với đồng nghiệp một hồi rồi thông báo cho Trà biết, hai vợ chồng Trà đã mắc SIDA.

Lúc đó, Trà hận chồng dữ lắm. Từ một người mẹ có tri thức, có việc làm, có nhan sắc, Trà như sụp đổ vì nghĩ mình sắp chết, mà không phải bởi một bệnh gì "hợp lý" một chút, lại là SIDA. Nhưng hai người không đánh chửi gì nhau, mà cùng nhau nghĩ liền đến việc tự tử.

Tối đó, Trà đã cầm sẵn thuốc chuột trên tay, hai vợ chồng ngồi dậy, chuẩn bị uống, bỗng con nhỏ đang ngủ bật dậy khóc nức nở, khóc đòi ba mẹ ẵm. Tiếng khóc giữa đêm như khiến vợ chồng Trà khi ấy như tỉnh cơn mê. "Nếu cả 2 cùng chết, con mình sẽ sống sao, làm sao nó vượt qua được cú sốc đó, ai sẽ nuôi nó, nó có bị kỳ thị không…". Vậy là dừng!

Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 9.

Không tự tử nữa, nhưng thời điểm đó, SIDA là một bóng đen ám ảnh kinh khủng bao trùm lên Trà và chồng. Hai người tự cô lập mình, tự mua tô chén ăn riêng, giặt đồ riêng, sống tách biệt với gia đình. Lấy hết can đảm, họ kể cho ba chồng nghe chuyện trước, rồi tiết lộ với má chồng. Ai cũng sốc, nhưng tất cả mọi người trong nhà vẫn thương yêu, chăm sóc Trà, động viên cô giữ tinh thần còn điều trị để sống lâu, chăm sóc con. Khi biết chị chồng Trà đã âm thầm đem em bé đi xét nghiệm và kết quả bé không có H. Trà lại càng muốn sống hơn.

Năm 2008 chia tay chồng đầu, 2009 Trà được vào chương trình điều trị ARV và bền bỉ dùng thuốc từ đó. Chị thú nhận, có H là một nỗi đau, nhưng cũng là "cảnh báo" khiến chị yêu bản thân hơn, chăm chút cho sức khỏe hơn, sống có trách nhiệm hơn. "Mà mắc cười lắm, hồi đó sợ chết rồi, mình còn sợ xấu nữa. Sợ nhất là nhan sắc tàn tạ, ốm nhom toàn xương thì chán lắm. Nhưng tới Trung tâm Y tế quận lấy thuốc điều trị HIV, thấy nhiều người xấu hơn mình, tàn tạ hơn mình vẫn ham sống, có người đáp ứng thuốc nhanh còn khỏe ra, nên mình bắt đầu nghiên cứu về HIV, tìm cách để sống sót mà an toàn cho những người xung quanh".

Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 10.

Khi "phát hiện" ra HIV không đồng nghĩa với tử thần, lại gặp gỡ những người trong Mạng lưới hỗ trợ người sống chung với HIV, Trà như hồi sinh. Vẫn sợ người "bên ngoài" biết được mình bệnh, vẫn sợ hàng xóm, bà con khối phố, phụ huynh trong lớp của con, cô giáo con… biết mình đang điều trị HIV, nhưng khi được mời làm công việc tư vấn, hỗ trợ cho những người có nguy cơ hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV, Trà trở thành con người mới.

"Tất cả những cảm xúc của người có H, mình trải qua hết rồi. Từ mơ hồ về bệnh, sợ chết, tự kỳ thị bản thân, uống thuốc tử tự cho đến khi hiểu và vượt qua, mình đã được trợ lực rất lớn từ tình yêu thương của gia đình cũng như những anh chị tư vấn viên trong mạng lưới. Mình nhận việc hỗ trợ tinh thần, hướng nghiệp việc làm cho người có H, đi vận động, quyên góp, giúp người mới nhiễm vào chương trình điều trị, tư vấn cho các bạn làm dịch vụ nhạy cảm đi khám phụ khoa, hướng dẫn dùng bao cao su đúng cách, an toàn tình dục, tránh bạo lực tình dục… Quay lại và chung tay tuyên truyền, hỗ trợ để giúp cho những người giống như mình vượt qua cú sốc để không trượt dài trong nỗi đau, đó là cảm giác rất hạnh phúc.

Từ 3 năm trở lại đây, mình làm thêm công việc giám sát vệ sinh công nghiệp tòa nhà, làm nhân viên cho anh Long đó, để có thêm thu nhập, phụ nhà nội nuôi con. Trong công ty mình giờ cũng có các nhân viên là người có H, người từng sử dụng ma túy, từng là gái mại dâm… những thành phần bị xã hội kỳ thị, nhưng mình tin họ, đón họ về, xin cho họ việc làm. Mình nghĩ, chuyện cá nhân của họ để qua một bên, khi nhận vào làm, mình chỉ quan tâm đến khía cạnh công việc, họ có phải là nhân viên tốt hay không thôi".


Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 11.
Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 12.

Trà của 2019 như một bông cúc dại kiêu hãnh vươn mình trong nắng, với đầy những sứt sẹo mà bão gió đã tạt qua. Mắt Trà sáng lên, có chút mắc cỡ khi Phong nhìn mình âu yếm. Ba mẹ của Long chưa được thông báo chính thức về chuyện Trà có H, chỉ biết rằng công việc tư vấn, hỗ trợ của chị thường xuyên tiếp xúc với môi trường phức tạp. Long cũng nhiều lần đánh tiếng cho ba mẹ hay, kiểu như: "Trà đi tư vấn thấy nhiều cảnh lắm, nghệ sĩ cũng có, trí thức cũng có, bác sĩ cũng có… Ai cũng có nguy cơ bị lây nhiễm chứ không phải người hư mới bị đâu".

Nhưng họ cũng mơ hồ hiểu chuyện, sau 1 lần mẹ Long thấy Trà lên ti vi nói về bạo lực tình dục, về công việc tư vấn HIV, về sự kỳ thị của cộng đồng và khó khăn của người có H… Trà ngầm thừa nhận với người đàn bà mà chị gọi là mẹ chồng - hơn chị 8 tuổi, bằng tuổi chồng cũ của mình - tình trạng sức khỏe, và người mẹ ấy chỉ ôm chị vào lòng, bảo: "Thôi cũng là duyên số. Trước đây Long nó cũng có vợ ba mẹ cưới hỏi cho đàng hoàng, có con chung nữa, vậy mà chưa được 1 năm tụi nó chia tay. Giờ ở với con vậy mà bền, chắc hai đứa hạp duyên nhau". Vậy là, căn nhà thuê của Trà và Long, giờ có thêm hai thành viên mới, là ba mẹ Long từ miền Tây lên thành phố ở chung luôn, không có hôn thú hay máu mủ gì, mà vẫn là tổ ấm.

Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 13.

Và mắt Trà cũng lấp lánh hạnh phúc khi nhắc về con gái. Con gái Trà tròn 18, con bé vừa đậu Đại học, ngành công tác xã hội như mẹ năm xưa. Bé không nhiễm H, đó là tia sáng cứu vớt đời Trà năm 2007. Con bé học khá, tươi vui, được lớn lên trong tình yêu thương, bảo bọc của cả gia đình bên nội và mẹ, dù ba mẹ đã ly hôn, đó là động lực khiến Trà sống lạc quan hơn. Bao năm nay, nhà nội con bé vẫn tìm cách để Trà được tham gia vào cuộc sống của con bé, để kết nối tình cảm giữa hai mẹ con, để con bé gần và yêu quý mẹ.

Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 14.

Con gái Trà cũng là một cô bé rất hiểu chuyện, rất am hiểu kiến thức về HIV và hoàn toàn không kỳ thị người có H. Bé chủ động xin theo mẹ đi làm tình nguyện, nói chuyện về kiến thức sức khỏe, các loại thuốc, cách giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV với mẹ. Thỉnh thoảng, bé cũng méc chuyện ba uống thuốc không đúng giờ, hay thức khuya, hay chơi game… Trà lờ mờ đoán, hình như con bé đã biết sự thật. Nhưng Trà và chồng cũ chưa sẵn sàng để công khai với con chuyện đó, dù 12 năm đã trôi qua, bởi họ sợ nói ra, con sẽ tổn thương, bị ảnh hưởng tâm lý, và cũng sợ, con sẽ nhìn mình bằng một ánh mắt khác.

12 năm rồi, ngoài gia đình chồng cũ và một số người thân, Trà cũng chỉ mới dám kể cho mẹ ruột mình nghe, chứ chưa dám mở lời nói với ba. Mẹ thương Trà dữ lắm, khóc quá trời quá đất, nhưng cũng không có nhiều kiến thức, thành ra cũng giữ khoảng cách với con một chút. Trà về quê thăm mẹ, mẹ cho ăn riêng chén, uống riêng ly. Trà chẳng trách bà, chỉ tiếc là chưa nói đủ để mẹ hiểu biết hơn.

Rất nhanh sau đó, mẹ Trà bị ung thư gan. Trong những ngày nằm bệnh, bà ôm Trà vào lòng, nói là: "Ước gì mẹ bệnh thế cho con được, ước gì mẹ bị thêm bệnh của con rồi chết đi, cho con khỏe mạnh mà sống"... Rồi khi gần mất, bị những cơn đau hành hạ ngày đêm, bà lại nói: "Thà mẹ bị HIV như con còn hơn (!) vì mẹ thấy con vẫn khỏe mạnh bình thường mà". Mãi đến sau này, khi tự mình trải nghiệm và tư vấn cho những người đồng bệnh, học được cách yêu thương cơ thể mình hơn, Trà mới thấm thía những lời mẹ nói, rằng nếu người có H tuân thủ liệu trình điều trị, điều chỉnh lối sống và đáp ứng thuốc, họ hoàn toàn có thể sinh sống bình thường như những người khác, có thể có bạn tình, sinh con, cho con bú, có thể sống lâu, sống hạnh phúc và chất lượng.

Nhưng tận thẳm sâu trong đáy mắt của Trà, vẫn còn nỗi buồn mênh mang chưa thốt được ra lời. Mẹ đã mất rồi, mang theo bí mật của Trà xuống mồ, và có thể đó sẽ là người thân cuối cùng của cô biết chuyện.

Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 15.
Từ vực thẳm tuyệt vọng đến cuộc hồi sinh ngoạn mục và cuộc tình đẹp như mơ với chồng trẻ kém 10 tuổi của người phụ nữ 12 năm chung sống với HIV - Ảnh 16.

Trí thức trẻ