Từ vị thế của kẻ dẫn đầu, tham vọng thống trị toàn cầu, Huawei đang đối mặt với tương lai bất định chưa từng có

10/12/2018 09:48 AM | Kinh doanh

Các chuyên gia phân tích nói rằng việc giam giữ bà Mạnh sẽ làm gia tăng những rắc rối trong dài hạn cho Huawei.

Việc bắt giữ lãnh đạo cấp cao của Huawei vừa diễn ra sẽ làm dấy lên những lo ngại về bảo mật cho các quốc gia khác - đặc biệt là các đồng minh với Mỹ và điều này gây nguy hại thực sự cho dòng lợi nhuận trong tương lai của công ty.

Cụ thể, GIám đốc tài chính (CFO) Huawei là bà Meng Wanzhou (Mạnh Vãn Chu) – con gái của nhà sáng lập công ty Ren Zhengfei đã bị bắt giữ tại Vancouver, Canada và đối mặt với khả năng bị dẫn độ về Mỹ.

Đến thời điểm này tội danh của bà Mạnh vẫn chưa được công bố chi tiết nhưng nhiều nguồn tin cho biết nó có liên quan tới vi phạm về lệnh cấm vận của Mỹ lên Iran. Huawei thì khẳng định họ được cung cấp "rất ít thông tin" liên quan tới vụ bắt giữ và đến giờ vẫn chưa nhận ra bất kỳ điều gì sai trái của bà Mạnh.

Tuy nhiên các chuyên gia phân tích nói rằng việc giam giữ bà Mạnh sẽ làm gia tăng những rắc rối trong dài hạn cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. "Điều này có thể tạo ra ảnh hưởng dây chuyền và gây tác động tới lựa chọn nguồn hàng của nhiều quốc gia", theo Gu Wenjun – nhà sáng lập công ty nghiên cứu ICwise có trụ sở tại Thượng Hải. "Phía Mỹ cũng có thể nhân cơ hội này để yêu cầu các đồng minh ngừng sử dụng thiết bị của Huawei".

Từ vị thế của kẻ dẫn đầu, tham vọng thống trị toàn cầu, Huawei đang đối mặt với tương lai bất định chưa từng có - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Chu mới bị bắt giữ theo yêu cầu của phía Mỹ.

Ngoài ra, vụ bắt giữ cũng làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện phía Bắc Kinh đang yêu cầu thả ngay lập tức bà Mạnh. Người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc nói vào ngày thứ 5 vừa qua rằng Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ và Canada tuyên bố ngay lập tức lý do vụ bắt giữ.

Biến cố mới nhất này tới ngay sau khi chính quyền ông Trump tăng cường những rào cản đối với các khoản đầu tư của người Trung Quốc và đánh thuế vào 250 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc. Chính quyền Mỹ nói rằng các hành động này là nhằm trả đũa cho việc phía Bắc Kinh đã nhiều lần yêu cầu các công ty Mỹ phải tiết lộ bí mật công nghệ và thương mại nếu muốn kinh doanh tại đây.

Tham vọng của Trung Quốc là trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành công nghiệp công nghệ cao bị Mỹ xem như một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và Huawei là trung tâm của mối lo ngại này khi công ty đã nhiều lần bị cáo buộc đã cài đặt những thiết bị nghe lén trong các sản phẩm của họ. Công ty này thì một mực nói rằng đó là cáo buộc vô căn cứ và rằng họ luôn tuân thủ luật lệ đối với tất cả hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Mặc dù vậy, họ vẫn bị mất nhiều hợp đồng từ Mỹ và một số quốc gia khác.

Năm nay, chính phủ Úc và New Zealand đã theo sau Mỹ trong việc cấm Huawei xây dựng mạng lưới 5G tại quốc gia họ vì lo ngại vấn đề bảo mật. Và ngay trước khi bà Mạnh bị bắt giữ, tập đoàn BT Group của Anh cũng đã loại Huawei ra khỏi mạng lưới 3G và 4G hiện tại cũng như tuyên bố sẽ không cho công ty này tham gia vào những mạng lưới viễn thông tiếp theo.

Trong khi đó, Nhật Bản cũng cho biết sẽ không mua những thiết bị của Huawei và ZTE vì lo ngại bị tấn công và rò rỉ thông tin.

"Chúng tôi tin đây là điều cực kỳ vô lý mà chính phủ Mỹ sử dụng để gây áp lực cho một thực thể kinh doanh. Họ đang chống lại tinh thần của nền kinh tế tự do và cạnh tranh công bằng. Dù sao đi nữa, những mối hợp tác mà chúng tôi có với các nhà cung cấp toàn cầu vẫn không thay đổi", Huawei nói trong một bức thư gửi các nhà cung cấp vào ngày 6/12/2018.

Edison Lee – một chuyên gia phân tích có trụ sở tại Hong Kong cảnh báo rằng công ty có thể chịu những trừng phạt tương tự như "người đồng hương" ZTE. Hồi tháng 4, công ty có trụ sở tại Hong Kong đã bị cấm không được làm việc với các nhà cung ứng của Mỹ vì vi phạm lệnh trừng phạt lên Iran.

Tháng 6, ZTE phải trả 1,4 tỷ USD tiền phạt và đồng ý cải tổ bộ máy lãnh đạo cấp cao để dỡ bỏ lệnh cấm. Nếu chính quyền Mỹ phạt Huawei vì vẫn bán hàng cho phía Iran, họ sẽ "bị áp dụng một lệnh cấm xuất khẩu ngay lập tức", Lee nói.

"Chúng tôi tin rằng hậu quả của lệnh cấm xuất khẩu lên Huawei sẽ giống với ZTE – khiến hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ", ông Lee nhấn mạnh thêm.

Huawei đang đầu tư mạnh vào việc phát triển công nghệ 5G. Vì vậy, những rắc rối hiện tại có thể đẩy lùi môt vài nỗ lực bán mạng lưới 5G của họ cho các chính phủ và nhiều nhà cung cấp khác nhau – cỗ máy tăng trưởng chủ đạo trong tương lai của công ty đã tạo ra doanh số lên tới 92,5 tỷ USD vào năm 2017.

Thỏa thuận thả bà Mạnh có thể sẽ là một phần trong đàm phán thương mại thời gian tới và Bắc Kinh có thể đưa ra một vài sự nhượng bộ. Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn mở cửa kinh doanh với Huawei.

"Tôi không nghĩ nước nào cũng sẽ nghe theo lời Mỹ. Tuy nhiên hãy hy vọng rằng không có một lệnh cấm bán hàng. Nếu điều này xảy ra, leo thang chiến tranh trong ngành công nghiệp viễn thông sẽ nổ ra. Trong thường hợp này, Trung Quốc sẽ không thể không tham chiến".

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM