Từ ung thư giai đoạn muộn, vượt qua 41 đợt xạ trị và hóa trị, trở thành "người thắp lửa"

24/08/2017 14:29 PM | Sống

Mắc ung thư vòm họng giai đoạn cuối di căn, chị Đồng Thị Luyện đã lên kế hoạch chuẩn bị cho sự ra đi. Nhưng bằng tình yêu gia đình và niềm khao khát sống, chị đã vùng dậy mạnh mẽ...

Lập sẵn kế hoạch 1 năm cho sự "ra đi"…

Chị Đồng Thị Luyện trú tại quận 8, TP.HCM mắc ung thư vòm họng 5 năm trước. Những ai từng gặp và nói chuyện với chị đều không biết được chị đã ở tuổi 58.

Chị Luyện sinh ra tại Đông Triều, Quảng Ninh, sau đó chị vào Sài Gòn công tác và lập gia đình tại đây. Cuộc sống gia đình yên ấm với chồng và con, kinh tế ổn định, mọi thứ với chị dường như đã trọn vẹn. Tuy nhiên, căn bệnh ung thư lại chọn chị Luyện ở độ tuổi 53 tuổi (tuổi âm lịch).

Nhớ về quãng thời gian đó, chị Luyện kể, từ tháng 4/2012 chị thường xuyên có các dấu hiệu ho, khó thở, đầu đầu kéo dài liên tục. Chị sử dụng các thuốc kháng sinh vì chị cho là mình bị bệnh viêm đường hô hấp hoặc do làm việc quá sức.

Đến năm 2013, chị thường xuyên khạc ra máu, đau cứng đầu, nổi hạch ở cổ và mang tai. Lúc đó, chị đã lên mạng tìm đọc các tài liệu và so sánh các triệu chứng, cùng với những kiến thức chị đọc được, chị biết mình đã bị ung thư.

Chị Đồng Thị Luyện (Facebook Trần Đồng) mặc váy vàng
Chị Đồng Thị Luyện (Facebook Trần Đồng) mặc váy vàng

Biết mình mắc ung thư, chị hơi hoảng loạn và có chút lo lắng nhưng rồi chị lấy lại bình tâm trở lại. Chị nghĩ ung thư là chấm hết nhưng chị còn phải lên kế hoạch và thực hiện chúng dành cho gia đình. Chị Luyện đã âm thầm lên sẵn một kết hoạch để chuẩn bị cho sự ra đi của mình.

Trước nay, chị đóng vai trò là người phụ nữ của gia đình, lo cho chồng con từ miếng cơm đến giấc ngủ. Chị nghĩ, mình phải chuẩn bị "hành trang" cho chính chồng và con mình. Chị muốn khi không còn mình bên cạnh, chồng và các con vẫn tự lo được cho bản thân.

Kế hoạch từng bước thực hiện và việc đầu tiên đó là hướng dẫn chồng, dạy con cách tự chăm sóc bản thân mình từ bữa ăn đến giấc ngủ. Anh Mạnh - chồng chị Luyện cho biết: "Tôi vốn đoảng lắm và thấy vợ hướng dẫn thì chỉ làm cho vợ vui chứ chưa biết đó là kế hoạch của vợ. Đến bây giờ nghĩ lại những khác lạ của vợ thì mới biết...".

Đến năm 2014, sự thay đổi của cơ thể cùng với kế hoạch của chị Luyện dù âm thầm nhưng cũng khiến cho cả gia đình lo lắng. Được mọi người động viên, chị Luyện mới quyết định đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán chị ung thư vòm họng giai đoạn muộn, di căn hạch nhưng chị vẫn bình tâm.

Khi biết chị Luyện bị ung thư vòm họng, rất nhiều lời khuyên từ gia đình, bạn bè và những vị khách không mời tới tư vấn cho chị cách chữa bệnh, chị chỉ bình tĩnh lắng nghe. Có lúc nghĩ về bệnh, chị Luyện đã có ý quyên sinh, nhưng lúc đó cũng chính là khi chị thấy mình không hề sợ hãi, chỉ lo trở thành gánh nặng cho chồng con.

Chiến thắng bản thân, vượt qua 35 đợt xạ trị và 6 đợt hóa trị

Chị Luyện nhập viện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và phác đồ điều trị mà các bác sĩ đưa ra cho chị là 35 đợt xạ trị và 6 đợt hóa trị.

Với những ai từng trải qua bệnh ung thư mới thấy, để vượt qua được những đợt trị liệu là bước qua cửa tử. Chiến thắng ung thư không phải là chiến thắng những khối u mà là chiến thắng được chính bản thân mình qua những đợt điều trị hóa, xạ trị.

Chị Luyện kể lại những ngày tháng đó, sức khỏe chị xuống cấp trầm trọng, cơ thể suy kiệt, cân nặng giảm nhẹ, da nhăn khô. Người luôn mệt mỏi ăn không được mấy. Những tác dụng phụ của hóa chất tưởng như những "viên đạn" xuyên qua người. Qua mỗi lần qua đợt hóa trị mọi người lại cười với nhau vì đã bước qua "làn đạn".

Do tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị, có lúc chị đau 2 bả vai, 2 cánh tay không thể đưa lên. Các khớp xương đau mỏi khiến chị không thể tự đứng lên ngồi xuống nếu không có người đỡ.

Nhưng chị vẫn làm việc, nằm truyền thuốc, chị Luyện ôm theo cái máy tính bảng và cuốn sổ làm việc trên giường bệnh vì vẫn phải lo cơm áo gạo tiền và thuốc men, đó cũng là cách để chị quên đi đau đớn.

Sau những đợt truyền hóa chất, về nhà chị bị ói lên ói xuống và không ăn được gì nhưng vẫn gắng gượng nấu cơm cho nhà. Có lúc chị không ăn được và không thể chịu nổi khi nhìn thấy cháo bởi đã ăn cả năm rồi, nhưng chị xác định không ăn là chết nên chị tìm đủ mọi cách mà duy trì dinh dưỡng.

Chị tâm sự: "Tôi cũng là người thường cũng da cũng thịt chứ không phải sắt đá. Vì cơ thể tôi bị loãng xương trầm trọng, thiếu hụt vitamin và thoái hóa đốt sống từ 1 tới 6 chạm tủy nên đau rất khủng khiếp. Tôi không thể với tay chải tóc, không vắt được cái khăn rửa mặt nhưng vẫn cố tự làm".

Chị tâm sự, muốn chiến thắng bệnh tật thì bản thân phải luôn lạc quan (nhưng không chủ quan), sống vui vẻ, tập thể thao tùy theo thể trạng của mình. Những lúc rảnh rỗi, chị lại tranh thủ tập thể dục, thể thao.

"Sáng nào tôi cũng đi bộ một vòng quanh nhà dù đang đau tưởng đi không nổi. Người bệnh cũng không nên nằm mà cố gắng dậy có thể làm việc gì mình yêu thích cho quên mệt và đau, chuyện trò với mọi người và luôn có suy nghĩ tích cực là không sao hết", chị Luyện tâm sự.

Về chế độ ăn uống, chị Luyện cũng tự chọn cho mình những loại thực phẩm tươi ngon. Do tác dụng phụ của hóa xạ trị, chị Luyện kể ăn cơm rất khó nuốt vì tuyến nước bọt bị ảnh hưởng nên chị phải xay bơ, sầu riêng, khoai lang, chuối và gần như uống thay cơm.

Trở thành cánh chim đầu đàn của CLB Cuộc chiến ung thư

Sau quá trình điều trị ung thư thành công, chị thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe. Chị cũng tham gia Câu lạc bộ "Cuộc chiến ung thư" với hơn 4000 thành viên tham gia.

Tại đây, chị Luyện với cái tên Trần Đồng không chỉ là người thắp lửa tinh thần, mà còn là nơi để người bệnh, người nhà bệnh nhân chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình điều trị ung thư.

Chị Luyện tâm sự: "Chỉ có người đồng bệnh mới hiểu những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà bệnh nhân ung thư đã và đang phải đối mặt, thứ mà đến chính những người thân trong gia đình không bao giờ hiểu được..

Đó chính là lý do tại sao, chúng tôi cần đứng lên, nắm lấy tay nhau, truyền động lực sống cho nhau trong cuộc chiến với ung thư đầy cam go, khốc liệt này" .

Trên cộng đồng của bệnh nhân ung thư trên Facebook, Trần Đồng luôn là cái tên quen thuộc với mọi người thân và người bệnh ung thư. Chị động viên mọi người và đưa ra kinh nghiệm từ chính bản thân mình. Mỗi ngày, chị nhận được hàng trăm tin nhắn và các cuộc điện thoại xin tư vấn về bệnh ung thư rồi nhẹ nhàng tư vấn cho từng trường hợp.

Không chỉ tư vấn trên mạng, chị Luyện còn tham gia nhiều buổi nói chuyện về tinh thần lạc quan để mọi người có niềm tin vượt qua bệnh tật. Nhiều người mắc bệnh sống trong tình trạng buồn bã, căng thẳng, lo âu vì nghĩ rằng không sớm thì muộn cũng "ra đi" nên không thiết ăn uống. Khi đó, chị lại điện thoại để "vực tinh thần" cho họ.

Có lúc, bản thân chị cũng thấm mệt vì đi nửa thành phố rồi lại tư vấn, nhưng thấy mỗi bệnh nhân được mình tư vấn tiếp sức thêm ý trí chiến đấu, chị lại như được tiếp thêm sức mạnh tiếp tục sứ mệnh của mình.

Không chỉ tiếp sức tinh thần, chị còn tranh thủ chỗ này tới chỗ khác lo đi tìm nhà tài trợ xin thuốc, xin hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Nhìn những bệnh nhân từ tỉnh lẻ lên thành phố nằm hành lang bệnh viện để chiến đấu với bệnh tật, chị Luyện không ngần ngại chìa bàn tay mình ra để truyền lửa, thắp lên niềm hi vọng cho người bệnh.

Bức ảnh trong một lần chị Luyện ra Hà Nội truyền lửa cho những bệnh nhân ung thư.
Bức ảnh trong một lần chị Luyện ra Hà Nội truyền lửa cho những bệnh nhân ung thư.

Thật lạ, chị trả lời tư vấn tối ngày, chạy đi làm từ việc gia đình đến việc xã hội, mọi người thường bảo "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" nhưng chị Luyện vẫn vui và thấy mình ngày càng khỏe và trẻ hơn. Mỗi khi có người ung thư khoe "chiến thắng", người phụ nữ này vui mừng như chiến thắng của chính mình.

Theo Ngọc Anh

Cùng chuyên mục
XEM