Từ trường phố huyện tới đại bản doanh Google

08/10/2016 10:15 AM | Kinh doanh

Để được gặp, làm việc và học hỏi từ những con người xuất sắc nhất thế giới, để mỗi sản phẩm mình làm ra có đến cả tỷ người dùng, cậu học trò phố huyện Trương Anh Minh đã vượt qua mọi thử thách, tự tin bước thẳng vào đại bản doanh của gã khổng lồ công nghệ Google!

Chủ động “tự xử” mọi thứ

Buôn Hồ, vùng đất hiền hòa bạt ngàn những cánh đồng cà phê thuộc huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk là nơi Trương Anh Minh (SN1989) được sinh ra, lớn lên, học hành từ những ngôi trường nhỏ bé, đơn sơ. Minh học xong lớp 9, bố em - ông Trương Anh, giáo viên dạy toán hay nhất phố huyện đưa con lên gửi cho thầy Trần Đình Lợi giáo viên Vật lý trường PTTH chuyên Nguyễn Du. Thầy Lợi khi đó đã “đe”: Tôi chỉ dạy cho em kiến thức thôi, còn để hòa nhập được vào môi trường mới, em phải tự xử mọi mối quan hệ đấy!

Cậu học trò trường huyện đã nhanh chóng “tự xử mọi mối quan hệ” một cách hài hòa đến mức những người lớn xung quanh không khỏi ngạc nhiên. Học giỏi tất cả các môn, chơi được cả ghita và piano, các môn thể thao bóng đá, bóng rổ, cầu lông, cờ vua, Minh cũng xuất sắc không kém.

Với sự cư xử hòa đồng thân thiện với tất cả bạn bè, thông minh lễ phép với thầy cô, Anh Minh lập tức được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng, và “giữ luôn cái ghế” đó suốt 3 năm học ở trường PTTH chuyên Nguyễn Du. Ngôi trường này vốn nổi tiếng là “lò đào tạo nhân tài” không chỉ của Đắk Lắk, mà còn có vị trí đáng kể trong những PTTH chuyên có nhiều học sinh ưu tú của cả nước.

Một góc trang trí đầy ngẫu hứng ở Googleplex.

Với hàng loạt thành tích như huy chương vàng đồng đội cờ vua toàn tỉnh năm lớp 9, huy chương vàng Olympic 30/4 Vật lý năm lớp 10, giải ba học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý lớp 11, tốt nghiệp THPT loại giỏi, Trương Anh Minh được tuyển thẳng vào khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa TPHCM.

Là một trong số ít sinh viên được trường tặng danh hiệu “MR.IQ”. Vừa tốt nghiệp Minh đã được nhiều doanh nhân mời làm việc. Trong 2 năm thử sức với Công ty YOUNET, Minh vẫn đăng ký học qua mạng nhiều chuyên đề công nghệ mới của Mỹ. Tháng 6/2014, Minh được VEF (quỹ giáo dục Việt Nam của chính phủ Mỹ) cấp học bổng toàn phần du học thạc sĩ chuyên ngành máy tính.

Trước khi bảo vệ thạc sĩ, Anh Minh nộp đơn vào các công ty hàng đầu về công nghệ, và đã nhận được một số lời mời vào làm việc với mức lương hấp dẫn, khiến “MR.IQ” không khỏi ngần ngừ đắn đo khi phải... từ chối. Anh Minh tiếp tục thử sức với “ người khổng lồ Google” bằng vô số câu hỏi hóc búa, “hại não” bủa vây từ các chuyên gia đầu ngành.

Gần 2 tuần ứng tuyển tại Thung lũng Silicon, cậu học trò trường huyện năm nào đã kiên cường vượt qua hàng ngàn ứng viên trên thế giới, để rồi bắt đầu từ ngày 18/7/2016, Anh Minh được nhận vào làm việc chính thức tại trung tâm đầu não của Google ở Mountain View, California, Mỹ.

Anh Minh và con bò đội mũ Noogle tại Googleplex.

“Đeo” Google đến cùng

Tìm hiểu về Trương Anh Minh qua gia đình, trường lớp, rồi trò chuyện với cậu qua Email, tôi thật sự thích thú về cách diễn đạt chuẩn xác và sự khiêm tốn của chàng thanh niên tài năng này.

Minh chia sẻ: Tôi đã muốn làm việc ở đây kể từ khi quyết định chọn khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa. Lúc tìm hiểu về nghề lập trình, tôi đọc một bài viết về Google, trong đó có những câu hỏi như tại sao nắp cống hình tròn, có bao nhiêu người chỉnh đàn piano trên toàn thế giới... Lúc đó nghĩ chắc chỉ thiên tài mới trả lời nổi mấy câu kiểu này thôi. Khi đó nghĩ vào làm việc được ở đây chắc giống như nằm mơ.

Từ đó, tôi bắt đầu học tiếng Anh, cộng với luôn giữ điểm số loại giỏi vì như vậy dễ xin học bổng hơn. Mới tốt nghiệp, tôi đi làm ngay vừa để kiếm tiền, vừa tích luỹ kinh nghiệm. Tôi mất khoảng một năm để nộp hồ sơ, trả lời các vòng phỏng vấn của các giáo sư Mỹ và đáp ứng các điều kiện khe khắt để được cấp học bổng VEF, vào học Master tại trường Iowa State University.

Tuy nhiên, đó mới là bước đầu. Bước sau, tôi bắt đầu chương trình thạc sĩ và chuẩn bị xin việc. Hàng năm Google có cả triệu đơn xin việc, nhưng nhận vào chỉ vài ngàn nên xác suất để được gọi phỏng vấn là khá thấp. May mắn là trường tôi học được Google chú ý và nhờ GPA (viết tắt của Grade Point Average - là điểm trung bình đánh giá sinh viên theo hệ thống giáo dục Mỹ) của tôi khá tốt: 4.0/4.0, nên đến đầu năm hai thì tôi nhận được email của Google mời phỏng vấn. Tôi đã vượt qua 7 vòng phỏng vấn.

Tất cả câu hỏi đều về cấu trúc dữ liệu và giải thuật trong máy tính. Sau đó Google đặt vé máy bay và khách sạn cho tôi tới trụ sở chính, “quay” tôi thêm 4 vòng phỏng vấn nữa, từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Để chuẩn bị cho đợt sát hạch gay go này, tôi đã đọc rất nhiều sách, tự mô phỏng nhiều câu hỏi giả định để tập dượt, tương tự như cách chuẩn bị và rèn luyện từ thời đi thi học sinh giỏi quốc gia.

Bà ngoại vui mừng biết tin Minh trúng tuyển vào Google.

Trong lúc Google còn chưa đưa ra quyết định, tôi đã được một công ty khác mời về đầu quân với mức lương hơn 100 nghìn USD/năm, họ yêu cầu phải trả lời trong vòng 1 tuần. Tôi phải lựa chọn, thú thực là khá khó khăn. Rốt cục, tôi vẫn quyết định từ chối công ty kia, và vượt qua 2 vòng phỏng vấn cuối cùng để đến với Google!

Công việc cụ thể của tôi ở Google là làm lập trình viên cho hệ thống hạ tầng truy xuất của nhiều sản phẩm chính của Google như YouTube, Google Hangout, Google Plus... Ở Google không bị ràng buộc thời gian. Mọi người thường 10-11h sáng mới tới nơi làm, muốn về lúc nào cũng được. Có thể làm ở nhà nếu muốn.

Mỗi ngày đều được phục vụ ăn ba bữa, có hệ thống phòng tập thể hình, phòng tắm, bể bơi, phòng massage v.v. tất cả đều miễn phí. Khó khăn nhất, chỉ là yêu cầu chất lượng sản phẩm rất cao nên phải tốn khá nhiều công sức suy nghĩ. Tôi không phải là trường hợp cá biệt, vì hiện có khoảng ít nhất 20 người Việt đang làm việc tại đại bản doanh Google.

Vào Googleplex (đây là tòa nhà nằm trung tâm trụ sở Google, có thể coi nó là tổng hành dinh của gã khổng lồ), tôi mới thấy không phải mọi người đều thông minh tuyệt đỉnh như mình vẫn nghĩ. Tôi nhớ về nhiều người bạn còn xuất sắc hơn mình rất nhiều nhưng chỉ vì không có kỹ năng ngoại ngữ đủ để du học và phát triển nên không thể tới đây. Nếu nước mình có một chương trình dạy tiếng Anh tốt hơn thì chắc đã khác.

Trường THPT chuyên Nguyễn Du là nơi đầu tiên giúp tôi gặp được những người bạn thật sự thông minh hơn tôi rất nhiều. Các bạn ấy đã chia sẻ kiến thức với tôi, khi tôi còn chưa đủ tự tin. Họ giúp tôi nhận ra, là sự thay đổi về nhận thức cộng với chăm chỉ có thể bù đắp được trí thông minh bẩm sinh. Đó là nền tảng để tôi đi được tới đây. Tôi vẫn luôn cố gắng không ngừng, và suốt hành trình luôn phải dừng lại để tự điều chỉnh và thay đổi nhận thức.

Thu nhập ở Google nằm trong top cao nhất của các công ty phần mềm ở Mỹ, và mức lương trên 100.000 USD/năm đủ để Trương Anh Minh sống rất ổn tại đây. Tôi hỏi: môi trường lý tưởng này liệu có đủ sức “cột” Minh mãi mãi với Google ? Minh chia sẻ: Tại Google, chế độ thưởng thêm cổ phần cho những nhân viên phục vụ lâu dài cũng là một mục tiêu hấp dẫn. Tuy nhiên Minh cũng như nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi khác, điều mong muốn đầu tiên tới Google là được học hỏi kinh nghiệm từ công ty phần mềm lớn nhất thế giới. Điều tiếp theo, dự kiến sau khi làm ở Google vài năm, Minh sẽ về Việt Nam thực thi một số ý tưởng cống hiến. Dù thế nào đi nữa, Google vẫn là một xuất phát điểm tuyệt vời.

Theo Hoàng Thiên Nga

Cùng chuyên mục
XEM