Tự tay 'đốt thuyền', bơi khỏi ngành ngân hàng, sau 9 tháng đạt danh hiệu mơ ước trong ngành bảo hiểm: 'Làm nghề này, tối kỵ là chạy theo doanh số'

25/11/2023 11:03 AM | Sống

Với mong muốn tự do tài chính và thời gian nên dù đã đạt được nhiều thành tích cao, có thu nhập tốt ở ngân hàng nhưng anh Trần Đức vẫn tìm táo bạo đi tìm cơ hội mới và chinh phục những thách thức mới.

2 liên tiếp trở thành thành viên của MDRT (Million Dollar Round Table) - Hiệp hội các chuyên gia hàng đầu trong ngành Bảo hiểm nhân thọ và Dịch vụ Tài chính đến từ 700 công ty tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đó là sự bất ngờ xen lẫn tự hào của anh Trần Văn Đức (34 tuổi, Hà Nội). Theo tìm hiểu, tư cách thành viên MDRT được thừa nhận trên toàn thế giới như một tiêu chuẩn về sự xuất sắc trong nhóm ngành nghề này, được đánh giá qua kiến thức chuyên môn, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp nghiêm ngặt và dịch vụ khách hàng nổi bật.

Đáng chú ý là không ít người nỗ lực cống hiến trong nhiều năm, thậm chí là cả đời vẫn chưa trở thành thành viên của MDRT thì anh Trần Đức trong 2 năm liên tiếp là 2022 và 2023 chỉ mất 9 tháng đầu năm để chinh phục "chiếc cúp" danh giá này. Thú vị hơn, anh Đức là dân tay ngang vào nghề với kiến thức, kỹ năng ở con số 0 và trong đợt dịch COVID-19 bùng phát nên với anh lại càng có nhiều chông gai, thách thức. 

Tự tay 'đốt thuyền', bơi khỏi ngành ngân hàng, sau 9 tháng đạt danh hiệu mơ ước trong ngành bảo hiểm: 'Làm nghề này, tối kỵ là chạy theo doanh số' - Ảnh 1.

Quyết định "đốt thuyền" tự bơi, dũng cảm bước ra vùng an toàn

Cuối năm 2021, khi dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp cũng là thời điểm mà anh Trần Đức nghỉ công việc ngân hàng để tìm kiếm cơ hội phát triển mới. Có thể nói đó là giai đoạn "ngàn cân treo sợi tóc" khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa, không ít người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp. Mọi người thường nói với nhau, năm 2021 – 2022, có việc để làm đã là điều tốt, chẳng ai dại dột từ bỏ vị trí ổn định để bắt đầu công việc mới. Chính vì thế, quyết định của anh Đức từng bị người thân, bạn bè đánh giá là quá liều lĩnh và táo bạo.

Từ bỏ vị trí nhất định với mức thu nhập tốt tại ngân hàng lớn đã gắn bó hơn 10 năm không phải là điều dễ dàng. Anh Đức cũng có nhiều đêm thức trắng với bao trăn trở: "Nghỉ việc xong mình sẽ làm gì? Nếu công việc mới không tốt, mình phải làm sao? Liệu sau một thời gian không đạt được kỳ vọng, mình còn đường lui trở về? Mỗi quyết định sẽ ảnh hưởng đến gia đình thế nào?",… Càng nghĩ anh càng cảm thấy bản thân cần có sự chuẩn bị tốt nhất cho cuộc chuyển đổi để hạn chế tối đa rủi ro.

Anh lặng lẽ chuẩn bị tài chính trong 6 tháng để khi nghỉ việc, nếu công việc mới không đạt hiệu quả cao, cuộc sống gia đình vẫn được đảm bảo. Bên cạnh đó, anh cũng chuẩn bị tâm lý cho bản thân và làm công tác tư tưởng với vợ. Rất may mắn, anh được người bạn đời động viên, đồng hành và hỗ trợ giúp anh thêm tự tin.

Anh Trần Đức trải lòng: "Nếu cứ làm công việc cũ thì dù làm tốt bao nhiêu, tôi cũng chỉ đạt mức lương giới hạn theo cấp bậc. Hơn nữa, thời gian cống hiến cho công việc quá nhiều, tôi gần như không thể phụ vợ chăm sóc, nuôi dạy con cái. Trước đây, chuyện 'đi sớm, về khuya' diễn ra như cơm bữa. Vợ chồng lục đục, cãi vã cũng vì vấn đề này.

Vì thế, tôi ao ước tìm công việc tạo ra thu nhập theo năng lực và không có giới hạn, lại hỗ trợ người khác khi họ gặp khó khăn, tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Và tôi tìm đến nghề tư vấn dịch vụ bảo hiểm và tài chính để sớm đạt được mục tiêu này. Không chỉ là công việc gắn bó, những kiến thức trong ngành nghề cũng là công cụ giúp tôi và gia đình đối phó trước những biến cố".

Tự tay 'đốt thuyền', bơi khỏi ngành ngân hàng, sau 9 tháng đạt danh hiệu mơ ước trong ngành bảo hiểm: 'Làm nghề này, tối kỵ là chạy theo doanh số' - Ảnh 2.

"Chân ướt, chân ráo" vào nghề, anh Đức từng nghĩ bản thân sẽ "chân trong, chân ngoài" kiêm nhiệm nhiều công việc khác để đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên sau khi cân nhắc, anh nhận ra phương án này không khả thi. Bởi làm nhiều việc khác nhau sẽ mất đi công sức, thời gian, độ tập trung. Thay vì thế, anh tập trung làm tốt một công việc trước, đó là lý do anh quyết định "đốt thuyền tự bơi". Sau quãng thời gian thử thách 1 - 2 năm, nếu công việc không đem lại hiệu quả, anh sẽ đi tìm hướng đi khác phù hợp.

Nhờ bền bỉ quyết tâm cùng sự nghiêm túc trong công việc nên chỉ sau một thời gian ngắn vào nghề, anh Đức đã đạt được thành tựu đáng ngưỡng mộ. Anh trở thành thành viên MDRT, cũng là danh hiệu, là chuẩn mực cao nhất của ngành nghề Bảo hiểm nhân thọ và Dịch vụ Tài chính. Với anh, chính sự tôn trọng, hết mình hỗ trợ khách hàng khi cần cùng việc cạnh tranh lành mạnh với các hãng bảo hiểm khác đã xây dựng nên uy tín như ngày hôm nay.

"Tôi không coi đồng nghiệp là đối thủ, tôi coi họ là 'người cùng thuyền' với mình, dù họ đang là chuyên viên của hãng bảo hiểm khác. Mục tiêu cuối cùng vẫn là giúp khách hàng gói dịch vụ tối ưu, phù hợp với nhu cầu cũng như nguồn lực tài chính", anh Trần Đức cho biết.

Tự tay 'đốt thuyền', bơi khỏi ngành ngân hàng, sau 9 tháng đạt danh hiệu mơ ước trong ngành bảo hiểm: 'Làm nghề này, tối kỵ là chạy theo doanh số' - Ảnh 3.

Không bất chấp chạy theo doanh số, 'tư vấn bằng cả tính mạng'

Tuy đạt được một số thành tựu nhất định nhưng anh Trần Đức luôn khiêm tốn. Anh cho biết về kỹ năng cùng kiến thức, anh vẫn cần phải học hỏi nhiều những đồng nghiệp có thâm niên. Tuy nhiên không vì thế mà anh đánh mất sự tự tin, lợi thế của bản thân.

Với tiêu chí làm việc đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu, tư vấn thật tâm giúp anh nhận được sự tín nhiệm, tin tưởng. Quan trọng nhất là khách hàng sẵn sàng lắng nghe, có sự đánh giá, so sánh giữa các gói bảo hiểm để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Anh Trần Đức chưa bao giờ đặt nặng vấn đề phải bán được hàng, phải chốt sale, bất chấp chạy theo doanh số.

Anh Đức cũng chia sẻ thêm, đầu năm 2023 có khá nhiều vụ việc lùm xùm về dịch vụ bảo hiểm, thông tin trái chiều tràn lan trên mạng xã hội gây ra những bất lợi không hề nhỏ. Các tư vấn viên khá bận rộn khi phải trả lời các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng về quyền lợi, thời gian đáo hạn hợp đồng. Nhưng anh Đức không "đau đầu" về vấn đề trên vì ngay từ bước tư vấn cho khách, anh đã chỉ ra mọi điều khoản rõ ràng. Tuy nhiên, công việc về sau có đôi chút khó khăn vì thị trường biến động. Nhưng anh luôn lạc quan trong tư duy, nỗ lực tìm hướng đi mới.

Một vấn đề mà khách hàng lo lắng đó là sợ rơi vào tình trạng "đem con bỏ chợ", hoang mang, loay hoay khi chuyên viên tư vấn hợp đồng cho mình nghỉ việc, chuyển chi nhánh. Trong trường hợp này, cách giải quyết của anh Đức là cố gắng tối ưu nhất quyền lợi của khách hàng, hỗ trợ tối đa thời gian sau dù không còn nằm trong vùng trách nhiệm. Đó cũng là lý do anh Đức khuyên mọi người nên sáng suốt trong việc lựa chọn người tư vấn tận tâm, có trách nhiệm với khách hàng.

Khi người đàn ông là tay hòm chìa khóa…

Nếu như thông thường, người vợ sẽ giữ vai trò quản lý tài chính thì với gia đình anh Trần Đức lại khác. Anh dí dỏm cho biết bản thân được vợ tin tưởng giao cho nhiệm vụ "tay hòm chìa khóa". Sở dĩ có quyết định này bởi anh Đức tự lập từ rất sớm, từ khi lên học bậc THPT, anh đã xa gia đình ra ở bên ngoài. Vì thế, anh khá tự tin vào cách quản lý chi tiêu.

Tuy nhiên, thời gian đầu, vợ chồng anh chưa có sự phân chia rõ ràng như vậy. Phải qua khá nhiều tình huống và những cuộc tranh cãi mới dần đi tới thỏa thuận chung. Đến giờ, cả 2 vợ chồng đã tin tưởng nhau về vấn đề tài chính.

Lúc mới "góp gạo thổi cơm chung", anh Đức cũng tìm tòi, nghiên cứu nhiều công thức trên mạng. Theo cách phổ biến nhất, anh cũng chia tài chính gia đình thành các "hũ" tương ứng với các tài khoản ngân hàng, bao gồm: Phí sinh hoạt, sức khỏe, giáo dục, đầu tư, tiết kiệm,… Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, anh nhận thấy cách làm này nhàm chán và khó để thực hiện trong thời gian dài. Vì thế, anh có sự điều chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh.

Cụ thể, các đầu khoản vẫn được chia danh mục rõ ràng. Nhưng anh sẽ đặt sự ưu tiên cho việc cấp thiết. Chẳng hạn như hiện tại, anh đang xây sửa ngôi nhà để tiến tới cho thuê giúp tăng nguồn thu nhập, vì thế anh sẽ dồn tiền cho khoản đầu tư này. Hay như năm ngoái, mục tiêu của 2 vợ chồng anh là trải nghiệm và khám phá thì anh giảm bớt nhu cầu các khoản khác để tập trung cho mục tiêu ưu tiên được đề ra.

Tự tay 'đốt thuyền', bơi khỏi ngành ngân hàng, sau 9 tháng đạt danh hiệu mơ ước trong ngành bảo hiểm: 'Làm nghề này, tối kỵ là chạy theo doanh số' - Ảnh 4.

Nếu như nhiều cặp vợ chồng trẻ dồn tiền đầu tư vàng, bất động sản,... thì vợ chồng anh Đức lại có quan điểm đầu tư cho bản thân, cho những trải nghiệm. Anh coi du lịch cũng là một kiểu đầu tư. Sau mỗi chuyến đi, đặc biệt là những chuyến đi nước ngoài, vợ chồng anh có cho mình góc nhìn mới về thế giới, bản thân để không ngừng phát triển. Hơn thế, đây cũng là cách để 2 vợ chồng "reset" bản thân, tái tạo năng lượng sau thời gian làm việc vất vả.

Anh bật cười: "Vợ chồng tôi không tặng nhau hoa quà vào các ngày lễ như cặp đôi khác mà chúng tôi tặng nhau những chuyến đi. Năm ngoái, chúng tôi đi Thụy Sĩ, Pháp, Hà Lan và Đức, tháng 5 vừa rồi đi Úc, còn năm sau dự định đi Mỹ. Sau mỗi chuyến đi để lại bao kỷ niệm đẹp được lưu giữ lại qua những tấm hình. Để mỗi khi vợ chồng xích mích, chúng tôi sẽ xem lại ảnh để trân trọng những điều đã qua và tiếp tục đồng hành bên nhau.

Gần đây, tôi thấy một topic khá thú vị trên mạng, đó là 'Người trẻ chọn lựa tiết kiệm hay tiêu xài hưởng thụ'. Tôi lựa chọn tích cực kiếm tiền để gia tăng thu nhập, từ đó có cơ hội trải nghiệm nhiều điều mới lạ. Bởi có những trải nghiệm là vô giá nếu không biết tận dụng, về sau có tiền cũng chưa chắc mua được. Còn cách gia tăng thu nhập của tôi là tạo ra nguồn thu thụ động, không ưu tiên kinh doanh mất nhiều công sức quản lý".

Tự tay 'đốt thuyền', bơi khỏi ngành ngân hàng, sau 9 tháng đạt danh hiệu mơ ước trong ngành bảo hiểm: 'Làm nghề này, tối kỵ là chạy theo doanh số' - Ảnh 5.

Việc quản lý tài chính gia đình của anh hiện đang được áp dụng linh hoạt theo mô hình tháp tài sản với 4 tầng:

Tầng 1 – Tầng bảo vệ: Là tầng nền tảng phía dưới, đóng vai trò bảo vệ đảm bảo cuộc sống khỏi những rủi ro trong cuộc sống có thể xảy ra. Tầng này bao gồm các chi phí cơ bản, đáp ứng nhu cầu cuộc sống như: Ăn uống, ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp,… Số tiền ở tầng bảo vệ cần được tích lũy tối thiểu 6 tháng chi tiêu của bản thân và gia đình.

Tầng 2 – Tầng lập kế hoạch: Tầng xây dựng dành cho mục đích kế hoạch tài chính cụ thể nào đó. Cụ thể, kế hoạch có thể dành cho việc xây nhà, mua xe, đầu tư cho giáo dục con cái, quỹ hưu trí của bản thân. Tầng kế hoạch này sẽ không ảnh hưởng đến tầng bảo vệ và các yếu tố trong cuộc sống.

Tầng 3 – Tầng mục tiêu ưu tiên: Đây là tầng tạo ra thu nhập thụ động, giúp bạn mở rộng quỹ tài chính và có thể hưởng thụ nhiều hơn. Số tiền trong tầng này có thể được sử dụng để đầu tư chứng khoán, gia tăng tài sản để phục vụ các mục tiêu ưu tiên.

Tầng 4 – Tầng tài sản để lại: Sau khi đã ổn định tài chính cho các tầng trước đó, cá nhân có thể thực hiện xây dựng các quỹ tài chính làm từ thiện, dành cho con cháu,…

Anh Đức cũng đưa ra lời khuyên hữu ích cho các bạn trẻ, đặc biệt là người mới đi làm nên có bức tranh tài chính và sự ưu tiên về chi tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn. Thời gian đầu, khi kinh tế chưa vững có thể tập đầu tư nhỏ như vàng, sau đó tích lũy mua bất động sản để có dòng tiền nhất định.

Mỗi người cần xây dựng cho mình các lớp tài sản bảo vệ và tài sản đầu tư khác nhau để hạn chế rủi ro, nâng cao tự tin với các tình huống trong cuộc sống. Khi có sự chuẩn bị trước cho những tình huống xấu nhất, bạn sẽ không cảm thấy bất an, lo sợ.

Theo Ứng Hà Chi

Cùng chuyên mục
XEM