Từ sự sụp đổ của Lehman Brothers đến bài học “cổ phiếu nào cũng có thể về 0”

17/09/2018 08:06 AM | Kinh doanh

Không có gì là quá lớn để không thể đổ vỡ. Giới đầu tư đã có được nhiều bài học từ sự sụp đổ khó tin của đế chế 600 tỷ USD này.

Một thống kê không chính thức cho thấy, hiện chỉ còn khoảng dưới 10% nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2007-2008 còn trụ lại thị trường đến thời điểm này.

Giai đoạn 2005-2006, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ nhờ mở room nước ngoài và sự kiện Việt Nam gia nhập WTO. Thị trường đạt đỉnh năm 2007 và bắt đầu thoái trào từ năm 2008. VN-Index giảm từ 930 điểm về 366 điểm chỉ trong nửa đầu năm 2008, thị trường hồi phục lên 550 điểm vào tháng 8/2008 nhưng ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và sự sụp đổ của Lehman Brothers đã tạo thành "quả đấm thép" trên TTCK Việt Nam, Vn-Index rơi xuống 237 điểm vào tháng 2/2009. Rất nhiều nhà đầu tư mất trắng trong giai đoạn này.

Từ sự sụp đổ của Lehman Brothers đến bài học “cổ phiếu nào cũng có thể về 0” - Ảnh 1.

Nhớ lại về những ngày này 10 năm trước, chị Hoa 34 tuổi, nhân viên tại một công ty chứng khoán kể lại. Thời điểm đó chị đầu tư 100 triệu cổ phiếu vào một cổ phiếu của Sông Đà, nhưng khi thị trường lao dốc, thị trường trắng bảng bên mua, hàng loạt cổ phiếu giảm sàn liên tục khiến chị không thể bán được cổ phiếu và gần như mất trắng khoản đầu tư.

Cú lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 10/2007 nhận thêm một đòn giáng mạnh sau thông tin từ thị trường tài chính thế giới: ngân hàng Lehman Brothers đệ đơn phá sản đến giới chức Mỹ.

2 triệu nhân viên ngân hàng buộc nghỉ việc, 80 chi nhánh phải đóng cửa. Giá cổ phiếu Lehman Brothers đã rơi xuống chỉ còn 21 cent trong khi từng leo lên mức đỉnh 86 USD. “Giọt nước làm tràn ly” này kéo theo chuỗi ngày đen tối tiếp theo của các thị trường chứng khoán Việt Nam. Chỉ sau một tháng, vốn hóa thị trường thế giới bốc hơi 10.000 tỷ USD.

Chia sẻ với Chuyên trang Người đồng hành về sự kiện cách đây một thập kỷ, ông Trần Khắc Minh, nhà tư vấn đầu tư tài chính độc lập, cho biết đây là một cú sốc với thị trường nhưng bản thân ông cũng đã sớm có những dự báo về rủi ro giai đoạn này. Với ông, sự sụp đổ của Lehman Brothers đã để lại hai bài học nhiều giá trị.

Bài học đầu tiên, cũng là một bài học kinh điển, chính là câu chuyện về sự giám sát và minh bạch. Các tổ chức giám sát bên cạnh việc độc lập còn cần liên tục hoàn thiện và thế chế hóa vào luật để theo kịp đà phát triển của thị trường.

Tính nguy hiểm của các sản phẩm chứng khoán hóa khoản vay thế chấp bất động sản (MBS) đã được các nhà phân tích cảnh cáo rủi ro từ cách đấy 2 năm. Nếu giám sát có hiệu quả thì các sự việc tại Bear Stean và Lehman Brothers sẽ không xảy ra, cũng như, việc minh bạch thông tin sẽ được thực hiện tốt hơn.

Bài học thứ hai, chính là phải luôn tâm niệm: thị trường tài chính bất cứ lúc nào cũng có thể gặp rủi ro. Cả những người được coi là thiên tài khi đối mặt mức độ rủi ro cao cũng trở tay không kịp.

Điều quan trọng là cần tính toán chính xác mức độ rủi ro có thể chấp nhận được. Theo nhà tư vấn đầu tư tài chính này, khi lựa chọn rủi ro thấp thì xác suất thành công sẽ cao hơn. Chấp nhận rủi ro cao thì khả năng trắng tay cũng rất dễ. Điển hình như việc sử dụng vay ký quỹ (margin), việc sẵn sàng chịu rủi ro đến đâu là điều cần tính kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào bất kỳ thị trường tài chính nào.

Có hai xu hướng hành động khi rủi ro xảy ra, hoặc cắt lỗ sớm do tính toán không kỹ khả năng chịu rủi ro hoặc cho rằng cổ phiếu không thể nào về 0, luôn có khả năng phục hồi sau khi xuống.

“Bất cứ sản phẩm tài chính nào đều có thể về 0”, ông Minh nêu quan điểm. Bear Stean hay Lehman Brothers là những định chế quá lớn nhưng không phải không thể đổ vỡ. Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, dù tỷ lệ không cao nhưng cũng đã có trường hợp cổ phiếu hủy niêm yết ở mức giá trà đá do lãnh đạo vướng vòng lao lý, lỗ vượt vốn chủ hay cố tình vi phạm công bố thông tin.

Từ sự sụp đổ của Lehman Brothers đến bài học “cổ phiếu nào cũng có thể về 0” - Ảnh 2.

Cổ phiếu Lehman Brothers từ mức đỉnh 86 USD chỉ còn 21 cent

Ở một thị trường tài chính ngày càng hiện đại, quy mô ngày càng rộng lớn, mức độ thanh khoản càng cao, yêu cầu mức độ chuyên nghiệp của nhà đầu tư càng lớn.

Ông Minh cho rằng một kinh nghiệm mà các nhà đầu tư nên có là cần luôn thay đổi, bắt nhịp với nhịp đập thị trường để thích nghi và nên tin rằng không một lực lượng nào có thể chiến thắng "Ngài thị trường" nếu đấy là thị trường thực sự.

Thứ hai, các nhà đầu tư cũng cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Có sẵn phương án B và không bao giờ tham gia vào thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán với một phương án. Nhấn mạnh vào yếu tố khống chế rủi ro, theo ông Minh, các kỹ thuật phân tích cơ bản và kỹ thuật cần để hướng đến mục tiêu giảm rủi ro, không phải để tìm kiếm lợi nhuận trước tiên.

Từ những năm 2000, nhà đầu tư huyền thoại George Soros từng nêu nhận định thị trường tài chính đang ngày càng nguy hiểm vì không thể xác định lúc nào sẽ có cú giảm mạnh. Bài học lớn từ sự đổ vỡ của Lehman Brothers thập kỷ trước là một minh chứng. Khi rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào, các công cụ để phòng ngừa là điều cần thiết với các nhà đầu tư. Tại Việt Nam, những sản phẩm phái sinh đầu tiên đã có mặt sau 17 năm thành lập thị trường cơ sở là công cụ đáp ứng phần nào nhu cầu kiểm soát rủi ro của các nhà đầu tư.

Theo Thanh Thủy

Từ khóa:  cổ phiếu
Cùng chuyên mục
XEM