Từ sự kiện Nhật Hoàng Lệnh Hòa đăng cơ: Các vĩ nhân lần lượt xuất hiện trên tờ tiền 10.000 Yen hé lộ điều gì về sự tinh tế của nền kinh tài Nhật Bản?

03/05/2019 11:08 AM | Nhân vật

Nhân sự kiện Hoàng thái tử Naruhito chính thức đăng cơ, mở ra năm đầu tiên của triều đại Reiwa (Lệnh Hòa), Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tuyên bố về các thay đổi trên ba tờ tiền mệnh giá 10.000 Yen, 5.000 Yen và 1.000 Yen. Đáng lưu ý, việc thay thế hình ảnh của nhà cải cách giáo dục trứ danh Fukuzawa Yukichi bằng chân dung của cha đẻ chủ nghĩa tư bản Nhật Eiichi Shibusawa (1840-1931) đã gợi mở nhiều hàm nghĩa kinh tế sâu xa.

Không phải Fukuzawa Yukichi hay Eiichi Shibusawa, động lực cải tổ đến từ tên tuổi vị hoàng tử huyền thoại in trên tờ tiền 10.000 Yen đầu tiên

Năm 1945, nước Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, đặt dưới sự ảnh hưởng của Mỹ. Những cơ cấu kinh tế, chính trị và xã hội thời quân phiệt được cải tổ theo hướng dân chủ hóa.

Sau thời đại Minh Trị, người Nhật rơi vào tình thế phải mở cửa một lần nữa với các giá trị phương Tây, đặc biệt là với đường lối tổ chức xã hội công dân mới mẻ. 

Thần đạo bị bãi bỏ tư cách quốc giáo, các zaibatsu bị giải thể, Thiên hoàng bị truất quyền, toàn bộ thuộc địa bị mất, đã đặt ra tình thế gian nan cho xã hội Nhật Bản thời hậu chiến: vươn lên từ đống tro tàn

Người Nhật, với căn tính dân tộc ưu tú của mình, luôn tìm cách dung hòa các giá trị của nền kỹ trị phương Tây và tinh thần Đại Đông Á có từ thời đại Chiêu Hòa (1926-1989)

Năm 1958, lần đầu tiên Ngân hàng Nhật Bản (Bank of Japan) phát hành tờ 10.000 Yen, tờ bạc có mệnh giá lớn nhất trong hệ thống tiền tệ Nhật Bản bấy giờ. Tờ 10.000 Yen họa hình một chính khách vĩ đại của nước Nhật thời cổ đại: Thái tử Shotuku (Thánh Đức)

Nhật Bản Thư Kỷ nói rằng ông là con trai thứ hai của Thiên hoàng Yomei (Dụng Minh), người đề xướng tư tưởng Tam giáo Thần-Nho-Phật đồng nguyên, gạt bỏ những dị biệt gây chia rẽ, hướng đến mục tiêu kiến tạo đời sống kinh tế,văn hóa và chính trị Nhật Bản thịnh vượng.

Với hàm nghĩa lịch sử sâu xa, công cuộc đoàn kết phụng sự tái thiết đất nước được chính phủ quyết tâm thực hiện và Nhật Bản bắt đầu "hóa rồng" vào khoảng giữa thập niên 60 của thế kỷ XX.

Từ các zaibatsu bị giải thể, đã sinh ra các keiretsu với cách thức điều hành quản lý hoàn toàn Tây hóa. Những tập đoàn kinh tế trọng yếu của nước Nhật thay nhau ra đời và lừng danh khắp năm châu như Nissan, Mitsubishi, Mitshui, Sumitomo, Toyota, Fuji…Tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong giai đoạn 1953-1973 của Nhật Bản là 9%/năm.

Từ sự kiện Nhật Hoàng Lệnh Hòa đăng cơ: Các vĩ nhân lần lượt xuất hiện trên tờ tiền 10.000 Yen hé lộ điều gì về sự tinh tế của nền kinh tài Nhật Bản? - Ảnh 1.

Ngày 1/4/1984, Ngân hàng Nhật Bản phát hành tờ 10.000 Yen mới in chân dung Fukuzawa Yukichi, thay thế chân dung Thái tử Shotoku.

Fukuzawa Yukichi: Nguồn động viên lớn lao khi bước vào kỷ nguyên phẳng hóa toàn cầu

Hình ảnh thái tử Shotoku chỉ là khởi nguyên cho câu chuyện đổi tiền. Sự tinh tế của một nền kinh tài tiếp tục được thể hiện vào ngày 1/4/1984, khi Ngân hàng Nhật Bản phát hành tờ 10.000 Yen mới in chân dung Fukuzawa Yukichi, thay thế chân dung Thái tử Shotoku.

Quyết định này diễn ra trong bối cảnh cơ cấu kinh tế Nhật Bản chứng kiến sự thay đổi lớn lao, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp từ 40% (1955) giảm xuống còn 7% (1990). Số lao động rút ra trong nông nghiệp phần lớn được đưa vào ngành công nghiệp nặng như ngành thép, sản xuất ô tô, xây dựng, khai mỏ, đóng tàu, hóa chất v.v…

Khi Nhật Bản hoàn thành xong giai đoạn công nghiệp hóa nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm dần lại và rơi vào trì trệ lâm thời trong thập niên 1980. Bằng chứng là tăng trưởng GDP giảm xuống chỉ còn 2,8% vào năm 1987.

Lúc đó, thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật được dẫn dắt bởi Hoa Kỳ. Hệ quả là vòng đời của các dây chuyền sản xuất và công nghệ ngày càng ngắn lại, từ 25-30 năm (thập niên 1950) xuống còn 15 năm (thập niên 1970) và còn khoảng 10 năm vào thập niên 1980. Sự thay đổi chóng mặt này đòi hỏi nền kinh tế phải chuẩn bị nhiều chất xám hơn cho quá trình đón đầu các xu hướng công nghệ tân thời.

Một lần nữa, người Nhật tự nhận thấy cần định vị lại vị thế quốc gia trong kỷ nguyên phẳng hóa toàn cầu. Muốn khai thác những ngành công nghệ mới và bắt kịp nhịp độ phát triển, lao động Nhật Bản phải nâng tầm hiểu biết và mức độ phổ cập giáo dục phải được gia tăng.

Chính vì vậy, nước Nhật quay lại nhấn mạnh giá trị cải cách giáo dục, xem giáo dục là nền tảng kiến tạo tài nguyên con người. Tư tưởng của Fukuzawa trở thành một nguồn động viên lớn lao cho nhân dân Nhật Bản.

Có khá nhiều người hiểu rõ về Fukuzawa Yukichi (1835-1901) - hay còn gọi là Phúc Ông, thông qua tác phẩm "Khuyến học", được viết trong giai đoạn Nhật Bản đứng trước những bước ngoặt mang tính lịch sử.

Năm 1853, Hoa Kỳ gửi tàu chiến vào Edo dưới sự chỉ huy của tướng Matthew C.Perry, yêu cầu Mạc phủ Tokugawa phải thông thương, giao cho thời hạn thi hành một năm. Đấy là lần đầu tiên giá trị truyền thống của nước Nhật bị thách thức nghiêm trọng trước vũ khí và văn hóa phương Tây.

Nhìn sang các nước Đông Á phong kiến cũng đang trì trệ và bị đế quốc xâu xé, Phúc Ông khuyến dụ nước Nhật phải mau chóng "Thoát Á".  Ông kêu gọi các sĩ phu Nhật Bản làm việc theo phương châm "coi trọng quốc gia và coi nhẹ chính phủ", tự tin vào sức mạnh cá nhân mà không phụ thuộc vào sức mạnh của người khác. Năm 1868, khát vọng của Fukuzawa Yukichi được hiện thực hóa bằng cuộc Duy tân Minh Trị.

Fukuzawa tin rằng nếu không có sự khai sáng và văn minh, nền độc lập giành được sẽ mau chóng mất đi để rồi lại lệ thuộc vào các cường quốc. Giáo dục chính là cách duy nhất để đạt tới văn minh, bởi bản chất của văn minh là sự phát triển kiến thức và đạo đức nội tại của dân tộc. 

Từ sự kiện Nhật Hoàng Lệnh Hòa đăng cơ: Các vĩ nhân lần lượt xuất hiện trên tờ tiền 10.000 Yen hé lộ điều gì về sự tinh tế của nền kinh tài Nhật Bản? - Ảnh 2.

Tờ bạc 10.000 Yen sắp chứng kiến sự thay đổi quan trọng : thay thế hình ảnh của Fukuzawa Yukichi bằng chân dung nhà tư bản tiên phong Eiichi Shibusawa - ảnh : tiền mẫu có hình Eiichi Shibusawa của The Japan Times


Eiichi Shibusawa: Khi nhà tư bản sáng danh trong thời đại Abenomics

Fukuzawa Yukichi "ngự" trên tờ 10.000 Yen cho đến ngày 9/4/2019, Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso tuyên bố về các thay đổi trên ba tờ tiền mệnh giá 10.000 Yen, 5.000 Yen và 1.000 Yen nhân sự kiện Hoàng thái tử Naruhito chính thức đăng cơ, mở ra năm đầu tiên của triều đại Reiwa (Lệnh Hòa)

Trong bối cảnh đó, tờ bạc 10.000 Yen chứng kiến sự thay đổi quan trọng: thay thế hình ảnh của Fukuzawa Yukichi bằng chân dung nhà tư bản tiên phong Eiichi Shibusawa.

Eiichi Shibusawa được xem như người đầu tiên du nhập các định chế chứng khoán, kế toán doanh nghiệp và hình thức tổ chức conglomerate (liên định chế tài chính) vào Nhật Bản.

Đầu thế kỷ XX, có đến hàng trăm doanh nghiệp lớn ở Nhật do Shibusawa gây dựng hoặc góp công kiến tạo, như ngân hàng Dai-Ichi Kangyo (ngân hàng quốc gia đầu tiên của Nhật), Tập đoàn tài chính Mizuho, Ngân hàng The 77, Tokio Marine & Nichido Fire Insurance, Khách sạn Hoàng Gia, Sàn chứng khoán Tokyo, Tokyo Gas, Toyobo, Keihan Electric Railway, Taiheiyo Cement, Công ty giấy Oji, Sapporo Breweries, NYK Line, và Gyeongin Railway.

Nhiều tờ báo lớn của Nhật Bản đã bình luận về ý nghĩa của việc thay đổi chân dung này. Trước mắt, lợi ích ngắn hạn tác động vào lĩnh vực tài chính. Theo Daiichi Life Research Institute, kinh tế Nhật Bản sẽ hưởng lợi thêm khoảng 14 tỉ USD nhờ cuộc thay đổi tiền tệ ngay sau thời điểm Hoàng thái tử Naruhito đăng cơ.

Liên hệ kinh tế cho quyết định trên có thể đến từ năm 2012, thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố thực hiện chính sách Abenomics nhằm đưa nước Nhật ra khỏi tình trạng giảm phát liên tục nhiều năm.

Abenomics gồm ba mũi nhọn. Mũi tên thứ nhất là "ngân sách", theo đó nhà nước sẽ chi ra hàng ngàn tỉ Yen, nhằm kích cầu tiêu dùng. Mũi tên thứ hai là "tiền tệ", Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) điều hành lạm phát mục tiêu ở mức 2% vào năm 2015, gia tăng dòng tiền bơm ra thị trường, cắt giảm chi phí cho vay. Mũi tên thứ ba là "cải cách", nhằm thay đổi sâu sắc hệ thống kinh tế, giảm thuế cho doanh nghiệp, tự do hóa thị trường điện, chú trọng việc làm đối với lao động nữ...

Nikkei Asian Review cho biết, trong 6 năm thực hiện Abeconomics, kinh tế Nhật Bản đã có sự khởi sắc nhất định. Lợi nhuận của các tập đoàn lớn và mức lương người lao động đều gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,5%.

Tuy nhiên, tổng sản phẩm quốc nội của xứ sở mặt trời mọc vẫn sụt giảm nghiêm trọng từ 6.200 tỉ USD (2012), còn 4.900 tỉ USD (2018). Có thể nói, Nhật Bản vẫn cần thêm động lực để thoát khỏi sự trì trệ kéo dài từ thập niên 1990 đến nay.

Ứng Minh

Cùng chuyên mục
XEM