Tự sự của một “con nghiện” Twitter quyết tâm một tuần không mạng xã hội

18/10/2017 09:25 AM | Công nghệ

Sáng thứ Hai đầu tuần tôi cầm điện thoại lên, xóa hết các ứng dụng Instagram, Snapchat, Facebook, Pinterest và LinkedIn, sau đó đăng xuất khỏi toàn bộ tài khoản của mình trên laptop. Và một tuần không mạng xã hội của tôi bắt đầu...

Thử thách

Ngày đầu tiên diễn ra vô cùng khó nhọc. Tôi nhận thấy mình liên tục nháy vào dấu bookmark Twitter trên trình duyệt Chrome, hoặc quen tay gõ facebook.com vào thanh tìm kiếm, hy vọng một bài đăng nào đó hay hay sẽ hiện ra. Nhưng tất cả những gì tôi nhận được là trang yêu cầu đăng nhập, ném tôi trở lại thực tại ngay lập tức với cái kế hoạch “cai” Facebook vừa mới bắt đầu chưa đầy một ngày của mình.

Sáng thứ Ba, mọi thứ vẫn vô cùng khó khăn nhưng đồng thời cũng là buổi sáng thanh thản nhất tôi từng có trong một thời gian dài. Tôi thức dậy và không phải bận tâm đến việc check newsfeed, kiểm tra xem có thông báo hay mention nào chưa đọc không - chỉ riêng việc không phải nhìn thấy những biểu tượng ứng dụng đi kèm dấu chấm đỏ thôi đã đem lại một cảm giác nhẹ nhõm không ngờ. Sau đó bữa sáng diễn ra sớm và tươm tất hơn khi tôi không phải làm “thủ tục” lướt điện thoại nữa. Thậm chí tôi còn có thời gian để đọc báo và bật TV lên theo dõi thời sự.

Ngày hôm sau và những hôm sau nữa mọi việc trở nên dễ dàng và trơn tru hơn. Tôi không còn liên tục liếc xuống điện thoại suốt bữa tối như trước, hay thậm chí nhấc điện thoại lên và kiểm tra thông báo giữa cuộc trò chuyện. Không những thế, đến cuối ngày tôi nhận ra ba ngày vừa rồi tôi gần như chưa “selfie” tấm ảnh nào - đó là khi tôi ngộ ra quy luật: bớt chia sẻ thì sẽ bớt chụp ảnh.

Đến ngày thứ Năm cảm giác “thiếu thốn” đã không còn. Nỗi sợ sẽ bỏ lỡ những bài đăng hay bức ảnh hay ho của bạn bè đã hoàn toàn biến mất. Thay vào đó, cuộc sống diễn ra với tôi một cách tự nhiên hơn và tôi chưa bao giờ nhận ra một ngày có nhiều thời gian đến thế.

Sang thứ Sáu - ngày cuối cùng của thử nghiệm, tôi tìm thấy bình yên trong sự vắng mặt của mạng xã hội. Bỏ mạng xã hội khỏi phương trình cuộc sống và thế là không còn quá nhiều thứ có thể làm tôi xao nhãng nữa. 5 ngày trôi qua cảm giác như một kỳ nghỉ dưỡng dành cho bộ não vậy. Lượng thời gian vô ích tôi từng dùng để lướt newsfeed hay bình luận trạng thái của bạn bè giờ đây đã trở thành thời gian rảnh rỗi cho phép tôi dung nạp thêm nhiều sở thích và hoạt động mới bổ ích hơn cho bản thân. Đến 10 giờ tối ngày hôm đó đã là lúc để kích hoạt lại các tài khoản của mình, và sự thật là, việc đăng nhập với tôi khi đó giống một nghĩa vụ hơn là một nhu cầu.

Do đâu mà chúng ta không dứt ra khỏi mạng xã hội?

Thuật toán mạng xã hội được lập trình để cá nhân hóa với mỗi người dùng sao cho luôn hiện lên đầu những bài đăng mà ứng dụng cho là thú vị nhất với người xem. Điều này nghe có vẻ vô hại nhưng ít người nhận thức được đầy đủ tầm ảnh hưởng của nó tới cuộc sống thường ngày.

Nhu cầu liên tục cập nhật thế giới xung quanh qua mạng xã hội đã trở thành một món ăn tinh thần gây nghiện - và hậu quả nó mang lại có thể trở nên khôn lường nếu không được quan tâm đúng mực. Chẳng vậy mà vị trưởng bộ phận marketing Facebook đã công bố hồi đầu năm rằng trung bình một người trưởng thành kiểm tra điện thoại 30 lần/ngày, con số đó lên tới 150 lần/ngày với đối tượng thanh niên tuổi ngoài 20.

Việc dành ra quá nhiều thời gian online có thể dẫn tới thay đổi hành vi ứng xử cũng như cách chúng ta nhìn nhận thế giới xung quanh. Không khó để lý giải vì sao độ tuổi thanh - thiếu niên dễ bị ảnh hưởng nhất khi mà sử dụng mạng xã hội đi kèm với nhu cầu liên tục khẳng định giá trị bản thân trong mắt người khác, dẫn tới thiếu hụt kỹ năng tự đánh giá bản thân.

Bài học

Dù chỉ từ bỏ truyền thông trong 5 ngày, nhưng vậy thôi đã đủ để tôi nhận ra nhiều mặt của cuộc sống tôi cần phải chăm chút và cải thiện, không còn thứ phân tâm đồng nghĩa với việc tôi buộc phải đối mặt với rắc rối cuộc sống thực của mình. Mạng xã hội, trên một khía cạnh nào đó, mở ra cho con người cánh cửa để trốn thoát khỏi thực tại. Và cũng giống như mọi liều thuốc trên Trái Đất này, khi được dùng vừa phải sẽ có tác động tích cực, nhưng dùng quá liều và bạn sẽ phải lãnh hậu quả khôn lường.

Theo Công Minh

Từ khóa:  twitter
Cùng chuyên mục
XEM