Từ nghệ sĩ thổi kèn bán cà phê xe đẩy trở thành nhà sáng lập tập đoàn trị giá 700 triệu USD phục vụ cà phê đặc sản "sang chảnh" hơn cả Starbucks

08/08/2019 14:59 PM | Kinh doanh

Trước khi James Freeman trở thành chủ tập đoàn rang xay 1 triệu tấn cà phê mỗi năm, ông chỉ là một nhạc sĩ thổi kèn nghèo với thú vui tự rang cà phê một mình.

Khi đam mê trở thành "chén cơm"

Vào năm 2002, Freeman chỉ vừa đủ sống với nghề thổi kèn bán thời gian của mình, ông cùng dàn giao hưởng biểu diễn không đều đặn khắp vùng California.

Trong thời gian rảnh, Freeman thường tự mày mò rang cà phê bằng lò nướng tại căn hộ cho thuê, không ngừng nghĩ về ý định khởi nghiệp.

Tất cả bạn bè khi nghe về kế hoạch trên đều ra sức phản đối, khẳng định rằng thị trường cà phê đã quá bão hòa. Nhưng đối với Freeman, ông chưa bao giờ thật sự hài lòng với những nhãn hiệu trên thị trường, vì đa phần đều sử dụng cà phê cũ, rang quá lâu hoặc quá nóng ...

"Trong cả khu vực San Francisco, không ai có thể tìm được một gói cà phê với ngày rang trên vỏ", Freeman cho hay.

Quyết tâm theo đuổi đam mê, Freeman "chi lớn" 600 USD/ tháng để thuê một nhà kho rộng 18 mét vuông, trong đó là một máy rang cà phê cũ hiệu Diedrich mà ông đã di chuyển hơn 3.900 km để mua.

Từ nghệ sĩ thổi kèn bán cà phê xe đẩy trở thành nhà sáng lập tập đoàn trị giá 700 triệu USD phục vụ cà phê đặc sản sang chảnh hơn cả Starbucks - Ảnh 1.

"Nhà máy rang xay" đầu tiên của James Freeman

Sau vài đợt tâm đắc với thành quả của mình, Freeman quyết định từ bỏ biểu diễn để trở thành một chuyên gia cà phê toàn thời gian, tự rang xay, pha chế và buôn bán tại các phiên chợ nông sản trong khu vực.

"Trong sự nghiệp chơi kèn Clarinet, tôi có vài giây phút tự hào, nhưng tiếc rằng nó không nhiều và cũng không thường xuyên, chính vì thế, cà phê trở thành một "trại tị nạn" để tôi theo đuổi đam mê", Freeman trả lời phỏng vấn trên CNBC.

Dù cố hết sức tiết kiệm chi phí khi "tự thân vận động" mọi công đoạn, nhưng Freeman vẫn phải trả tiền thuê kho, tiền mua máy rang, phí mặt bằng kinh doanh tại chợ, nguyên liệu… Nhà sáng lập của Blue Bottle dồn hết số tiền còn lại: "Nghệ sĩ kèn Clarinet không có giàu, nên tôi phải dốc toàn bộ tiền đang có, cộng với nợ tín dụng."

Với tổng cộng 20.000 USD vốn khởi nghiệp, trong đó có đến 15.000 USD là nợ tín dụng, xe đẩy Blue Bottle với cam kết "cà phê mới rang trong 48 giờ" xuất hiện trên thị trường.


Hữu xạ tự nhiên hương

Chật vật buôn bán để bù đắp chi phí, khoảng 2 năm sau quyết định thay đổi sự nghiệp, Freeman chợt nhận ra trước xe đẩy cà phê của mình là hàng chục người đang kiên nhẫn xếp hàng.

Từ nghệ sĩ thổi kèn bán cà phê xe đẩy trở thành nhà sáng lập tập đoàn trị giá 700 triệu USD phục vụ cà phê đặc sản sang chảnh hơn cả Starbucks - Ảnh 2.

Chiếc xe đẩy Blue Bottle tại một phiên chợ

Dù đã có không ít "fan trung thành" từ khi xuất hiện trên thị trường, nhưng hôm đó thật sự khác biệt, Freeman cho hay: "30 đến 40 người đang đứng chờ, tôi nghĩ rằng có chuyện gì đã xảy ra."

Sau hơn 2 năm miệt mài "giáo dục khách hàng" về chất lượng cà phê, kỹ thuật rang xay và pha chế… Blue Bottle đã trở thành một hiện tượng trên mạng, một thương hiệu dẫn đầu của "làn sóng cà phê thứ 3", xu hướng đưa cà phê từ một loại nước giải khát lên thành thức uống xa xỉ như rượu vang.

Nhận ra đây chính là cơ hội để tiếp tục mở rộng, Freeman ra sức tiết kiệm để mở cửa hàng chính thức trong một con hẻm cụt mà theo lời ông là "nồng nặc mùi nước tiểu" tại trung tâm San Francisco.

Với bản tính tiết kiệm của mình, cửa hàng Blue Bottle ngay lập tức mang lại lợi nhuận ngay từ những ngày đầu mở bán, Freeman còn cho rằng kinh nghiệm yếu kém buộc ông phải cực kỳ cẩn thận trong mọi bước đi của Blue Bottle, ông sẵn sàng làm hết mọi chuyện để khi cuối tháng, công ty "vẫn còn tiền trong tài khoản ngân hàng."

Nhưng điều khiến Freeman khác biệt so với các CEO còn lại là niềm đam mê với cà phê, trang web của Blue Bottle sẵn sàng chia sẻ mọi kiến thức mà nhà sáng lập đã dày công nghiên cứu, từ phương pháp ép, cách làm cà phê nhỏ giọt …

Từ nghệ sĩ thổi kèn bán cà phê xe đẩy trở thành nhà sáng lập tập đoàn trị giá 700 triệu USD phục vụ cà phê đặc sản sang chảnh hơn cả Starbucks - Ảnh 3.

Những bài chia sẻ kiến thức của Blue Bottle luôn đứng đầu trên Google

Danh tiếng dần lan tỏa, Blue Bottle mở rộng một cách cẩn thận, đặc biệt là trong khu vực vịnh San Francisco (hiện có đến 18 cửa tiệm) và lấn sân sang các khu vực có mức thu nhập cao khác như New York vào năm 2010, Los Angeles vào năm 2014 và Tokyo vào năm 2015.

Mô hình "đơn giản mà hiệu quả" của Blue Bottle đã thu hút đến 117 triệu USD từ các nhà đầu tư, trong đó là hàng loạt những tên tuổi "cộm cán" như CEO của Twitter, quỹ Google Ventures, đồng sáng lập Instagram - Kevin Systrom ...

Nhưng có sức ảnh hưởng nhất trong số đó chúng là Bryan Meehan, người đã trở thành CEO của Blue Bottle sau khi đầu tư một khoản tiền lớn vào tập đoàn.

Bryan chính là người đề xuất và giám sát thực hiện chiến lược "toàn cầu hóa" của Blue Bottle, khiến gã khổng lồ Nestle phải ngay lập tức mua lại 68% cổ phần vào năm 2017, đẩy tổng giá trị vốn hóa của cả Blue Bottle lên tận 700 triệu USD.


Khó khăn và thách thức

Từ nghệ sĩ thổi kèn bán cà phê xe đẩy trở thành nhà sáng lập tập đoàn trị giá 700 triệu USD phục vụ cà phê đặc sản sang chảnh hơn cả Starbucks - Ảnh 4.

Tuy nhiên, sự thành công vang dội của Blue Bottle cũng đón nhận không ít chỉ trích từ các chuyên gia kinh tế, đa phần tập trung vào mức giá "sang chảnh" – 5 USD cho một ly, chỉ dành cho các khách hàng tại khu vực có thu nhập cao.

Blue Bottle hoàn toàn không thể hạ giá để mở rộng thị phần khi các nhãn hiệu như Starbucks và Dunkin’ Donuts đang nắm chắc thị phần của riêng mình.

Blue Bottle cũng từng phải đóng cửa 2 địa điểm tại Miami chỉ sau 1 năm kinh doanh, dù lý do "tái đầu tư vào các vùng trọng điểm" được đưa ra, nhưng nhiều người dễ dàng nhận ra rằng ít có thành phố có đủ lượng dân số "sang chảnh", sẵn sàng bỏ ra đến 5 USD cho một ly cà phê.

Từ nghệ sĩ thổi kèn bán cà phê xe đẩy trở thành nhà sáng lập tập đoàn trị giá 700 triệu USD phục vụ cà phê đặc sản sang chảnh hơn cả Starbucks - Ảnh 5.

Tuy nhiên, Blue Bottle cũng đứng trước một cơ hội lớn khi số lượng người dùng "cà phê đặc sản" đang ngày càng tăng, gia tăng số lượng khách hàng tiềm năng của công ty.

Nhưng dự đoán cũng chỉ là dự đoán, nhà sáng lập Freeman đã từng thổ lộ: "Không ai có thể biết được tương lai. Tôi chẳng có một kế hoạch gì cả, tôi chỉ biết rằng người dùng đã quá quen với những hương vị đại trà và Blue Bottle sẽ là một thứ khác biệt."

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM