Từ một kiểm toán viên bình thường, CEO này đã trở thành truyền nhân mới của Jack Ma tại Alibaba nhờ 7 triết lý lãnh đạo khôn ngoan ai cũng nên học

10/09/2019 20:43 PM | Kinh doanh

Hôm nay, vào dịp kỷ niệm 20 thành lập tập đoàn Alibaba, tỷ phú Jack Ma sẽ nghỉ hưu, nhường vị trí cho nhân vật tài hoa không kém ông - CEO Daniel Zhang.

Vào ngày 10/9, Daniel Zhang chính thức tiếp quản vị trí chủ tịch Tập đoàn Alibaba, sau hơn 4 năm làm việc ở cương vị CEO. Ông được đích thân Jack Ma - người sáng lập nên một trong những "gã khổng lồ" thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc - "chọn mặt gửi vàng" để trở thành người kế nhiệm sau khi vị tỷ phú này tuyên bố nghỉ hưu vào năm ngoái.

Cách đây 12 năm, Daniel Zhang chỉ là một nhân viên kiểm toán bình thường tốt nghiệp từ ĐH Kinh tế & Tài chính Thượng Hải. Sau khi gia nhập Alibaba vào năm 2007, ông đã dần dần trở thành gương mặt quan trọng trong tập đoàn, là "kiến trúc sư" chính của nhiều dự án thương mại điện tử lớn.

Người đàn ông gốc Thượng Hải này thường được nhân viên miêu tả là Tiểu Dao Tử  - dùng để chỉ những người có tinh thần tự do và phóng khoáng.

Theo hồ sơ được đăng tải trên trang web của tập đoàn năm 2017, phong cách lãnh đạo của Daniel Zhang cũng rất khác biệt với Jack Ma: "Việc chú ý đến từng chi tiết kể cả nhỏ nhất chính là sự khác biệt lớn giữa người sáng lập Alibaba và Daniel Zhang".

Từ một kiểm toán viên bình thường, CEO này đã trở thành truyền nhân mới của Jack Ma tại Alibaba nhờ 7 triết lý lãnh đạo khôn ngoan ai cũng nên học - Ảnh 1.

Jack Ma (trái) và Daniel Zhang (phải)

Trong một bài báo của CNBC Make It, Daniel đã chia sẻ về 7 nguyên tắc lãnh đạo đã hỗ trợ mình và các cộng sự kể từ khi đảm nhận vị trí CEO vào năm 2015.

Ông cho biết, những nguyên tắc này "đã giúp chúng tôi thành công với những dự án lớn như ‘11.11’ - sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới - hay chiến lược ‘Bán lẻ mới’ sẽ đưa Alibaba và các đối tác đi tới tương lai". Ngoài ra, chúng cũng giúp ông "tập trung vào những điều quan trọng khi nghĩ về cạnh tranh, tuyển dụng nhân tài và đưa ra những quyết định khó khăn".

Quản lý không phải là lãnh đạo

"Tôi phân biệt rõ ràng giữ ‘nhà quản lý’ và ‘người lãnh đạo’. Một nhà quản lý sẽ điều hành kinh doanh và nhận lại những kết quả mong đợi - những thước đo năng lực then chốt. Tuy nhiên, sứ mệnh của người lãnh đạo là dẫn dắt đội ngũ của mình, chứ không phải chỉ quan tâm đến kết quả.

Một người lãnh đạo phải kiến tạo được tương lai. Thứ chúng ta muốn ở Alibaba chính là những người lãnh đạo. Công ty sẽ không chọn tôi làm CEO nếu tôi chỉ là một nhà quản lý bình thường."

Cạnh tranh với chính mình

"Cạnh tranh khốc liệt trong kinh doanh không phải điều gì xấu, mà là một sự may mắn. Bạn phải tỉnh táo mọi lúc, kể cả trong giấc ngủ. Bạn phải luôn luôn học hỏi và cải tiến. Viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra với một doanh nghiệp là việc người lãnh đạo luôn cho rằng mình đúng và bất bại. Nếu nghĩ rằng mình không có đối thủ, bạn sẽ sớm nhận ra là mình đã sai.

Bạn phải sẵn sàng nhanh trí hơn, khôn ngoan hơn để đánh bại sản phẩm và dịch vụ tốt nhất của chính mình. Tôi thường nói: ‘Nếu không tự tay giết chết con người cũ của mình, chúng ta sẽ bị đối thủ tiêu diệt." Bạn phải có đủ can đảm để tái tạo bản thân."

Nhìn về tương lai, không phải quá khứ

"Thành công của chúng ta trong tương lai luôn được xác định bởi dấu ấn chúng ta tạo ra ngày hôm nay. Vì thế, hãy coi trọng thành quả lâu dài, thay vì cái lợi trước mắt. Đừng bỏ lỡ những cơ hội trong tương lai, hay liều mạng chỉ vì lợi ích ngắn hạn. Nếu chỉ quan tâm đến những kết quả trước mắt, bạn sẽ không lường trước được các thay đổi và bỏ lỡ cơ hội quan trọng dành cho mình."

Biết khi nào "được ăn cả, ngã về không" và đủ can đảm để thực hiện điều đó

"Người lãnh đạo phải thật quyết đoán và dám "được ăn cả, ngã về không". Giống như chơi bài poker, nếu không đủ can đảm để liều, bạn sẽ không thể thắng được. Trong kinh doanh cũng vậy, bạn phải biết chấp nhận rủi ro ở thời điểm quan trọng để thu về chiến thắng lớn."

Mua thay vì đặt cược

"Nếu muốn thắng, bạn nên mua cả con ngựa thay vì đặt cược vào nó. Tại Alibaba, khi phải thực hiện các dự án chiến lược đòi hỏi sự phối hợp và tích hợp, chúng tôi sẽ thu mua công ty thay vì cổ phần thiểu số.

Chúng tôi làm vậy vì đây là hành động chứng tỏ trách nhiệm và thể hiện sự cam kết. Những người đặt cược vào nhiều con ngựa là những người không dám chia sẻ trách nhiệm mà chỉ muốn đầu tư. Rủi ro của họ thấp, nhưng họ không có cam kết lâu dài với bất kỳ con ngựa. Ở đây chúng tôi không làm thế. Nếu bạn cho tôi con ngựa của mình, nó sẽ trở thành con ngựa của chúng tôi. Trách nhiệm của tôi là khiến con ngựa ấy chạy thật tốt."

Từ một kiểm toán viên bình thường, CEO này đã trở thành truyền nhân mới của Jack Ma tại Alibaba nhờ 7 triết lý lãnh đạo khôn ngoan ai cũng nên học - Ảnh 2.

Tìm kiếm người biết nhìn xa trông rộng

"Ở Trung Quốc, có một bài thơ viết: ‘Bạn không thể thấy núi khi đang đứng trên ngọn núi đó’. Nói cách khác, khi bạn đang leo núi, bạn sẽ không thấy nó trông giống một ngọn núi. Nó sẽ giống một con đường đầy đá và sỏi. Trong kinh doanh, muốn nhìn được toàn cảnh bức tranh, bạn phải đứng từ xa, hoặc tìm được người có quan điểm khác biệt.

Jack Ma vẫn thường chia sẻ quan điểm của ông ấy với tôi khi trò chuyện. Dù cùng đi chung trên một con đường, cả hai vẫn có những tư duy khác nhau."

Tuyển dụng "nhà thám hiểm", không phải nhân viên bình thường

"Một vài người chỉ muốn đi làm để lấy lương. Họ là những người có tầm nhìn hạn hẹp. Trái lại, những người có tinh thần khám phá sẽ sẵn sàng đối mặt với rủi ro và thay đổi. Họ muốn tự tay xây dựng thành tựu và để lại dấu ấn riêng của bản thân.

Khi trò chuyện với các ứng viên cho vị trí lãnh đạo, tôi thường nói: ‘Hãy bắt đầu một cuộc phiêu lưu thú vị cùng nhau. Để sau 20 hay 30 năm nữa, bạn có thể tự hào kể với con cháu mình điều này’.

Tôi cũng nói: ‘Nếu bạn đang tìm kiếm sự ổn định, vậy thì đừng đến đây. Tôi không thể đảm bảo sự thành công cho bạn, nhưng chắc chắn bạn sẽ có một cuộc hành trình thú vị’. Cách tiếp cận này giúp tôi tìm ra được các nhân tài can đảm và có tư duy sáng tạo."

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM